"Nóng hầm hập", cổ phiếu BĐS cứu rỗi thị trường

Thị trường đang đuối sức bỗng vươn mạnh khi cổ phiếu bất động sản "nóng hầm hập".

Sàn Thành phố Hồ Chí Minh

Trong phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm nhẹ. Điều đó khiến cho không ít người bi quan khi tin rằng thị trường chứng khoán đang bước vào kỳ điều chỉnh sau một thời gian tăng khá mạnh.

Tuy nhiên, ngược lại dự báo, đầu phiên, thị trường lấy lại sắc xanh dù tăng rất nhẹ. Tâm lý nhà đầu tư khá dè dặt khi đặt lệnh mua khiến đà tăng của VN-Index rất mong manh. Thế nhưng, cổ phiếu bất động sản ồ ạt tăng mạnh đã xua đi mọi lo lắng. VN-Index tăng mạnh về cuối phiên.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/2, VN-Index tăng 4,36 điểm, tương ứng 0,76% và dừng ở mức 574,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 160.281.020 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 2.463,67 tỷ đồng, giảm rất nhẹ so với hôm qua nhưng vẫn ở mức rất cao. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 5.508.990 cổ phiếu, tương ứng 177,89 tỷ đồng. Toàn sàn có có 172 mã tăng giá, 59 mã đứng giá và 65 mã giảm giá.

VN30-Index tăng mạnh hơn VN-Index một chút. Chốt phiên giao dịch ngày 18/2, VN30-Index tăng 6,8 điểm, tương ứng 1,06% và dừng ở mức 645,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 57.402.640 cổ phiếu, tương ứng 1.259,53 tỷ đồng. Trong nhóm có 22 mã tăng giá, 5 mã đứng giá và 3 mã giảm giá.

Thông thường, các cổ phiếu nhóm VN30 thường có xu hướng dẫn dắt thị trường. Nhưng hôm nay, nhóm này lại “ăn theo” cổ phiếu bất động sản. Đầu phiên, khá nhiều mã vốn hóa lớn giảm điểm như BVH, CII, CSM, CTG, MSN, FPT,.. Nhưng cuối phiên, nhờ sức nóng của bất động sản, số mã blue-chip giảm giá chỉ còn có 3. Đó là EIB giảm 100 đồng/CP xuống 13.200 đồng/CP, MSN giảm 500 đồng/CP xuống 92.500 đồng/CP, HSG giảm 100 đồng/CP xuống 49.400 đồng/CP.

Hôm nay, cổ phiếu bất động sản nổi sóng khi hàng loạt mã tăng trần. Cổ phiếu bất động sản đang được nhận hỗ trợ từ những bản báo cáo kết quả kinh doanh năm 2013 tốt hơn mong đợi của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, trong những năm vừa qua, cổ phiếu bất động sản giảm rất mạnh nên có sức hút lớn.

Rất nhiều cổ phiếu bất động sản chìm trong sắc tím. ASM tăng 500 đồng/CP lên 8.100 đồng/CP, DIG tăng 1.000 đồng/CP lên 16.500 đồng/CP, DXG tăng 900 đồng/CP lên 14.600 đồng/CP, HQC tăng 500 đồng/CP lên 8.600 đồng/CP, KBC tăng 800 đồng/CP lên 12.700 đồng/CP, PXL tăng 200 đồng/CP lên 8.200 đồng/CP, QCG tăng 400 đồng/CP lên 7.500 đồng/CP…

Mặc dù không tăng trần như các mã kể trên nhưng một số cổ phiếu vốn hóa lớn lại góp phần không nhỏ giúp VN-Index tăng mạnh cuối phiên. VIC tăng 1.500 đồng/CP lên 78.000 đồng/CP, FPT tăng 1.000 đồng/CP lên 57.000 đồng/CP, GAS tăng 500 đồng/CP lên 83.000 đồng/CP,…

Sàn Hà Nội

HNX-Index có tốc độ tăng thậm chí còn cao hơn VN-Index. Kết thúc phiên giao dịch 18/2, HNX-Index tăng 1,4 điểm, tương ứng 1,76% và đóng cửa ở mức 81,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 94.441.826 cổ phiếu, tương ứng 992,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hôm qua. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 1.621.592 cổ phiếu, tương ứng 23 tỷ đồng.

Toàn sàn ghi nhận 162 mã tăng giá, 80 mã đứng giá và 63 mã giảm giá.

Có thể thấy, hôm nay chỉ số HNX-Index đã vượt qua được ngưỡng quan trọng 80 điểm. Đầu phiên, thị trường giằng co khiến không ít người lo ngại VN-Index có vượt ngưỡng thành công. Tuy nhiên, sức nóng từ sàn Thành phố Hồ Chí Minh lan sang khiến HNX-Index thậm chí còn đạt hơn 81 điểm.

HNX30-Index tăng mạnh hơn HNX-Index. Đóng cửa phiên 17/2, HNX30-Index tăng 3,66 điểm, tương ứng 2,31% và đóng cửa ở mức 161,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 61.811.600 cổ phiếu, tương ứng 736,62 tỷ đồng Trong nhóm có 20 mã tăng giá, 5 mã đứng giá và 4 mã giảm giá.

Trên sàn Hà Nội, số mã tăng áp đảo số mã giảm. Số blue-chip đóng cửa trong sắc đỏ lại càng hiếm hoi. Chỉ có BCC giảm 100 đồng/CP xuống 6.900 đồng/CP, EID giảm 100 đồng/CP xuống 13.600 đồng/CP và PVL giảm 100 đồng/Cp xuống 3.100 đồng/CP.

SHB tiếp tục là cổ phiếu được chú ý nhất trên sàn Hà Nội khi vẫn được nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin. Hôm nay, khối ngoại đã mua vào 1.545.400 đơn vị. Động thái liên tục mua ròng SHB của khối ngoại khiến cổ phiếu này rất nóng. SHB gần tăng 500 đồng/CP lên 8.500 đồng/CP, cách giá trần không xa. Khối lượng giao dịch SHB cao ngất ngưởng, đạt 15.312.270 đơn vị.

Cổ phiếu bất động sản trên sàn Hà Nội không nóng hầm hập như trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cũng tăng khá mạnh. Điển hình nhất là họ Sông Đà. Trong đó S96 và SD1 tăng trần, lần lượt tăng lên 3.800 đồng/CP và 4.200 đồng/CP.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN