Lãi suất tín dụng đen gần... 150%/năm

Nếu bạn đánh cụm từ “cho vay vốn” vào công cụ tìm kiếm Google thì ngay lập tức sẽ có 19,9 triệu kết quả được tìm thấy với hàng loạt lời mời hấp dẫn: “Thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản, không bảo lãnh, không công chứng giấy tờ, thủ tục nhanh chỉ trong một hoặc hai ngày; chỉ cần gọi điện, người cho vay sẽ đến tận nơi”.

Kết quả này cho thấy sự bành trướng của tín dụng đen, vốn đã tồn tại từ lâu trong xã hội dưới nhiều hình thức như cầm đồ, cho vay nặng lãi. Loại hình này càng trở nên phổ biến kể từ khi các ngân hàng thực hiện chính sách chặt chẽ về tín dụng, buộc doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải vay nóng với lãi suất cao để tạm thời vượt bão. Nhưng với mức lãi suất cắt cổ, đầu ra khó khăn, không ít doanh nghiệp đã đi đến chỗ bế tắc. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chỉ trong quý I/2012, đã có hơn 14.000 doanh nghiệp trên cả nước phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lãi suất đen tăng phi mã

Khách hàng của hình thức vay nặng lãi chủ yếu là những cá nhân đang cần trả nợ gấp, chi tiêu khẩn hay doanh nghiệp đến lúc đáo hạn vốn vay ngân hàng, nhưng gặp khó khăn về vốn và cần thêm vốn mới cho sản xuất kinh doanh. Số tiền vay có thể dao động từ 10 triệu đồng đến 50 tỉ đồng. Lãi suất phụ thuộc vào số tiền cũng như thời gian vay. Nếu vay 3 ngày, người vay phải trả mỗi ngày 7.000 đồng tiền lãi/1 triệu đồng tiền vay (tương đương 255,5%/năm); còn vay từ ngày thứ 10 trở đi, khách sẽ phải trả lãi 3.000 đồng/1 triệu đồng (109,5%/năm).

Từ những mức lãi suất cực kỳ cao này, người viết đã đi tìm hiểu thực tế. Tại huyện Củ Chi, TP.HCM, trong vai một giám đốc doanh nghiệp đi vay tiền, người viết được người bạn tại địa phương dẫn đến một địa điểm cho vay là một căn nhà 3 tầng. Sau khi “phỏng vấn” trong khoảng 4 phút về tình hình hình kinh doanh, đất đai, nhà cửa, chủ cho vay là ông Nguyễn Hoàng Minh, trạc 45 tuổi, nói cứ về nhà mang giấy chủ quyền gốc bất động sản đến đây và nếu cần vay dưới 1 tỉ đồng là có tiền ngay, không cần phải đợi. “Lãi suất sẽ tính theo ngày, vay 100 triệu đồng, mỗi ngày trả lãi 1 triệu đồng, nghĩa là 1%/ngày hay 30%/tháng”, ông Minh nói.

Lãi suất tín dụng đen gần... 150%/năm - 1

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải nhờ đến tín dụng đen như một chiếc phao cứu sinh để tiếp tục tồn tại.

Lãi suất cắt cổ, nhưng đứng trước thực tế hoặc phải vay với lãi suất cao hoặc phải giải tán công ty, không ít người đã nhắm mắt đưa chân và cuối cùng đã ngấp nghé bên bờ vực phá sản.

Trường hợp của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đại Dương Xanh là một ví dụ. Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ xử lý nước thải và tư vấn môi trường từ năm 2004 với trụ sở tại quận Gò Vấp, TP.HCM, Đại Dương Xanh đã có lúc ăn nên làm ra với việc mở thêm văn phòng đại diện tại Phan Thiết, Bình Thuận vào năm 2008.

Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, do tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn cùng tình trạng nợ kéo dài từ các hợp đồng dịch vụ với khách hàng (hiện lên đến gần 2 tỉ đồng), Công ty đã phải đóng cửa văn phòng Phan Thiết, cắt giảm nhân sự từ gần 40 xuống còn 18 người và dời trụ sở từ quận Gò Vấp về khu nhà xưởng ở quận 12 để cắt giảm chi phí.

Mới đây, do thiếu vốn để mua sắm thiết bị cho dự án xử lý nước thải của một khách hàng ở tỉnh Bình Dương, Đại Dương Xanh đành phải vay nóng với số tiền 300 triệu đồng chỉ trong 1 tháng với lãi suất 12%/tháng (36 triệu đồng/tháng). “Ngân hàng không muốn cho vay nên tôi phải vay nóng ở ngoài với lãi suất rất cao. Cứ đà này, không chắc chúng tôi có thể tồn tại trong 2 tháng tới”, anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty, ngao ngán nói.

Trường hợp của chị Trần Thị Thúy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Phương Thúy tại thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương còn bi đát hơn. Những năm 2005-2007, chị Thúy dồn tất cả tài sản vào sàn chứng khoán và lời hơn 20 tỉ đồng. Giai đoạn này, bất động sản cũng lên cơn sốt. Chị lại gom hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng để mua đất. Đến đầu năm 2010, chị đã có trong tay 6 lô đất ở Bình Dương với tổng giá trị gần 24 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khi đó, những bất ổn kinh tế đã bắt đầu diễn ra và tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, khiến thị trường đóng băng, đẩy chị Thúy vào tình trạng “nhà giàu cũng khóc” vì bán đất không ai mua. Sau Tết Nhâm Thìn, để có vốn hoạt động cho công ty chăm sóc thẩm mỹ và spa của mình, chị làm thủ tục vay 2 tỉ đồng tại cùng lúc 3 ngân hàng thương mại địa phương, nhưng đều bị từ chối. Theo mách bảo của một người bạn, tuần qua, chị Thúy đã tìm đến tín dụng đen ở quận 5, TP.HCM để vay 1 tỉ đồng trong 1 tháng với lãi suất 13%/tháng.

“Thời buổi kinh doanh khó khăn, đất bán không ai mua, công ty thẩm mỹ thì ế ẩm, lại phải vay nóng với mức lãi suất này. Tôi thật sự đang ngồi trên đống lửa”, chị Thúy bộc bạch.

Hai doanh nghiệp kể trên chỉ là những trường hợp điển hình trong số hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải cắn răng vay tín dụng đen để có thể tiếp tục tồn tại sau khi bị ngân hàng quay lưng. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác cũng cần phải nói đến là nguồn vốn tích lũy trong kinh doanh của khối doanh nghiệp này vẫn còn quá kém và chủ yếu lệ thuộc vốn ngân hàng. Khi kênh cho vay này bị đóng lại, tất nhiên tín dụng đen sẽ có cơ hội hoành hành.

Vì sao có đất sống?

Tín dụng đen thường được hình thành và phát triển song song với kênh tín dụng chính thống tại các quốc gia đang phát triển. Sự tồn tại của thị trường tín dụng đen xuất phát từ những nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan.

Sau khi Việt Nam bắt đầu mở cửa và phát triển kinh tế theo định hướng thị trường từ những năm 1990, khối doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có tốc độ phát triển khá nhanh và từng bước khẳng định vai trò của mình song song với khối doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, cả nước có hơn 300.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng với lịch sử phát triển chỉ mới hơn 20 năm, chưa có nhiều thời gian tích lũy, nên thường có quy mô nhỏ, vốn liếng và năng lực quản trị còn thấp.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết về cơ bản, doanh nghiệp thu hút vốn bằng cách phát hành cổ phiếu ra công chúng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (với hình thức này, doanh nghiệp phải có quy mô đủ lớn và đã qua kiểm toán) hoặc/và vay vốn ngân hàng. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, vay ngân hàng là giải pháp khả dĩ nhất vì họ khó có lựa chọn nào khác.

Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng cho biết nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp thủy sản trong nước lâm vào cảnh khó khăn hiện nay là phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Trước đây, các ngân hàng từng đua nhau cho doanh nghiệp thủy sản vay để xây dựng nhà xưởng ồ ạt. Đến khi kinh tế khó khăn, họ đồng loạt rút vốn khiến doanh nghiệp sống dở, chết dở.

“Hiện có đến 90% doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam hoạt động dựa 100% vào nguồn vốn vay ngân hàng, từ chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, vốn cố định, vốn lưu động... Do đó, khi ngân hàng thu hồi vốn thì doanh nghiệp chỉ có nước đóng cửa”, ông Minh nói.

Tương tự, ở lĩnh vực bất động sản, công thức chung của các doanh nghiệp là vốn tự có chỉ từ 10-30%, còn lại là vốn vay ngân hàng và tiền thu trước từ khách hàng. Khi thị trường bất động sản đóng băng, ngân hàng không cho vay thì doanh nghiệp hết đường xoay xở. Bên cạnh lãi suất cho vay chính thức đang cao ngất ngưởng, họ phải chịu thêm từ 3-5 điểm phần trăm lãi suất phi chính thức và mức này thường phụ thuộc vào mối quan hệ của từng doanh nghiệp với ngân hàng. Hồi cuối năm qua, có những lúc tổng mức lãi suất cho vay của ngân hàng cả chính thức lẫn phi chính thức đã lên tới gần 30%.

Lãi suất tín dụng đen gần... 150%/năm - 2

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme), hiện chỉ có chưa tới 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đa phần bị ngân hàng từ chối vì nhiều lý do khác nhau như quy mô hoạt động nhỏ lẻ, công nghệ còn thấp, quản trị nội bộ chưa được quan tâm đúng mức. Muốn vay được vốn, họ phải có tài sản thế chấp. Và đây là rào cản lớn nhất đối với họ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Thành, CIEM, cho rằng rủi ro của những người đi vay là khá lớn do thông tin bất đối xứng, nghĩa là bên đi vay thường biết về mình nhiều hơn là ngân hàng. Để giảm thiểu rủi ro, các ngân hàng phải xếp hạng hay còn gọi là “định mức tín nhiệm” đối với doanh nghiệp đi vay.

Việc xem xét khả năng trả nợ này là hợp lý. Tuy nhiên, có không ít trường hợp ngân hàng săm soi khá kỹ thủ tục cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì lại mở rộng hầu bao với các doanh nghiệp được đánh giá có quy mô lớn do khéo đánh bóng tên tuổi, mà Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) là một trường hợp điển hình.

Sau khi thanh lý một số tài sản để trả nợ nông dân, đối tác và một số ngân hàng, tính đến ngày 21.4 (so với khoản nợ 1.275 tỉ đồng hồi tháng 3), Bianfishco chỉ còn nợ trên 900 tỉ đồng. Mới đây, Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thuộc Bộ Tài chính đã cân nhắc mua lại số nợ 200 tỉ đồng của nông dân nhằm giúp doanh nghiệp này từng bước khôi phục hoạt động.

Một trong những lý do cho sự ưu ái từ phía ngân hàng xuất phát từ mối quan hệ hai bên cùng có lợi, đó là doanh nghiệp vay được tiền, còn cán bộ duyệt hồ sơ vay thì được chi mức hoa hồng xứng đáng. “Mức chi có thể lên tới 3-5% tổng giá trị hợp đồng vay vốn”, ông Minh thuộc đường dây tín dụng đen ở Huyện Củ Chi, TP.HCM (đã đề cập ở trên), cho biết. Trên thực tế, có cán bộ ngân hàng còn vươn ra thị trường tín dụng đen bằng cách bơm tiền cho các chủ nợ và cùng ăn chia tiền lãi. Tất nhiên, khi vỡ nợ tín dụng đen xảy ra thì hậu quả sẽ thuộc về các nguồn cho vay lớn nhất, trong đó có một số ngân hàng.

Ngày 26.4 vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP.HCM đã bắt tạm giam 2 bị can Võ Đức Hùng, nguyên Trưởng phòng Thẩm định Chi nhánh Agribank Tân Bình và Nguyễn Minh Hòa, nguyên cán bộ kiểm tra nội bộ thuộc Văn phòng Đại diện khu vực miền Nam của Agribank về hành vi vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, bị can Hùng được xác định đã ký duyệt hồ sơ cho Công ty Cát Phương Nam và Công ty Trường Phát Đạt vay 43 tỉ đồng mà không kiểm tra hồ sơ theo quy định, sau đó số tiền này đã bị chiếm đoạt.

Nếu xét đến yếu tố khách quan, sự tồn tại của kênh tín dụng đen cũng là điều dễ hiểu vì kênh tín dụng chính thức hiện vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các thành phần kinh tế.

Giải pháp nào?

Đầu tháng 4 vừa qua, trang web của Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc đã đăng tải phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng, Chính phủ cần phá vỡ sự độc quyền trong việc cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng lớn của nước này, nhằm cải thiện điều kiện vay vốn dành cho các công ty tư nhân.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung Quốc không có vốn dồi dào và chỉ có thể tìm vay tại các ngân hàng lớn. Song họ thường bị từ chối nên phải quay sang vay tiền của kênh tín dụng đen với mức lãi suất lên tới 70-100%/năm. Đơn cử, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang là thủ phủ của hơn 400.000 doanh nghiệp tư nhân. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, năm ngoái có đến gần 90% cư dân và gần 60% doanh nghiệp tại đây vay tín dụng đen và hậu quả là có gần 100 chủ doanh nghiệp đã tìm cách bỏ trốn và 3 người phải tự sát vì không thể trả nổi các khoản nợ khổng lồ.

Lãi suất tín dụng đen gần... 150%/năm - 3

Trở lại câu chuyện trong nước, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp trần lãi suất cho vay tối đa 15% đối với 4 lĩnh vực là nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp vừa và nhỏ; công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ cũng đã bắt đầu có các giải pháp hỗ trợ cho bên cung lẫn cầu. Đối với cung là việc hạ lãi suất và Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét lại cơ cấu khoanh nợ để doanh nghiệp có thể tiếp tục vay. Tiếp đến là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tốt hơn các dự án hạ tầng sử dụng vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức), trái phiếu chính phủ.

Về phía cầu, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu nới tín dụng cho vay tiêu dùng, tạo cầu cho bất động sản như mua lại một số chung cư hay có thể xem xét cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu, Đông Á.

Ông Thành cũng đặt ra một câu hỏi là có nên bóp chết kênh tín dụng đen hay vẫn để tồn tại, nhưng phải dần dần lành mạnh hóa để nó đồng hành với kênh tín dụng chính thức.

Những tin tức này khiến cho các chủ doanh nghiệp như anh Tiến, chị Thúy có thêm hy vọng “sau cơn mưa trời lại sáng”. Nhưng trong lúc anh chưa kịp nhìn thấy được tia sáng nào le lói cuối đường hầm thì công ty anh đang bị khốn đốn bởi các món nợ tín dụng đen. Và kể cả có được vay vốn ngân hàng trở lại thì số lãi cắt cổ của tín dụng đen cũng đâu thể trả xong ngày một ngày hai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vĩnh Bảo ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN