Những lần Bộ Tài chính đề xuất “đánh” vào túi tiền người dân trong 9 tháng qua

Sự kiện: Kinh Doanh

Dự thảo Luật Thuế tài sản tới tận bây giờ vẫn khiến nhiều người không khỏi thấp thỏm vì viễn cảnh phải nộp số tiền lớn gấp cả chục lần hiện tại cho căn nhà và mảnh đất bấy lâu của mình.

Thế nhưng, ngược dòng thời gian, đó không phải là dự thảo hiếm hoi với ý định đánh vào túi tiền người dân. Trong hơn nửa năm qua, liên tiếp những đề xuất tương tự đã được Bộ Tài chính đưa ra và nếu đồng loạt thành hiện thực, đó sẽ là gánh nặng không nhỏ.

Từ thuế giá trị gia tăng đến thuế bảo vệ môi trường

Trong cuộc họp báo giữa tháng 8/2017, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính đã công bố một loạt các đề xuất về thuế. Đáng chú ý nhất trong số này là kiến nghị tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019.

Những lần Bộ Tài chính đề xuất “đánh” vào túi tiền người dân trong 9 tháng qua - 1

Nếu tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12%, hàng triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Việc tăng thuế giá trị gia tăng đã khiến nhiều người lo lắng. Lý do được cơ quan chức năng đưa ra là theo kinh nghiệm quốc tế, để bù đắp hụt thu do giảm thuế thu nhập, các nước đang chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng như thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt.

Tại thời điểm dự định áp thuế, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định: Việc tăng thuế giá trị gia tăng tác động lên người dân, đặc biệt là người nghèo không nhiều.

Trên thực tế, người dân nếu mua hàng ở chợ thì sẽ không có tờ hóa đơn nào ghi rằng họ phải nộp bao nhiều tiền thuế VAT. Tuy nhiên, về phía người sản xuất,  để làm ra mớ rau, cân gạo hay miếng thịt ở chợ, họ đã phải trả thuế cho cả quá trình dài, từ tiền điện, nước tới nguyên vật liệu, phân bón, vận chuyển,…

Câu chuyện tăng thuế VAT đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong một thời gian dài vì đó là đề xuất đánh vào hàng triệu người tiêu dùng. Thế nhưng, có một đề xuất, ra đời ít lâu sau đó, cũng thu hút được sự chú ý của dư luận: Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu lên kịch trần. Trong số này, riêng mức thuế với xăng dự tính tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung hiện tại là 4.000 đồng/lít. Điều này có nghĩa, giá xăng, dầu có thể sẽ tăng thêm cả nghìn đồng mỗi lít.

Lý do được đưa ra là cơ cấu lại ngân sách Nhà nước. Thế nhưng, với chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, đó là cả một câu chuyện lớn phía sau. Theo ông, xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu không thể không sử dụng, kể cả người giàu hay người nghèo. Thâm chí, ông cho rằng, người nghèo có khi phải sử dụng nhiều nhiên liệu hơn để kiếm được đồng tiền. Giá xăng, dầu đồng loạt tăng sẽ khiến người nghèo vốn đã khó khăn lại càng khó có khả năng tiết kiệm.

Đẩy gánh nặng lên vai người dùng

Mọi thứ được đẩy lên đỉnh điểm khi dự án Luật Thuế tài sản ra đời ngay trong tháng 4/2018. Chỉ cần nhìn số thuế tài sản với đất dự kiến tăng hơn 13 lần so với hiện tại cũng đủ thấy sự khắc nghiệt của đề xuất này ra sao. Đó là chưa kể, nhà ở trên 700 triệu đồng cũng trong diện phải chịu thuế. Một đề xuất được xem như là trước nay chưa từng có.

Những lần Bộ Tài chính đề xuất “đánh” vào túi tiền người dân trong 9 tháng qua - 2

Dự án Luật thuế tài sản dự tính áp thuế với đất gấp hơn 10 lần hiện tại.

Tất nhiên, lý do được nêu lên vẫn là những cụm từ: kinh nghiệm quốc tế và cơ cấu lại ngân sách.

Thế nhưng, với ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị công chứng Australia (CMA Australia) tại Việt Nam, ông nói thẳng: Quan trọng nhất là do ngân sách hiện tại đang thâm hụt nhiều.

Ông không ngại bày tỏ: Từ trước tới nay ta sử dụng ngân sách chưa hiệu quả. Tôi đồng ý tăng thuế nhưng phải sử dụng thuế hiệu quả.

Vị này cũng cảnh báo việc tăng thuế có thể giúp tăng thu ngân sách nhưng vấn đề quan trọng là làm sao để bù đắp cho sự sụt giảm khi người dùng cắt giảm chi tiêu, doanh nghiệp giảm lợi nhuận.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cũng đồng quan điểm này. Với ông, chính sách không phù hợp thì sản xuất sẽ giảm xuống thì đồng thời nguồn thu chưa chắc tăng lên, thậm chí giảm theo.

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín thì cho rằng, thay vì tăng thuế, cơ quan chức năng nên nghĩ tới việc cắt giảm chi tiêu công hoặc có các biện pháp quản lý thuế với các loại hình kinh doanh mới như Grab, kinh doanh thương mại điện tử,…

Điều này theo ông tránh tình trạng không quản được thì dùng gậy hành chính, đẩy gánh nặng lên vai người dân và doanh nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyên Khôi ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN