Lãi suất hạ, BĐS bung hàng
Những dự án căn hộ nằm đắp chiếu nay đã rục rịch khởi động trở lại.
Sau hơn một năm nằm phơi sương, giữa tháng 5 vừa qua, cây cần cẩu tại công trường xây dựng chung cư tái định cư dưới chân cầu Thủ Thiêm đã rục rịch trở lại. Đây là dự án do Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 làm chủ đầu tư bao gồm khu chung cư và cao ốc văn phòng 35 tầng và chung cư tái định cư 24 tầng với 500 căn hộ.
Xa hơn một chút, ở phía bờ Đông bên Sông Sài Gòn, dự án Green Building (phường Phước Long A, quận 9), sau một thời gian nằm im khi xây dựng đến tầng 19, đã bắt đầu có công nhân đến làm việc. Mặc dù thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc, nhưng việc một số dự án “sống lại” có thể được xem như là kết quả của chính sách điều hành vĩ mô.
Tái khởi động
Cho đến hết quý I/2012, thị trường bất động sản vẫn khá trầm lắng và hầu như rất ít dự án được tung ra. Thế nhưng, kể từ quý II, sau những thông tin nới van tín dụng đối với bất động sản, lãi suất giảm dần (hiện nay lãi suất huy động đã xuống mức 11% và lãi suất cho vay về mức 14%) hay việc Thủ tướng đồng ý gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư khó khăn về tài chính, nhiều dự án đã bắt đầu bung hàng để thăm dò thị trường.
Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, chẳng hạn, vừa mở bán căn hộ Louis IX - Bảy Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) với giá khoảng 16,5 triệu đồng/m2 vào ngày 30.5. Novaland cũng chuẩn bị bán căn hộ Tropic Garden (quận 2, TP.HCM) với giá 22-27 triệu đồng/m2 vào giữa tháng 6.2012. Dự án Tân Mai (quận Bình Tân) do Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Bình làm chủ đầu tư cũng đang khởi động đợt bán hàng thứ hai vào ngày 15.6. Hoặc Công ty Hùng Việt và KRDF03 của Hàn Quốc dự kiến sẽ chào bán 100 căn hộ của dự án The Eastern (quận 9) vào cuối tháng này.
Một số dự án khác sau khi bán một thời gian nhưng không có kết quả cũng đã chào bán trở lại, kèm theo đó là thông tin ngân hàng đồng ý tài trợ cho khách mua căn hộ. Công ty Minh Vĩnh Khang, chẳng hạn, vừa ký hợp đồng liên kết với Ngân hàng Đông Á để tài trợ vốn cho những khách hàng mua căn hộ ở dự án Richland Southern (quận Cầu Giấy, Hà Nội) do công ty này làm chủ đầu tư. Theo đó, Ngân hàng Đông Á sẽ cho vay đến 70% giá trị căn hộ trong vòng 10-15 năm với lãi suất 16%/năm áp dụng cho năm đầu tiên.
Năm ngoái Minh Vĩnh Khang cũng từng công bố một chương trình bán hàng rất hấp dẫn cho dự án Richland Southern (khánh thành vào cuối tháng 6.2011), nhưng do không có ngân hàng liên kết cho vay, lãi suất lại cao nên vẫn còn khoảng 30 căn chưa bán được.
Bên cạnh việc hợp tác với Ngân hàng Đông Á, Minh Vĩnh Khang cũng ký hợp đồng với Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) để hỗ trợ tín dụng cho khách hàng mua căn hộ tại dự án 50 căn nhà liên kế Beacon Pass (Bảo Lộc, Lâm Đồng) do Công ty làm chủ đầu tư. BIDV sẽ cho khách hàng mua dự án này vay với lãi suất 16%/năm cho 6 tháng đầu tiên, sau đó sẽ áp dụng lãi suất cho vay do Ngân hàng công bố tại từng thời điểm. Thời gian vay có thể lên đến 15 năm và mức cho vay tối đa 85% giá trị căn nhà.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, khủng hoảng bất động sản hiện nay là khủng hoảng về đầu ra, về lòng tin. Doanh nghiệp đang chịu sức ép hàng tồn kho tăng vì không thể bán được hàng. Do đó, việc hỗ trợ các khoản vay ưu đãi cho người mua nhà đang được xem là một trong những giải pháp có thể gỡ khó phần nào cho chủ đầu tư.
Sau một thời gian tạm dừng, chung cư tái định cư dưới chân cầu Thủ Thiêm đã tiếp tục được xây dựng
Người mua đã chịu xem hàng
Nhận định về việc nhiều chủ đầu tư quyết định bung hàng trong lúc này, bà Huỳnh Kim Đoan, Giám đốc Công ty Eden Real, cho rằng nay đã là gần giữa năm, nên chủ đầu tư cần phải đưa thông tin dự án ra thị trường để khách hàng tìm hiểu. Theo bà, trên thực tế việc hạ lãi suất vẫn chưa tác động nhiều đến thị trường. Mặc dù một số nhà đầu tư đã quay trở lại thăm dò thị trường nhưng số lượng hợp đồng được ký kết vẫn rất ít. “Ít nhất phải mất thêm 1-2 tháng nữa thì chính sách này mới có thể đi vào thị trường”, bà nói.
Khi nhìn từ phía khách mua nhà qua “Tuần lễ an cư” mà Eden Real tổ chức bán hàng cho các chủ dự án hồi đầu tháng 4, Công ty nhận thấy nhu cầu mua nhà vẫn cao nhưng người mua cũng trở nên dè dặt hơn bao giờ hết. Và phần lớn trong số họ có khả năng tài chính khá hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 50% giá trị bất động sản. Đó là lý do khách mua vẫn ưu tiên phương án vay trả góp của chủ dự án nhà ở, hơn là gõ cửa ngân hàng dù đã có những gói cho vay với lãi suất 16-17%/năm. Vì vậy, những dự án nào có giá bán và phương thức thanh toán phù hợp, chủ đầu tư khéo thu xếp vốn vay cho khách hàng thì sẽ có cơ may bán hàng cao hơn.
Trong khi đó, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Bất động sản Việt Nam, cho rằng người mua dè dặt còn là vì lo ngại liệu chủ đầu tư có đủ năng lực để hoàn thiện dự án theo đúng tiến độ hay không. Thực tế cho thấy, nếu như trước đây, người mua nhà tìm đến những dự án đóng tiền theo tiến độ vài năm để có thời gian chuẩn bị tiền và giá cả rẻ hơn thì nay những người có nhu cầu lại chỉ tìm đến những dự án sắp được bàn giao hoặc đã hoàn thiện, có thể ở ngay.
“Người dân đang kỳ vọng giá sẽ còn xuống nữa, trong khi nhiều doanh nghiệp địa ốc đang bán hòa vốn hoặc bán lỗ. Vấn đề hiện nay là doanh nghiệp phải tìm cách xây dựng lại lòng tin của người mua nhà, cung cấp cho họ những sản phẩm phù hợp, có chất lượng và cam kết xây dựng đúng tiến độ”, ông Châu, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói.