Kinh hãi đòi nợ thuê kiểu xã hội đen

Sự kiện: Kinh Doanh

Việc đòi nợ kiểu xã hội đen không chỉ khiến con nợ khiếp sợ, mà cũng khiến chính các doanh nghiệp đòi nợ thuê vướng vòng lao lý.

Những năm gần đây, hoạt động đòi nợ thuê theo kiểu “xã hội đen” diễn ra khá phổ biến. Đòi nợ theo kiểu nhắn tin đe dọa, kéo nhau thành nhóm thanh niên xăm trổ đầy mình với đầy đủ hung khí đến nhà con nợ, rồi đổ chất bẩn vào nhà con nợ, thậm chí đe dọa tính mạng của con nợ.

Không phải là tất cả các doanh nghiệp đòi nợ đều vi phạm pháp luật. Nhưng nhiều doanh nghiệp đòi nợ thuê kiểu “xã hội đen” đã gậy nên những bất ổn cho tình hình an ninh, trật tự của xã hội, đòi hỏi Nhà nước phải có các quy định pháp luật chặt chẽ và sự giám sát thường xuyên!

Đòi nợ kiểu “khủng bố”

Tháng 5/2017, anh Tuấn, trú tại Hà Đông - Hà Nội, có vay của một công ty cho vay tài chính 300 triệu đồng để mua nguyên liệu sản xuất, với lãi suất lên đến 15%/ tháng (hợp đồng ghi lãi suất 2%/ tháng).

Dự kiến sau một tháng quay vòng vốn, anh Tuấn sẽ trả được cả gốc lẫn lãi, nhưng do máy móc liên tục bị hư hỏng, hàng sản xuất ra không kịp tiến độ nên bị khách hàng từ chối, do đó anh Tuấn không những không trả được nợ gốc, mà ngay cả tiền lãi cũng không kham nổi.

Sau khi được chủ nợ gia hạn lần 1 thêm một tháng, với số tiền lãi được tính vào gốc, tiếp đó là gia hạn lần 2 là một tháng, nhận thấy con nợ đã mất khả năng thanh toán, nên chủ nợ đã thuê một công ty đòi nợ thuê đến để làm việc với anh Tuấn.

Từ đó, hàng ngày, luôn có 3 thanh niên xăm trổ đến “ngự” tại nhà anh Tuấn để đợi “xử lý”. Tuy không xâm phạm tính mạng, sức khỏe của vợ con anh Tuấn, nhưng sự xuất hiện ngang nhiên của những người đòi nợ thuê này, khiến cuộc sống gia đình anh bị đảo lộn, người thân hoang mang, lo sợ. Chỉ đến khi gia đình anh Tuấn thu xếp được khoản tiền cả gốc lẫn lãi, lên đến gần 500 triệu, thì gia đình anh mới được giải thoát khỏi cảnh khủng bố tinh thần này.

Việc đòi nợ kiểu xã hội đen không chỉ khiến con nợ khiếp sợ, mà cũng khiến chính các doanh nghiệp đòi nợ thuê vướng vòng lao lý.

Mới đây, do ráo riết đòi nợ cho một chủ nợ, chủ một doanh nghiệp đòi nợ thuê tại Hà Nội cùng 2 nhân viên đã bị bắt tạm giam vì dùng chất bẩn đổ vào nhà và nhắn tin đe doạ con nợ. Sau nhiều lần bị khủng bố, đe dọa, con nợ đã buộc phải báo công an để mong được an toàn, và cả chủ lẫn nhân viên doanh nghiệp đòi nợ thuê này đã “xộ khám”.

Kinh hãi đòi nợ thuê kiểu xã hội đen - 1

"Công cụ" để xã hội đen khủng bố tinh thần gia đình các con nợ.

Không chỉ có luật  nghiêm mà phải có sự giám sát chặt  chẽ

Tháng 6/2018, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo về Nghị định thay thế Nghị định 104/2007/NĐ-CP. Tại dự thảo này, nhiều quy định đối với doanh nghiệp đòi nợ thuê đã được đặt ra như: doanh nghiệp đòi nợ thuê được phép hoạt động như thế nào, những hành vi nào bị nghiêm cấm.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Hoàng Minh Hiển - Văn phòng Luật sư HHM Việt Nam cho rằng: Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay phần nào đã có những tác động tích cực, lành mạnh và có hiệu quả giúp cho chủ nợ đòi được những khoản nợ khó đòi trước đây.

Cơ sở pháp lý cho các Công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ là Nghị định 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của chính phủ đã quy định chi tiết điều kiện, hình thức, người đại diện theo pháp luật … cho hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Tuy nhiên, trong thực tế đến nay hoạt động các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn có những bất cập, hạn chế như: Nhận thức của khách nợ về dịch này còn mới lạ nên có ý chây ỳ, chống đối, đưa lý do kéo dài thời gian, thậm chí trốn tránh việc trả nợ gây khó khăn cho công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ  chưa thực hiện đúng các quy định tại Nghị định 104, chủ yếu vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ và vi phạm về an ninh trật tự xã hội. Thậm chí có trường hợp lạm dụng quyền đòi nợ để gây sức ép, xâm phạm tới đời tư, đe dọa khách nợ.

Cá biệt, có trường hợp đòi nợ có hành vi “khủng bố” hay câu kết với các đối tượng xã hội đen để bắt cóc, tống tiền để đòi nợ,….

Trong khi đó, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát còn hình thức, có nơi chồng chéo… thiếu sự tham gia giám sát của cơ quan Công an, chỉ khi xảy ra mất trật tự hay vi phạm thì lực lượng công an mới được mời  xử lý để ổn định an ninh, trật tự xã hội.

Để ngăn chặn tình trạng đòi nợ theo kiểu xã hội đen, cần có những chế tài, biện pháp mạnh để trấn áp các đối tượng, công ty hoạt động không tuân thủ quy định của pháp luật như: Cần thiết ban hành thẩm quyền quản lý, giám sát, xử lý cho cơ quan công an; Quy định ưu tiên áp dụng chế tài hành chính như thu hồi Giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty, xử phạt… hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân/cá nhân để xử lý kịp thời nếu khách nợ bị xâm hại tới tính mạng, sức khỏe và tài sản;

Việc ban hành nghị định thay thế nghị định 104/2007/NĐ-CP đến thời điểm này là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập, thiếu sót, chưa rõ ràng, như:

Quy định trách nhiệm của cơ quan Công an đối với công tác quản lý, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh đặc thù “nhạy cảm” này;

Quy định chi tiết về trách nhiệm, nghĩa vụ của khách nợ khi bị yêu cầu trả nợ từ công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoặc chủ nợ;

Quy định công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoặc chủ nợ có nghĩa vụ phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi khách nợ cư trú để quản lý hoạt động đòi nợ và chấp hành của khách nợ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Giang ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN