Giá dầu, thiên tai “vây” GDP

Thường xuyên ở mức 20% nhưng năm 2016, ước thu từ dầu khí chỉ còn 5,3% trong tổng thu ngân sách - thấp hơn cả khoản thuế thu nhập cá nhân

Nếu như quý I/2015, một số thành viên Chính phủ bất ngờ với mức độ tăng trưởng GDP lên đến 6,03% trong khi kỳ vọng chỉ khoảng 5,6% thì sang quý I năm nay, các nhà điều hành chính sách không khỏi lo lắng vì GDP chỉ tăng 5,46%. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố không thuận lợi đã xuất hiện, đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế Quốc hội giao.

Thu ngân sách từ dầu thô liên tục giảm

Sự giảm mạnh của giá dầu thô cảnh báo nguy cơ lặp lại những khó khăn của Chính phủ trong nhiệm vụ cân bằng ngân sách như đã xảy ra năm 2015.

Ông Nguyễn Đạt Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết năm 2016, dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) mà Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành thuế là 809.500 tỉ đồng, gồm thu từ dầu thô 54.500 tỉ đồng, thu nội địa 755.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết quả thu NSNN 2 tháng đầu năm nay đối với dầu thô chỉ đạt 5.770 tỉ đồng, bằng 10,6% dự toán và 43,1% so với cùng kỳ năm rồi. Nguyên nhân là do giá dầu dự toán ở mức 60 USD/thùng nhưng thực tế chỉ bán được bình quân 36 USD, giảm 24 USD.

Theo ông Trí, nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách có thể giảm thu tương ứng 1.500 tỉ đồng. Với phương án giá dầu 30 USD/thùng như giai đoạn hiện nay, ngân sách ước tính hụt thu khoảng 45.000 tỉ đồng.

Giá dầu, thiên tai “vây” GDP - 1

Hạn hán, xâm nhập mặn cũng đang đe dọa tốc độ tăng trưởng kinh tế Ảnh: Công Tuấn

Thực tế, thu ngân sách từ dầu thô liên tục giảm trong những năm trở lại đây khiến tỉ lệ đóng góp của nó vào NSNN cũng như vào GDP liên tục giảm. Theo Bộ Tài chính, dù sản lượng khai thác không giảm nhưng thu dầu thô đã giảm từ mức bình quân 5,2% GDP giai đoạn 2006-2010 xuống còn 1% vào năm 2015 và dự toán năm 2016 chỉ còn 0,9%.

Đã từng có giai đoạn như năm 2002-2008, thu từ dầu thô hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế khi số thu duy trì ở mức 20%, thậm chí 25% đến gần 30% tổng thu NSNN. Sang năm 2015, số thu từ dầu thô chỉ chiếm 6% trong tổng thu NSNN và năm 2016 ước chỉ còn 5,3%, thấp hơn cả khoản thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, phần hụt thu từ dầu thô đã được bù đắp từ nguồn thu nội địa. Tổng cục Thuế cho biết thu nội địa 2 tháng đầu năm 2016 đạt 139.980 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, là nhân tố khiến thu NSNN không những không hụt mà còn tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Chuẩn bị kịch bản giá dầu 20 USD/thùng

Thế nhưng, thu nội địa có còn dư địa tăng thêm hay không là vấn đề chưa chắc chắn. Ông Đào Xuân Tuế, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN - Bộ Tài chính, phân tích: Năm 2015, thu NSNN “về đích sớm” là do nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng GDP đạt 6,68% và còn có yếu tố hỗ trợ từ chủ trương tiết kiệm 10% chi thường xuyên. Quý I/2016 “thừa hưởng” đà tăng của quý IV/2015 nên tăng trưởng vẫn tốt và nhờ vào độ trễ quyết toán tài chính của khối doanh nghiệp từ năm trước chuyển sang tháng 3 năm sau.

Tổng cục Thuế cũng ghi nhận có một nguồn thu đáng kể trong quý I năm nay từ việc tái hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trước đây đóng cửa, ngừng hoạt động (tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước).

“Những quý còn lại của năm nay không có nhiều yếu tố thuận lợi. Nguyên tắc cân đối ngân sách là phải đưa vào dự báo những khoản thu trên cơ sở các luật thuế và giá dầu. Năm nay, giá dầu dự toán 60 USD/thùng tưởng đã an tâm nhưng vừa qua, có lúc lại xuống dưới 30 USD/thùng nên Bộ Tài chính đã có cả kịch bản cho giá dầu 20 USD/thùng. Bây giờ mà nói có tăng, giảm sản lượng khai thác dầu hay không là rất khó” - ông Tuế nhìn nhận.

Trong khi đó, Tổng cục Thống kê cảnh báo nếu tình hình hạn hán ở miền Trung, xâm nhập mặn ở ĐBSCL vẫn tiếp diễn ra cùng với sản lượng dầu thô đạt thấp và giá dầu giảm 41% so với năm 2015, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả năm 2016 chỉ đạt 5,45%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%. Mức tăng trưởng này cũng được Chính phủ bàn đến tại cuộc họp thường kỳ tháng 3 vừa qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN