Nhà giá rẻ khan hiếm nguồn cung

Sự kiện: Nhà giá rẻ

Nhu cầu rất lớn, nhưng thời gian qua, trong tổng số các dự án mở bán không có thêm bất cứ một dự án nhà giá rẻ nào. Với đa số người dân đô thị có thu nhập trung bình và thấp hiện nay, căn hộ trên dưới 1 tỉ đồng mới có thể đáp ứng được khả năng chi trả. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm trở lại đây, việc tìm mua căn hộ ở mức giá này ngày càng trở nên khó khăn.

“Đỏ mắt” tìm nhà giá rẻ

Hầu hết các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản đều thừa nhận, phân khúc nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ) có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng vẫn là phân khúc phát triển bền vững, trụ cột của thị trường, đáp ứng nhu cầu thật của đại bộ phận người dân. Vậy nhưng, hiện nay người dân có “đỏ mắt” cũng không tìm được dự án nào có loại căn hộ này.

Tại thị trường Hà Nội, thời gian qua nguồn cung căn hộ được tung ra thị trường vẫn rất lớn, chủ yếu nằm ở địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông… chiếm đến 63% tổng nguồn cung mới. Căn hộ trung cấp nguồn cung lớn, rất nhiều dự án bất động sản được chào bán như Việt Hưng Green Park, Ecolake View, Imperial Plaza… Tổng quan về thị trường bất động sản, nhiều đơn vị tư vấn đều đưa ra nhận định, nguồn cung mới có khoảng gần 7 nghìn căn hộ được mở bán, tuy nhiên thị trường không có thêm các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội mới.

Nhà giá rẻ khan hiếm nguồn cung - 1

Thời gian qua không xuất hiện dự án nhà giá rẻ nào.

Lý giải vì sao khan hiếm nhà giá thấp, đại diện một công ty chuyên phân phối dự án có giá trên dưới 1 tỷ đồng cho rằng, do lợi nhuận của phân khúc này thấp nên không thu hút nhiều chủ đầu tư. Trong khi đó, từ khi bắt đầu một dự án, hoàn thành thủ tục phải mất một thời gian khá dài, có khi đến vài năm, bỏ ra rất nhiều chi phí nhưng lợi nhuận thu về thấp nên nhiều doanh nghiệp ngại không muốn tham gia. Bên cạnh đó còn là việc nhiều người lo ngại vì tình trạng kém chất lượng của những chung cư giá rẻ. Một nguyên nhân nữa  khiến các dự án nhà ở giá rẻ khan hiếm trong thời gian vừa qua là do sự tác động của các chính sách, đặc biệt là chính sách tín dụng. Trong đó, có việc gói 30 nghìn tỷ đồng bị tạm ngừng giải ngân và dừng ký vay mới đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý chung của cả nhà đầu tư, lẫn người mua nhà.

Theo nhận định của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì nhà giá rẻ hiện vẫn luôn là phân khúc được săn đón nhiều nhất trong bối cảnh hiện nay. “Nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp ở các đô thị dự báo tới năm 2020 là 1 triệu căn, trong khi hiện tại mới chỉ đáp ứng hơn 10.000 căn/năm. Phân khúc nhà ở giá rẻ hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng”, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết.

Khó tăng cung vì không ưu đãi   

Theo ông Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch HĐQT CENIVEST, việc để doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào phân khúc nhà giá rẻ sẽ khó bởi đầu tư vào nhà giá rẻ nhưng thực chất vẫn chỉ là nhà ở thương mại giá rẻ mà không phải nhà ở xã hội nên không được hưởng các ưu đãi. Do đó, để hạ giá thành, chủ đầu tư các dự án dạng này chắc chắn sẽ phải lựa chọn phương án thiết kế các căn hộ có diện tích nhỏ, tận dụng tối đa các chỉ tiêu xây dựng.

“Việc điều chỉnh các dự án đã có quy hoạch 1/500 được phê duyệt hiện nay là không dễ, chưa nói đến việc điều chỉnh chia nhỏ căn hộ, tăng mật độ xây dựng dẫn tới vượt định mức các chỉ tiêu về dân số so với quy hoạch phân khu, có khả năng gây quá tải công suất đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực dự án”, ông Hưng nói.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thị trường bất động sản hiện đang phát triển khá ổn định. Tuy nhiên đa số các dự án vẫn là ở phân khúc trung bình và trên trung bình.

Để khả năng chi trả của người dân có thể đáp ứng được thì phân khúc giá rẻ vẫn tiếp tục được kỳ vọng. Tuy nhiên, phân khúc này khó có điều kiện tăng cung mạnh (có thể cung không đủ cầu) vì yếu tố thị trường không cao, phụ thuộc rất nhiều vào sự trợ giúp của Nhà nước mà khả năng trợ giúp này lại luôn có hạn. Cho nên, một thị trường muốn bền vững thì phải cân đối cung cầu. Một mặt đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, nhưng mặt khác cũng phải có nguồn cung nhà ở phù hợp với túi tiền và nhu cầu ở thực của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở…

Để tăng nguồn cung nhà giá rẻ hiện nay, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, các chủ đầu tư cần có định hướng rõ hơn về trách nhiệm xã hội của các dự án khi đầu tư. Có những dự án chủ đầu tư nên xác định mục tiêu chính không phải là tối ưu hoá lợi nhuận.

“Việc chia nhỏ căn hộ quá, tăng diện tích xây dựng quá, tăng chỉ tiêu dân số quá mức... trong khi điều kiện hạ tầng kỹ thuật khu vực ngoài dự án chưa thể phát triển theo kịp sẽ để lại những hậu quả nặng nề”, ông Nguyễn Trần Nam lưu ý. Để tạo thu hút các doanh nghiệp sớm tham gia đầu tư phân khúc nhà giá rẻ, ông Nam cho biết, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ sớm xúc tiến một cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ nhằm tìm ra được nguồn vốn cho người dân mua nhà ở giá rẻ và sớm hình thành Quỹ tín thác bất động sản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Hoạt (CAND)
Nhà giá rẻ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN