Lập sàn chứng khoán gọi vốn cho DN khởi nghiệp

Đi tìm thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua lập sàn chứng khoán riêng cho các Start- up là ý tưởng vừa được gợi mở tại Hội thảo “Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp”. Thực tế cho thấy, các Start - ups gặp khó khăn khi huy động vốn từ các ngân hàng do các nhà băng e ngại rủi ro từ khởi nghiệp.

Lập kênh gọi vốn riêng cho Start- up

Hội thảo do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) phối hợp với Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HOSE) cùng phối hợp tổ chức.

Tại Hội thảo, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: TP Hồ Chí Minh đã thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng và phấn đấu đến 2020 Quỹ sẽ gia tăng lên 100 tỷ đồng. Hiện TP Hồ Chí Minh có 250.000 DN đăng ký nhưng số lượng DN có cấp mã số thuế là 185 ngàn và Thành phố đang phấn đấu đến 2020 sẽ có 500.000 DN.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Jeong Eun - Bo, Phó Chủ tịch FSC, Việt Nam cho rằng Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp để phát triển các Start - ups. Cụ thể từ kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy với mô hình sàn giao dịch chứng khoán Korea New Exchange (KONEX) dành riêng cho các Start - ups và các DN nhỏ và vừa rất hiệu quả. Sau hơn hai năm vận hành kể từ khi thành lập vào năm 2013, KONEX đã có quy mô vốn hóa tăng gấp 8 lần (xấp xỉ 4,1 tỷ USD) và có 88 DN niêm yết so với 21 DN lúc ban đầu.

Chính phủ sẽ đồng hành, đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu hỗ trợ Start - ups hoạt động hiệu quả, phấn đấu Việt Nam trở thành một quốc gia có Tinh thần khởi nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Trong khi đó, ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch UBGSTCQG cũng nhìn nhận: việc thành lập sàn giao dịch cho các Start-ups là vấn đề hoàn toàn mới, không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn mới trên thế giới. Ông Tuấn lưu ý, nghiên cứu một mô hình sàn giao dịch chứng khoán cho các Start-ups là điều cần thiết, cấp bách cho các Start-ups nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên làm sàn giao dịch mới chỉ là khởi điểm cho vấn đề tư duy.

Start-ups với những sáng tạo và đột phá về công nghệ hứa hẹn sẽ là nhân tố quan trọng góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh năng suất lao động tăng thấp, các chính sách kinh tế vĩ mô hỗ trợ tổng cầu đã dần hết dư địa. Mặc dù vậy, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp và các Start-ups cần ý tưởng sáng tạo, hệ thống pháp lý, cơ chế thiết chế của Chính phủ để hỗ trợ các Start-ups trong giai đoạn ươm mầm cũng như tăng tốc.

Sàn sẽ thu hút quỹ đầu tư

Dự và phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ cảm thông với việc các Start - ups gặp khó khăn khi huy động vốn từ các ngân hàng do các ngân hàng e ngại rủi ro từ khởi nghiệp. Các Start-ups đã và đang phải huy động vốn từ các nguồn như bạn bè, gia đình hay các quỹ đầu tư từ Chính phủ hoặc tư nhân song cũng gặp không ít trở ngại.

Theo Phó Thủ tướng, việc lập sàn chứng khoán riêng biệt dành cho Start-ups và sàn chứng khoán này có thể dễ dàng thu hút các quỹ đầu tư, với lộ trình mong muốn trong 2- 3 năm tới đây sẽ thành hiện thực để giúp các DN dễ dàng trong huy động vốn. Tuy nhiên, để hình thành sàn chứng khoán chuyên biệt này cần nghiên cứu và thẩm định kỹ lưỡng về thể chế, cơ chế hoạt động, tránh thành lập theo kiểu phong trào.

Với mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020, Việt Nam ít nhất có 1 triệu DN nhưng  hiện nay số đăng ký hoạt động là hơn 900 ngàn DN và thực tế hoạt động cấp mã số thuế chỉ 528 ngàn DN. Do đó, Start - ups chính  là cứu cánh phát triển DN. Từ phía Chính phủ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sẽ đồng hành, đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu hỗ trợ Start-ups hoạt động hiệu quả, phấn đấu Việt Nam trở thành một quốc gia có Tinh thần khởi nghiệp.

Hiện, Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với một loạt hỗ trợ, góp vốn đầu tư vào các Start-ups… Mục tiêu của đề án là đến năm 2020 hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 DN khởi nghiệp, trong đó 50 DN gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 DN tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Để có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhằm phát triển các Start - ups tại Việt Nam cần phải hội tụ 4 yếu tố căn bản: Tạo dựng khuôn khổ pháp lý thích hợp cho Start - ups; Năng động sáng tạo của bản thân Start - ups vì khởi nghiệp gắn liền với đổi mới, sáng tạo; Sự tham gia đầu tư của nhà đầu tư, các quỹ; Những điều kiện, thể chế hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Minh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN