Người dân vẫn được nhận ngoại tệ từ kiều hối
Các cá nhân ở Việt Nam không được phép cho, tặng ngoại tệ lẫn nhau.
Hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến góp ý trước khi trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 160/2006 hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối. Dự thảo có sửa đổi một số điều, trong đó có điểm đáng chú ý nếu muốn cho, biếu, tặng bằng ngoại tệ thì người tặng sẽ phải chuyển đổi sang VND thay vì được phép như hiện nay.
Được nhận ngoại tệ từ người Việt ở nước ngoài
Thực tế, chúng ta đang từng bước nâng cao tính chuyển đổi của VND và từng bước hạn chế đôla hóa. Vấn đề này đã được Chính phủ và NHNN tiến hành thực thi trong 10 năm trở lại đây. Những vấn đề đó đã được minh định trong những văn bản quy phạm pháp luật như Pháp lệnh Ngoại hối, Nghị định 160/2006 nên việc hạn chế hiện tượng đôla hóa và chỉ sử dụng đồng VND trên lãnh thổ Việt Nam là chủ trương nhất quán chứ không phải nhất thời vài năm trở lại đây.
Từ góc nhìn ở một cơ quan giám sát tài chính quốc gia, tôi cho rằng quy định không cho phép biếu, cho, tặng bằng đồng ngoại tệ là phù hợp.
Nhận ngoại tệ tại ngân hàng. Ảnh: HTD
Ở đây quyền tài sản của công dân vẫn được tôn trọng. Người dân có quyền giữ ngoại tệ bình thường như một loại tài sản. Tuy nhiên, trên lãnh thổ Việt Nam, việc biếu, tặng, cho nên thực hiện bằng đồng VND để đảm bảo chủ quyền của đồng bản tệ.
Người Việt ở nước ngoài có thể cho, biếu, tặng gửi bằng bất cứ đồng ngoại tệ nào và người được tặng sẽ nhận về chính đồng ngoại tệ đó. Chẳng hạn nếu có bà chị bên Pháp muốn gửi euro về Việt Nam cho người thân thì cứ gửi và người nhận sẽ ra ngân hàng nhận về euro. Hay một anh ở bên Mỹ muốn gửi USD về Việt Nam thì cứ gửi, người nhận cũng sẽ được nhận bằng đồng USD. Tuy nhiên, người nhận không được dùng số euro, USD này đem tặng cho một người khác. Nếu muốn tặng, buộc phải đổi sang VND.
Người nước ngoài không được gửi tiết kiệm bằng VND
Tuy nhiên, dự thảo này quy định người nước ngoài không được gửi tiền tiết kiệm bằng VND.
Chúng ta đã biết trong một thế giới đầy biến động, lãi suất ở các quốc gia có độ chênh lệch rất lớn. Bởi thế tỉ giá hối đoái ở các quốc gia cũng không giống nhau. Chủ trương của Chính phủ và NHNN trong 10 năm trở lại đây không ủng hộ cho quá trình kinh doanh chênh lệch lãi suất này. Nhất là khi lãi suất USD không kỳ hạn chỉ 0,2%-0,5%/năm, còn lãi suất của VND lại rất cao.
Giả sử chúng ta cho phép người nước ngoài đem USD đổi sang tiền đồng gửi tiết kiệm lấy lãi suất cao và NHNN bảo hộ quyền chuyển đổi ngược lại từ tiền đồng sang ngoại tệ thì một ngày kia họ rút hết VND, sau đó mua ào ạt USD chuyển vốn ra nước ngoài. Từ đó sẽ xảy ra tình trạng có các dòng vốn rút ra đột ngột, tạo những bất ổn giống Thái Lan đã từng bị khủng hoảng về cơ chế tỉ giá năm 1997. Vậy nên việc NHNN chủ trương không cho phép người nước ngoài chuyển ngoại hối lấy tiền đồng gửi tiết kiệm là chính sách đúng.
Tuy nhiên, trong trường hợp nếu một người có hai quốc tịch, một là Việt Nam, hai là một quốc gia nào đó thì hoàn toàn có thể được bán ngoại tệ ra gửi tiết kiệm bằng VND.
Ông TRƯƠNG VĂN PHƯỚC, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam
Theo quy định hiện hành, cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài phục vụ cho các mục đích hợp pháp và thanh toán cho các đối tượng được thu ngoại tệ. Tuy nhiên, tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 160/2006 thì cá nhân có ngoại tệ tiền mặt sẽ không được quyền tặng, cho mà chỉ được quyền cất giữ, thừa kế hoặc bán đúng nơi quy định. Không thể tồn tại hai đồng tiền ở một quốc gia Về nguyên tắc, các quốc gia không chấp nhận sự tồn tại đồng ngoại tệ với tư cách là tiền tệ song song nội tệ. Và trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được sử dụng bằng đồng Việt Nam. Nên việc chống đôla hóa của NHNN là đúng. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là liệu những quy định này tác động đến kiều hối như thế nào. Chúng ta đặt trọng tâm vào việc chống đôla hóa lên trên hay cần ưu tiên về nguồn lực. TS VŨ ĐÌNH ÁNH, chuyên gia kinh tế |