Ông Trần Bắc Hà ở BIDV: Công và tội

Nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) Trần Bắc Hà đã bị cơ quan điều tra kết luận có những sai phạm khi “bơm” vốn cho 12 công ty “ma” của Phạm Công Danh, trong đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB). Trước đó, ông Trần Bắc Hà từng là cái tên nổi như cồn được gắn với sự phát triển thăng trầm của BIDV. Trên thị trường ngân hàng, thậm chí, người ta còn gọi ông bằng biệt danh: “ông trùm tài chính”.

Ông Trần Bắc Hà ở BIDV: Công và tội - 1

Tại một phòng giao dịch của BIDV.

Quãng thời gian “quyền lực”

Quãng những năm 2008-2010 và đặc biệt từ 2011-2015 cái tên ông Trần Bắc Hà nổi như cồn thậm chí còn được nhiều người trong giới tài chính ngân hàng gọi bằng cái tên “ông trùm tài chính”.

Vào thời kỳ đó, BIDV nổi lên với vai trò là ngân hàng luôn đi đầu dẫn dắt thị trường trước các động thái điều hành tăng hay hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí, BIDV còn là ngân hàng tiên phong “bàn” về xử lý nợ xấu và việc NHTM phải thực hiện theo chuẩn quốc tế Basel 2. Có những lần BIDV cũng “gây sốc” khiến thị trường lo ngại khi đưa ra những dự báo  về tỷ giá hay lãi suất sẽ biến động mạnh. Thời ấy, người ta bảo nhau “cựu” chủ tịch BIDV chẳng ngán ai, thích là nói, là làm.

Nay dù đã nghỉ hưu hơn 2 năm nhưng ông Trần Bắc Hà vẫn là cái tên khiến nhiều người phải... e ngại. Lần giở lại lý lịch, ông bắc Hà sinh năm 1956 tại Bình Định, bắt đầu gắn bó với BIDV từ năm 25 tuổi. Sau 10 năm công tác tại ngân hàng (NH) này, tháng 7/1991 ông được bổ nhiệm làm Giám đốc chi nhánh BIDV tỉnh Bình Định.

Đến năm 1999, ông Hà được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc BIDV và đến tháng 5/2003 được lựa chọn làm Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc NH này. Ông chính thức trở thành lãnh đạo quyền lực nhất tại ngân hàng này từ đầu năm 2008 với vai trò Chủ tịch HĐQT và là người đại diện sở hữu gần 40% trên tổng số 95,3% cổ phần nhà nước nắm giữ tại BIDV. Ngoài ra, ông cũng trực tiếp nắm giữ hơn 163.600 cổ phiếu BIDV.

Cũng trong những lần đăng đàn tại các hội nghị ngành Ngân hàng sau này, còn nhớ, ông Hà luôn trong số ít lãnh đạo ngân hàng rất hay lên phát biểu đầu tiên. Những gì ông nói trước toàn ngành khi đó không dưới vài lần đều “xoáy” vào cái khó của người điều hành doanh nghiệp Nhà nước, “bị trói” bởi quy định ba bề bốn bên.Chưa kể, có lần ông lên tiếng kêu quy định về lương bổng của lãnh đạo DNNN đang rất thấp, trong khi trách nhiệm lại cao.

Ông Trần Bắc Hà ở BIDV: Công và tội - 2

Cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà.

Công và tội…

Tính đến ngày về hưu, ông Trần Bắc Hà đã có 35 năm công tác tại BIDV và 8 năm 8 tháng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) của BIDV. Ông Hà cũng từng được coi là “linh hồn” của BIDV trong suốt thời gian dài và ghi dấu ấn là người khởi tạo Sở Giao dịch 3, Công ty Chứng khoán, Công ty Quản lý nợ khai thác tài sản BIDV…

Cho đến nay, BIDV vẫn đang là ngân hàng duy nhất được chỉ định mở tài khoản thanh toán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra ông Trần Bắc Hà cũng là người chỉ đạo thành lập các hiện diện thương mại tại Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Czech và chỉ đạo Văn phòng đại diện tại Lào, Campuchia, Myanmar.

Xét về công sức và dấu ấn, nhìn lại quá trình phát triển của BIDV, không thể phủ nhận ông Hà đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của ngân hàng này. BIDV đã vươn lên trở thành một trong 4 ngân hàng mạnh của hệ thống và cũng là ngân hàng tiên phong cho vay BOT rầm rộ (thời đó ông Hà là người luôn ủng hộ việc ngân hàng cần rót vốn vào BOT).

Tuy nhiên, thời kỳ cầm “bánh lái” con thuyền BIDV của ông Hà cũng gây ra nhiều tỳ vết. Ngoài nổi tiếng là người nóng tính, điều hành ngân hàng theo phong cách “chuyên quyền, độc đoán”, cựu lãnh đạo này cũng góp phần trong điều hành đẩy nợ xấu BIDV tăng vọt.

Theo báo cáo tài chính của 11 NHTM công bố vào tháng 8/2016 (thời điểm ông Hà nghỉ hưu), 11 Ngân hàng đã cầm trong tay hơn 48.882 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, BIDV là ngân hàng có tổng số nợ xấu cao nhất, lên tới 13.183 tỷ đồng, tăng 35,95% so với cuối năm 2015. Báo cáo quý 1/2018 (như Tiền Phong đã thông tin ngày 4/6), lợi nhuận sau thuế của BIDV chỉ tăng 8,5% và chi phí dự phòng đã ăn mòn phần lớn 70% lợi nhuận trước trích lập cho các khoản nợ xấu còn treo đó.

Rót tiền  cho công ty “ma”

Liên quan đến vụ án Ngân hàng Xây dựng (VNCB), theo tài liệu của cơ quan điều tra (CQĐT), để có tiền tăng vốn điều lệ khi tái cơ cấu VNCB, Phạm Công Danh - Chủ tịch VNCB và Tập đoàn Thanh Thanh tìm đến BIDV để vay vốn. Danh gặp ông Đoàn Ánh Sáng, Phó tổng giám đốc BIDV phụ trách ban khách hàng doanh nghiệp, và ông Trần Lục Lang, Phó tổng giám đốc phụ trách ban quản lý rủi ro. Qua 2 nhân vật này, Danh đặt vấn đề việc Danh sẽ giới thiệu khách hàng có nhu cầu vay vốn kinh doanh cho BIDV.

Trường hợp khách hàng do VNCB giới thiệu không có đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ, dùng tài sản của mình cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay theo quy định của BIDV. Khi được lãnh đạo BIDV đồng ý cho vay, Danh chỉ đạo cấp dưới dùng 12 công ty “ma” do mình thành lập, làm khống hồ sơ vay vốn 4.700 tỷ đồng tại BIDV. Tài sản đảm bảo khoản vay gồm 3.070 tỷ đồng là tiền của VNCB gửi tại BIDV và một số tài sản khác của Tập đoàn Thiên Thanh như 6 lô đất sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng), đất 209 Trường Chinh (Đà Nẵng).

Theo kết luận điều tra, quyết định phê duyệt chủ trương cho vay của hội sở là phán quyết tín dụng để các chi nhánh thực hiện cho vay. Khi đến hạn, 12 công ty không trả được nợ nên BIDV đã tự động trừ tiền trên tài khoản tiền gửi của VNCB. Vì bảo lãnh cho các khoản vay nói trên, VNCB bị thiệt hại hơn 2.500 tỷ đồng.

Còn theo thông cáo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư , ông Trần Bắc Hà (nguyên Bí thư Đảng ủy- nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) có sai phạm nghiêm trọng về các quy định, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ. Trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại VNCB.

Cho đến nay, BIDV vẫn đang là ngân hàng duy nhất được chỉ định mở tài khoản thanh toán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra ông Trần Bắc Hà cũng là người chỉ đạo thành lập các hiện diện thương mại tại Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Czech và chỉ đạo Văn phòng đại diện tại Lào, Campuchia, Myanmar.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Huyền (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN