FED tăng lãi suất có gây áp lực đến tỷ giá của Việt Nam?

Ngày 20/12, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) lần thứ 4 trong năm 2018 đã tăng lãi suất thêm 0,25%. Theo dự báo mới của FED, lãi suất dự kiến sẽ còn được tăng khoảng 2 lần nữa trong năm 2019 và 1 lần nữa trong năm 2020.

Số liệu do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố cho thấy, tỷ giá trung tâm VND/USD cuối năm 2018 đã tăng khoảng 1,5% so với đầu năm, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng khoảng 2,8% và tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 3,5% so với đầu năm.

Nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ giá trong nước tăng là tác động từ yếu tố quốc tế, vì chỉ số USD index tăng khoảng 5% so với đầu năm, tăng 9% so với mức đáy hồi tháng 2/2018. Đồng thời, đối với nguyên nhân trong nước thì yếu tố cơ bản là tỷ giá vẫn chịu áp lực từ lạm phát song lại được hỗ trợ tích cực từ cân đối cung cầu ngoại tệ.

FED tăng lãi suất có gây áp lực đến tỷ giá của Việt Nam? - 1

Năm 2018, tỷ giá thị trường tự do đã tăng khoảng 3,5%

Sang năm 2019, theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, áp lực lên tỷ giá được giảm thiểu do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo. Đó là, khả năng USD sẽ không tăng nhiều, thậm chí có thể suy yếu hơn; Lạm phát trong nước có khả năng kiểm soát khoảng 4% do giá hàng hóa thế giới tăng không lớn, áp lực lên tỷ giá giảm bớt.

FED tăng lãi suất có tác động đến tỷ giá của Việt Nam? Phân tích về chủ đề này, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) khẳng định không thấy quá nhiều rủi ro đối với lãi suất trong năm 2019, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng hạ nhiệt. BVSC cho biết: Phân tích kỹ có thể thấy năm 2018, VND là một trong những đồng tiền có sức chống chọi tốt nhất trước các đợt tăng lãi suất của FED.

“Việt Nam cũng là nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á chưa phải tăng lãi suất điều hành trong năm 2018”. BVSC khẳng định.   

Theo nhóm chuyên gia phân tích, việc giữ cho VND không bị mất giá quá mạnh được NHNN thực hiện chủ yếu qua việc rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng, tạo sự khan hiếm VND, qua đó bảo vệ giá trị của đồng nội tệ. 

Dự báo năm 2019, mặc dù FED sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất nhưng về cơ bản, tần suất tăng sẽ ít dần. Trên cơ sở đó, BVSC nhận định áp lực đối với VND trong năm 2019 sẽ không nhiều như năm 2018. Tuy vậy, với sự thận trọng cần thiết nên NHNN nhiều khả năng vẫn sẽ điều hành thanh khoản theo hướng chặt chẽ, khó có khả năng tiền đồng được đẩy ra thị trường quá nhiều như nửa đầu năm 2018. 

Ở một diễn biến khác, lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động vẫn đang duy trì ở mặt bằng khá cao. NHNN vẫn đang hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua hoạt động bơm vốn qua nghiệp vụ thị trường mở và tín phiếu. BVSC dự báo lãi suất sẽ hạ nhiệt dần sau thời điểm Tết dương lịch (thời hạn các ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm về mức 40%) và thậm chí sẽ có xu hướng giảm sau Tết âm lịch khi nguồn tiền dư thừa quay trở lại các ngân hàng. 

“Chúng tôi không thấy quá nhiều rủi ro đối với lãi suất trong năm sau, nhất là trong bối cảnh lạm phát có xu hướng hạ nhiệt và sẽ không tăng quá cao trong năm 2019 . Hiện dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2019 ở mức quanh 3,5% - tương đương năm 2018.”, nhóm phân tích khẳng định. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền ([Tên nguồn])
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN