NĐT tháo chạy khỏi "đại gia" chứng khoán?

Tuần trước, các mã lớn, nhất là 4 mã cổ phiếu ảnh hưởng chính tới chỉ số VN-Index đã bị bán mạnh. Nguyên nhân nào khiến NĐT tháo chạy khỏi nhóm này?

Đầu tuần này, 1,895 tỷ cổ phiếu của Tổng công ty Khí Việt Nam (mã CK: GAS) chính thức niêm yết. Như vậy, GAS sẽ trở thành cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn thứ 2 trên TTCK Việt Nam sau VCB. Cùng với VCB, diễn biến giá của cổ phiếu trụ cột mới này có khả năng tác động rất lớn đến chỉ số VN-Index, từ đó hình thành nên xu hướng tăng giảm của thị trường hàng phiên.

Trước thời điểm niêm yết cổ phiếu GAS, có hai quan điểm xung quanh cổ phiếu này. Một luồng quan điểm cho rằng, GAS trong phiên đầu tuần sẽ tăng, thậm chí tăng kịch trần, bởi đây là DN tốt. Mức giá chào sàn 36.000 đồng/CP của GAS còn hấp dẫn để đầu tư so với chỉ số trung bình ngành. Với lợi thế vốn hóa lớn, GAS còn có thể được định giá cao hơn giống như các cổ phiếu trụ cột khác của thị trường là VCB, VIC, MSN, BVH… Và cổ phiếu GAS sẽ là trụ cột nâng đỡ thị trường, là đích nhắm mới của các quỹ đầu tư chỉ số.

NĐT tháo chạy khỏi "đại gia" chứng khoán? - 1

GAS trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường sau VCB

Quan điểm thứ hai lại tỏ ra nghi ngờ khả năng tăng điểm của GAS bởi có thông tin, trước ngày chào sàn, cổ phiếu GAS được chào bán trên thị trường OTC với giá 32.000 đồng/CP, nhưng không giao dịch thành công. Trong trường hợp giảm giá sau khi lên sàn thì GAS sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng giảm giá chứng khoán hiện nay.

TTCK đã có 4 ngày đỏ lửa vào tuần trước. Một lý do quan trọng khiến thị trường tưởng có lúc đã phục hồi nhưng lại giảm tiếp là do lực bán khá mạnh của NĐT nước ngoài ở các mã lớn. VCB, BVH, VIC bị NĐT nước ngoài bán mạnh trong nhiều phiên. Lực mua của NĐT nước ngoài ở những cổ phiếu này tiếp tục duy trì, nhưng vẫn lép vế so với lực bán.

Cổ phiếu VCB giảm về thấp hơn cả ngưỡng giá tích lũy trước đó là 32.000 đồng/CP; BVH giảm từ 72.000 đồng xuống 54.000 đồng/CP; VIC giảm nhẹ từ 104.000 đồng/CP xuống 98.000 đồng/CP. Trong các cổ phiếu trụ cột, chỉ có MSN áp lực giảm giá thấp hơn và được lực mua đỡ giá ở mức 98.000 đồng/CP hiện nay. Nếu quan sát nhóm 4 cổ phiếu này trong phiên, có thể dự đoán sự biến động chỉ số chung.

Lý do NĐT nước ngoài bán mạnh các cổ phiếu này, theo một CTCK lớn, có thể do các quỹ đầu tư chỉ số ETFs chốt lời để cơ cấu danh mục khi mà các mã cổ phiếu lớn khác niêm yết và niêm yết bổ sung, trở thành trụ cột mới trên thị trường. Khả năng này có vẻ hợp lý, bởi MSN cũng là cổ phiếu lớn nhưng không giảm nhiều, vì quỹ ETFs do Vaneck quản lý (1 trong 2 quỹ ETFs đầu tư vào thị trường Việt Nam hiện nay) không có MSN trong danh mục.

Thêm vào đó, các đối tượng NĐT khác, trong đó có cả quỹ, theo trường phái “ăn theo” quỹ ETFs cũng chốt lời trong đợt này bởi đã mua được cổ phiếu lớn ở mức giá rất thấp. Mặt khác, động thái chốt lời quyết liệt của nhóm đầu tư ngoại cũng liên quan đến tác động từ khủng hoảng nợ châu Âu đang lên đến đỉnh điểm.

Tín hiệu tích cực nhất là cổ phiếu VCB trong phiên cuối tuần qua đã có sự cân đối giữa lực mua và bán. Lệnh bán treo sẵn, nhưng lực mua giá thấp cũng khá dồi dào. Trong khi chỉ số chung giảm mạnh bởi các cổ phiếu lớn kéo theo các mã nhỏ giảm giá, thì đáng chú ý là các mã cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán như SSI, HCM, VND lại chưa giảm nhiều. Mức giảm của nhóm này chỉ khoảng 10% so với mức 20% của hàng loạt cổ phiếu khác và của cả thị trường. Lý do cơ bản là nhiều NĐT vẫn muốn nắm giữ cổ phiếu chứng khoán lớn, do lợi nhuận quý II của nhóm ngành này được dự báo khá khả quan.

Thị trường hiện được xem là rủi ro do chịu chi phối bởi áp lực xả hàng ở các cổ phiếu trụ cột, nhưng dòng tiền đã rút ra vẫn nằm trong tài khoản và hiện đang chờ thời điểm để bắt đáy. Theo dự kiến, quý II sẽ là đáy của tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng có thể thoát khỏi con số âm kể từ tháng 6 nhờ lãi suất giảm rõ rệt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Nam ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN