Lãi suất NH có thể tăng trở lại
Sau khi các NHTM đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động, các chuyên gia tỏ ra không ngạc nhiên và cho rằng đây chỉ là mức giảm tạm thời, lãi suất có thể tăng trong đầu tháng 12.
Đồng loạt giảm
Khách hàng muốn gửi tiết kiệm đang bất ngờ về việc, lãi suất huy động ở các NH giảm mạnh vì trước đó khoảng 1-2 tháng, để chạy đua huy động vốn cuối năm, các NH đã không ngừng tung chiêu câu kéo bằng cách: trả lãi cao, tặng quà cho người gửi…
Vừa mới đây, các NHTM đã chạy đua huy động lãi suất “kín” bằng cách lách kỳ hạn, nhận huy động với lãi suất cao hay khách hàng có thể tự thỏa thuận lãi suất với NH. Thì nay, những ưu đãi đó đối với khách hàng đã không còn.
Nếu như trước đó 1 tháng, khách gửi tiền có thể thoải mái thỏa thuận về lãi suất với các NH, thậm chí ở các kỳ hạn dài, mức lãi suất có khi lên tới 13%/năm. Thì tại thời điểm này, các NH đã “cứng rắn” hơn trong việc trả lãi đúng quy định.
Việc giảm lãi suất huy động chỉ là tạm thời?
Chị Thanh Hương (Thanh Xuân, HN) mang số tiền 500 triệu đồng đi gửi NH với mong muốn được thỏa thuận lãi suất như trường đó. Nhưng khi đến NH để tham khảo lãi suất, chị Hương “ngã ngửa” bởi các NH đã không còn áp dụng những chiêu câu kéo khách hàng như trước đây.
Hiện, lãi suất các kỳ hạn 2-3 tháng tại hầu hết các NH chỉ là 9%/năm, các kỳ hạn 1 năm là 11%, cao hơn là 12%/năm. Các NH tham gia cuộc đua lãi suất thời gian trước thì nay lại đột ngột giảm như: ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank), ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)…
Ngoài ra, một số NH quốc doanh cũng đua giảm như ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chỉ áp dụng lãi suất 10%/năm cho các kỳ hạn trên 12 tháng. NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) huy động 12%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, còn kỳ hạn 12 tháng và 18 tháng lần lượt ở mức 11%/năm và 11,5%/năm. NH công thương Việt Nam (Vietinbank) là 12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và từ 10-11%/năm cho kỳ hạn từ 13-36 tháng.
Chỉ là tạm thời?
Chuyên gia tài chính, ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây hiện tượng thông thường khi NH không cần nhiều vốn như trước nữa để tăng lợi nhuận của họ. Thêm nữa, các NH phải tính đến việc sử dụng vốn phải có hiệu quả, nếu không có nhiều cơ hội sử dụng vốn thì hạ lãi suất xuống để giảm vốn huy động đang được hấp thụ là điều đương nhiên.
Phân tích thêm về nguyên nhân của việc giảm lãi suất này, ông Hiếu cho rằng, động cơ chính là vần đề lợi nhuận. Theo ông Hiếu, hiện nay rất nhiều NH đang thừa vốn, không có đầu ra. Nếu không có đầu ra trong việc tăng trưởng tín dụng thì vấn đề vốn trở nên dư thừa.
Mặt khác, vấn đề nợ xấu đang làm giảm động cợ kinh doanh tín dụng của các NH. Chính vì thế sẽ làm giảm nhu cầu vốn, đẩy lãi suất trên thị trường liên NH xuống.
“Đây là dấu hiệu tốt khi lãi suất đi xuống. Hy vọng nó sẽ là xu thế chung. Nếu cứ thế này, đến đầu năm 2013 có thể giảm được lãi suất cho vay xuống, cứu giúp các DN”, ông Hiếu tin tưởng.
Chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương cho rằng, nhu cầu vốn của các NH không bao giờ hết, bởi: “Dòng vốn còn rất nhiều nhiệm vụ nữa là đầu tư, dịch vụ, thanh khoản nội bộ, dự trữ thanh khoản…cộng với đống nợ xấu, chưa kể đến chuyện người dân rút tiền ra”. Thế nên, vị chuyên gia này khẳng định: “Không bao giờ có khái niệm đủ vốn ở các NH”.
Tuy nhiên, có một sự đồng nhất giữa các chuyên gia khi cho rằng, hiện tượng giảm lãi suất chỉ là tạm thời.
Chuyên gia tài chính, ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, từ nay đến cuối năm, nhu cầu vốn NH sẽ tăng bởi, các DN cần lượng vốn lớn thanh toán những giao dịch cuối năm, đồng thời nhiều DN cần vốn tăng thưởng cho nhân viên,…
“Nếu dựa trên cơ sở đó thì việc hạ lãi suất xuống chỉ là tạm thời cuối tháng 11 thôi. Sang tháng 12 có thể tăng lên ít nhất là 1% nữa”, ông Hiếu khẳng định.