Ngân hàng Nhà nước "phản pháo" Moody’s về nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng “phản pháo” lại Moody's, sau khi tổ chức này đánh giá nợ xấu của Việt Nam ít nhất phải chiếm 15% (cao hơn mức 4,7% NHNN nước công bố).

Trước đó, ngày 18/2 của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's (có trụ sở tại Mỹ)  công bố báo cáo triển vọng về hệ thống ngân hàng 2014. Trong đó, đánh giá tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam ít nhất phải chiếm 15%. Như vậy, con số trên là cao hơn nhiều so với mức 4,7% mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố vào hồi tháng 10/2014.

Tại bản thông cáo phát đi ngày 21/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có ý kiến phản hồi về đánh giá trên. Cụ thể, NHNN cho rằng, theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống Ngân hàng Việt Nam tăng từ 4,08% (cuối năm 2012) lên 4,73%/ tổng dư nợ tín dụng vào tháng 10/2013.

Khi tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện và dần phục hồi, cộng với những nỗ lực của hệ thống tổ chức tín dụng , diễn biến nợ xấu đã có những tín hiệu khả quan. Đến cuối tháng 12/2013, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước "phản pháo" Moody’s về nợ xấu - 1

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng “phản pháo” lại Moody's, sau khi tổ chức này đánh giá nợ xấu của Việt Nam ít nhất phải chiếm 15% (cao hơn mức 4,7% NHNN nước công bố). Ảnh minh họa

“Tuy mức giảm nợ xấu còn chưa nhiều song đó là tín hiệu hết sức tích cực phản ánh những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu”, NHNN cho hay.

Theo NHNN, để có được những kết quả trên, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu như: Cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế nợ xấu phát sinh mới....

Đặc biệt là việc thành lập và đưa vào hoạt động Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).

Bên cạnh đó, biện pháp cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 của NHNN thực sự có ý nghĩa hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tiếp tục được vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý hơn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu tăng trở lại nếu kinh tế vĩ mô và điều kiện sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản chậm được cải thiện.

“Nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780 thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%”  NHNN cho hay.

Trong thông tin vừa phát đi, NHNN cho rằng, Moody’s đánh giá nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam không dưới 15% dựa trên các phương pháp, tiêu chí, thông tin của Moody’s; còn số liệu nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước được xác định dựa trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và các thông tin chính thức.

NHNN cũng cho rằng, do không có chuẩn mực thống nhất về phân loại nợ nên các cơ quan, tổ chức khác nhau đưa ra số liệu nợ xấu không giống nhau về cùng một đối tượng là bình thường.

“Song, nhìn chung số liệu, thông tin về nợ xấu và hoạt động ngân hàng do cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm đưa ra là đáng tin cậy hơn và có cơ sở pháp lý hơn”.

“Vì vậy, những thông tin thị trường và những nghiên cứu, đánh giá chất lượng tín dụng của cơ quan, tổ chức không có chức năng quản lý nhà nước chỉ có ý nghĩa tham khảo”, NHNN cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN