Lãi suất chứng chỉ tiền gửi lại... nhảy vọt

Với lãi suất chứng chỉ tiền gửi vọt lên gần 9%/năm, cao hơn gửi tiết kiệm, gây áp lực lên lãi suất vay.

Ngày 21-12 vừa qua, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã phát hành chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức tại tất cả điểm giao dịch trên toàn quốc. Chứng chỉ tiền gửi sẽ mang lại thêm cho khách hàng cơ hội đầu tư sinh lời an toàn, hiệu quả với mức lãi suất vượt trội.

Đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi kéo dài từ ngày 21-12-2017 đến khi SHB có thông báo kết thúc chương trình. Mệnh giá phát hành của chứng chỉ tiền gửi tối thiểu chỉ từ 100.000 đồng đối với cả khách hàng cá nhân, khách hàng tổ chức và không giới hạn giá trị tối đa.

Trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn đột xuất, khách hàng có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay vốn tại SHB với lãi suất cầm cố siêu ưu đãi bằng lãi suất của chứng chỉ tiền gửi. Bên cạnh đó, khách hàng có thể chiết khấu, tái chiết khấu hoặc dùng chứng chỉ tiền gửi làm tài sản đảm bảo để vay vốn tại SHB và các tổ chức tín dụng khác hoặc có thể chuyển quyền sở hữu chứng chỉ tiền gửi dưới nhiều hình thức như mua bán, trao đổi, cho, tặng, thừa kế, chuyển nhượng… theo quy định của SHB và của pháp luật.

Trước đó, cuối tháng 11 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng Việt Nam đồng với lãi suất cao nhất lên tới 8,80%/năm. Mức lãi suất vượt trội mà ABBank mang lại cho chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn năm năm hiện ở mức 8,65%/năm.

Tính từ đầu năm cho tới nay, mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất đang thuộc về Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ở biểu lãi suất chứng chỉ tiền gửi VND ghi danh dành cho khách hàng cá nhân vừa ban hành. Chứng chỉ tiền gửi VND của VPBank có các kỳ hạn 18, 24, 36 và 60 tháng.

Trong đó mức lãi suất cao nhất lên tới 9,2%/năm, ở kỳ hạn 60 tháng, dành cho các khoản có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên. Lãi suất chứng chỉ này ở các kỳ hạn và mức giá trị khác được VPBank áp 7,5%-9%/năm.

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi lại... nhảy vọt - 1

Lãi suất của chứng chỉ tiền gửi sẽ được cố định trong suốt kỳ hạn và được trả vào ngày đáo hạn.

Cùng với lãi suất chứng chỉ tiền gửi, lãi suất huy động cũng được nhiều ngân hàng tiếp tục đẩy lên với biên độ 0,1%-0,5% tùy từng kỳ hạn, song chủ yếu đều tăng ở các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng.

Theo biểu lãi suất mới nhất của BIDV đã tăng 0,5%, tức là tăng từ 4,3%/năm lên mức 4,8%/năm đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn một tháng và hai tháng. Đối với kỳ hạn 3-6 tháng, tăng 0,4%, tức là nâng từ 4,8%/năm lên 5,2%/năm. 

Tại biểu lãi suất áp dụng từ ngày 12-12 tại Sacombank, các kỳ hạn tiền gửi hai tháng, sáu tháng được điều chỉnh tăng 0,2%/năm. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn hai tháng là 5,3%/năm và kỳ hạn sáu tháng là 6,2%/năm. Riêng lãi suất kỳ hạn chín tháng được Sacombank tăng mạnh ở mức 0,4%, nâng từ 6,0% lên 6,4%/năm.

Với kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng chỉ tăng nhẹ từ 0,1% lên 6,9%/năm. Ngân hàng PVcomBank điều chỉnh tăng 0,5% lãi suất cho tiền gửi 12 tháng. Ngân hàng Bắc Á tăng 0,1%-0,2% cho các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên. 

Theo lý giải của các chuyên gia tài chính, việc tăng lãi suất huy động một phần do nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng cao vào thời điểm cuối năm. Động thái các ngân hàng đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi có thể là để huy động nguồn vốn nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án mà họ đã cam kết tài trợ dài hạn, đồng thời nhằm mục đích tăng hệ số CAR.

Bởi hiện nay nhiều ngân hàng đang hướng đến mục tiêu tuân thủ Basel II. Để đạt được tỉ lệ an toàn vốn theo chuẩn mới, việc các ngân hàng phải tăng vốn là điều dễ hiểu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Linh (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN