Lỗ nặng nếu giữ vàng trong 32 năm qua

Nếu ai đã giữ vàng suốt 32 năm vẫn chưa thể lấy được “nửa tiền”.

Kinh tế vẫn bất ổn, giá vàng lại giảm chứ không tăng

Giá vàng đạt mốc cao nhất trong lịch sử vào ngày 6-9-2011 với mức 1.921 đô la Mỹ/toz (troy ounce) - đánh dấu 10 năm tăng giá của vàng từ năm 2001. Nguyên nhân làm giá vàng gia tăng được giới chuyên gia lý giải là do nợ công châu Âu lan rộng, bất ổn chính trị tại Trung Đông, Triều Tiên cùng nhiều nơi trên thế giới và cuối cùng là lãi suất của các ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn trên thế giới đứng ở mức thấp. Bên cạnh đó, các nước liên tục bơm tiền nhằm tránh cho kinh tế suy thoái và kích cầu cũng là một nguyên nhân khiến vàng tăng giá. Ngoài ra các NHTƯ và các quỹ đầu tư liên tục mua vàng cũng là yếu tố đẩy giá tăng vọt.

Tuy nhiên, khi nhiều người tin giá vàng còn tăng nữa thì khi đó (tháng 9-2011) vàng lại giảm mạnh, bất chấp kinh tế thế giới vẫn bất ổn, nợ công châu Âu vẫn cao, thậm chí còn trầm trọng hơn, lãi suất vẫn thấp, chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng, các NHTƯ vẫn mua vàng.

Việc giá thế giới tăng mạnh trong năm 2011 đã thúc đẩy giá vàng tại Việt Nam liên tục lập mốc lịch sử và lên mức cao nhất là gần 50 triệu đồng/lượng. Ngoài ra, do giá Việt Nam không liên thông với giá thế giới, cộng thêm yếu tố đầu cơ, tỷ giá khiến cho giá vàng trong nước và thế giới ngày càng nới rộng.

Tóm lại, vàng thường được xem là một kênh đầu tư an toàn khi nền kinh tế hay chính trị xã hội toàn cầu có bất ổn. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, giá vàng không hoàn toàn bị tác động bởi sự bất ổn.

Khi lịch sử lên tiếng

Nhìn lại giá vàng trong khoảng 200 năm qua sẽ thấy những sự kiện bất ổn của kinh tế - xã hội thế giới hầu như không ảnh hưởng đến giá vàng. Sau đây là những sự kiện quan trọng nhất.

- Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (tháng 8-1914 đến tháng 11-1918): giá vàng liên tục ở mức 20,72 đô la Mỹ/toz.

- Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1937-1945): giá vàng biến động quanh mốc 35 đô la Mỹ/toz.

- Đại suy thoái kinh tế 1929-1933: giá vàng chủ yếu biến động ở mức 20 đô la Mỹ/toz. Thậm chí năm 1931 khi suy thoái lên tới đỉnh cao giá chỉ còn 17 đô la Mỹ/toz và chỉ bắt đầu tăng lên 26 đô la Mỹ/toz đến tận cuối năm 1933 khi đại suy thoái đi vào hồi kết.

- Năm 2008, đỉnh cao của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khi hàng loạt tổ chức tài chính lớn bị phá sản, hàng loạt các NHTƯ lớn trên thế giới buộc phải nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế... giá vàng đã rớt 35% từ mức 1.032 về 680 đô la Mỹ chỉ trong bảy tháng.

- Từ tháng 9-2011 khi nợ công châu Âu lây lan như bệnh dịch ra khắp nơi trên thế giới, bất ổn tại Trung Đông, Triều Tiên... leo thang thì giá vàng bất ngờ giảm. Như vậy, những yếu tố nào mới thật sự ảnh hưởng lớn đến giá vàng?

Để xác định điều này cần phải nhìn trực tiếp vào... vàng. Giá vàng được xác định bởi đô la Mỹ, nhưng tại sao lại là đồng tiền này? Vì đô la Mỹ được sử dụng làm dự trữ ngoại hối đứng đầu thế giới, chiếm khoảng 60-70% dự trữ ngoại hối toàn cầu, gấp ba lần đồng tiền đứng thứ hai là euro. Ngoài ra đô la Mỹ được sử dụng trong thanh toán thương mại quốc tế (chiếm hơn 90%).

Lỗ nặng nếu giữ vàng trong 32 năm qua - 1

Nếu ai đã giữ vàng suốt 32 năm vẫn chưa thể lấy được “nửa tiền”.

Như vậy, khi đô la Mỹ giảm sẽ hỗ trợ vàng tăng và ngược lại. Quay lại những thời kỳ giá vàng gia tăng, thời điểm đầu tiên là sau cuộc đại suy thoái 1929-1933. Khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã sử dụng chính sách nới lỏng tiền tệ để kích cầu kinh tế và vàng bắt đầu chu kỳ tăng giá. Tuy nhiên giá chỉ gia tăng thật sự ở giai đoạn 1968-1972 và đặc biệt khi USD Index ra đời năm 1973 (cùng với việc chế độ bản vị vàng bị xóa bỏ trước đó hai năm, giúp cho đồng đô la Mỹ được thả nổi không còn bị neo vào vàng) và giá vàng đã liên tục gia tăng cho đến tận năm 1980. Giai đoạn này là lúc lạm phát của Mỹ tăng rất nhanh giúp giá vàng tăng phi mã, còn đồng đô la lao dốc.

Giai đoạn 1960-1980 lạm phát liên tục tăng cao buộc FED phải thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất đồng đô la Mỹ. Đến năm 1980, khi lãi suất tăng đến gần 20% thì lạm phát mới dừng lại và giảm dần những năm sau đó.

Hai thập kỷ sau đó, kinh tế Mỹ cũng như thế giới trở nên “bình lặng” với lạm phát giảm liên tục và đô la tăng giá mạnh vào những năm đầu của thập kỷ 1980. Giá vàng cũng giảm và chậm dần ở những năm cuối của thập kỷ 1980 và thập kỷ 1990 khi đô la cùng lạm phát giảm chậm lại.

Giá vàng chỉ thật sự tăng trở lại từ cuối năm 2001 khi lạm phát bắt đầu quay trở lại cùng việc đô la Mỹ liên tục lập những đáy mới trong lịch sử. Đặc biệt đầu cơ tài chính hoạt động mạnh hơn bao giờ hết đã đẩy vàng tăng nhanh hơn bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường tài chính và đỉnh điểm của việc này là giá vàng tăng cao hơn cả giá bạch kim vào năm 2008 (bất chấp bạch kim quý hiếm hơn và khó khai khác hơn vàng).

Giá vàng năm 2012 sẽ như thế nào?

Hiện tại số liệu kinh tế cho thấy lạm phát của Mỹ đang khá ổn định, trong khi nợ công châu Âu tăng cao làm euro tiếp tục giảm giá, giúp đô la Mỹ nhảy vọt, đẩy vàng giảm trở lại từ tháng 9-2011 đến nay.

Bên cạnh đó, hàng loạt các yếu tố khác cũng tạo áp lực ngăn cản vàng tăng giá, thậm chí có thể làm vàng giảm giá trong thời gian tới. Cụ thể là quỹ đầu tư giảm mua, tăng cường vị thế bán nhiều hơn. Hàng loạt sàn giao dịch lớn trên thế giới, tại Mỹ, châu Âu, Hồng Kông gia tăng tỷ lệ ký quỹ do lo sợ giá vàng “bong bóng” làm các nhà đầu tư phải bỏ ra thêm chi phí để kinh doanh với lợi nhuận chưa chắc đã tăng khiến họ mạnh tay bán ra.

Một số quốc gia cũng bắt đầu hạn chế mua vàng.

- Đô la Mỹ tăng giá rất mạnh kể từ tháng 9-2011 khi FED có dấu hiệu không “in” thêm tiền nữa. Cụ thể gói QE 2.5 đã cho thấy điều này, nghĩa là chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ không thể nới lỏng hơn nữa. Ngoài ra, theo FED họ sẽ bắt đầu nâng lãi suất đồng đô la trở lại từ năm 2014 nên sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến giá vàng hơn nữa.

- Lịch sử luôn có tiếng nói của nó, nhiều người vẫn cho rằng về dài hạn vàng không bao giờ giảm giá nhưng từ 1980-2001, hay ngay cả năm 2008 khủng hoảng kinh tế, giá vàng vẫn giảm rất mạnh. Nếu tính giá trị vàng năm 1980 so với giá trị đồng tiền của năm 2012, giá vàng vào thời kỳ đó trị giá đến 3.500 đô la Mỹ/toz (theo định giá của một số tổ chức tài chính như Hội đồng Vàng thế giới...). Nghĩa là, nếu ai đã giữ vàng suốt 32 năm vẫn chưa thể lấy được “nửa tiền”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Dũng Khánh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN