Gỡ nút thắt cho giá vàng
Lý do khiến giá vàng trong nước cao hơn thế giới là do nhiều nút thắt và giá chỉ bình thường lại khi các nút thắt được dỡ bỏ để cung - cầu vàng gặp nhau. Trong các nút thắt, có cái đã thắt khá lâu nhưng cũng có cái mới được cột vào, càng làm chênh lệch giá vàng tăng cao hơn.
Trước đây, vàng chỉ bị quản lý bởi hạn ngạch nhập khẩu, số lượng và nhập lúc nào... do Ngân hàng Nhà nước quyết định, đó là nút thắt thứ nhất. Nút thắt thứ hai là tình trạng nghẽn hàng ở Công ty SJC. Nhiều đơn vị cùng dập vàng miếng nhưng người dân chỉ chuộng vàng miếng thương hiệu SJC, vì thế có cho nhập vàng giá có lúc vẫn cao do khả năng gia công của Công ty SJC có hạn dẫn đến cung không đáp ứng cầu. Cái nút thắt này gần đây đã được chuyển từ Công ty SJC sang Ngân hàng Nhà nước.
Với việc quản lý vàng miếng thương hiệu SJC từ Công ty SJC, Ngân hàng Nhà nước đã cột chặt hơn khi quy định số lượng vàng miếng SJC được dập. Thế mới có chuyện thời gian qua, thị trường đầy vàng nguyên liệu nhưng thiếu vàng miếng SJC nên giá vẫn cao ngất ngưởng. Tới đây lại có thêm nút thắt mới: Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lộ trình, theo đó từ ngày 25-11 ngân hàng phải chấm dứt huy động vàng. Nếu thực hiện đúng lộ trình này thì thời gian tới, giá vàng còn tăng cao hơn khi nhiều ngân hàng cùng mua vàng để trả cho người gửi, trong khi nguồn cung vẫn bị siết bởi những nút thắt kể trên.
Thời gian qua, thị trường đầy vàng nguyên liệu nhưng thiếu vàng miếng SJC nên giá vẫn cao ngất ngưởng.
Có thể những nút thắt như hạn ngạch nhập khẩu, độc quyền sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước... về lâu dài sẽ giúp ổn định thị trường. Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi thị trường vàng chỉ còn lực mua duy nhất từ nhu cầu của người dân để cất giữ và trang sức. Để đạt được thị trường như thế, Ngân hàng Nhà nước phải “dọn dẹp” các nhu cầu mua vàng đầu cơ, đặc biệt là việc các ngân hàng kinh doanh vốn vàng.
Các hoạt động này đã làm méo mó cung - cầu trên thị trường vàng. Nhưng muốn thị trường vàng không có đầu cơ thì phải dọn dẹp các chiêu trò đầu cơ đã được bày ra trước đó cũng như giải quyết hậu quả của việc kinh doanh vốn vàng của các ngân hàng vào cuối tháng 11. Bày ra thì dễ, gói lại mới khó. Cũng có lúc Ngân hàng Nhà nước phải dùng giải pháp tình thế, dỡ bỏ một vài nút thắt cho cung cầu vàng gặp nhau như cho dập vàng miếng các thương hiệu khác sang SJC. Nhưng số này chưa đủ để cung - cầu trở lại bình thường.
Chuyện giá vàng trong nước theo giá thế giới vẫn xa vời khi Ngân hàng Nhà nước không quyết liệt giải quyết nguồn vàng để các ngân hàng mua và trả cho người gửi, chấm dứt nghiệp vụ huy động và cho vay bằng vàng. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng khẳng định không có sốt giá vàng. Đúng là thị trường không sốt, bởi sốt được hiểu là bất ngờ nóng rồi bất ngờ lạnh. Đằng này giá vàng cứ lù lù đi lên, tăng một cách vững chắc, trở thành “chuyện thường ngày” của thị trường vàng.
Sự bình thường này cũng là bất thường trong quản lý khi Ngân hàng Nhà nước, nơi được giao quản lý thị trường vàng, lại không thừa nhận có bất thường trong giá vàng để có biện pháp xử lý thấu đáo. Các nút thắt vẫn tồn tại làm biến dạng chênh lệch cung - cầu, đó cũng là mảnh đất béo bở để đầu cơ hoạt động. Khi nguồn cung cứ bị chằng chéo bởi những nút thắt trên thì còn lâu giá vàng mới trở về bình thường.