“Đừng để dân bỗng dưng mất nhà”
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, tức thuộc về nhân dân nên không có lý do gì nhà nước lại thu hồi khi họ không hề vi phạm điều về pháp luật đất đai. Thắc mắc trên được nhiều đại biểu nêu ra tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 19/11 của Quốc hội.
Chỉ nên trưng dụng, trưng mua
Theo Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - đại biểu Trần Ngọc Vinh, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần xem xét lại một cách kỹ lưỡng cơ chế thu hồi đất. Bởi thực tế trong thời gian qua, không ít trường hợp, địa phương trên cả nước đã thu hồi quá nhiều đất để làm dự án, nhưng sau đó để hoang hóa, trong khi nông dân không có đất sản xuất, từ đó gây khiếu kiện kéo dài.
Trong khi đó, theo quy định của Hiến pháp 1992, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu chỉ được trưng mua, trưng dụng trong một số trường hợp cần thiết vì lợi ích quốc gia, an ninh, quốc phòng, tuyệt nhiên không có khái niệm thu hồi đất của dân. Luật Đất đai cũng cần phải trên cơ sở quy định của Hiến pháp.
Đại biểu Lê Trọng Sang cho rằng, quy định khi định giá đất phải "phù hợp" với giá thị trường là quá mù mờ.
Cũng theo đại biểu Vinh, luật sửa đổi sắp tới không nên dùng thuật ngữ cũng như áp dụng biện pháp thu hồi mà chỉ trưng mua đất đai của dân. Nhà nước chỉ thu hồi trường hợp cần thiết như an ninh quốc phòng. Đặc biệt dự luật phải sửa đổi toàn diện các quy định một cách cụ thể về thu hồi đất, tái định, đền bù cho người dân thay vì để chung chung như hiện nay. Luật sửa theo hướng tăng quyền cho nhà nước nhưng cũng phải tăng quyền lợi cho người dân.
“Thực tế có hộ gia đình được đền bù 400 triệu đồng khi nhà nước thu hồi đất, nhưng sau đó nhà nước thông báo luôn là diện tích đất thuộc khu tái định cư được phân lô có diện tích lớn hơn, nếu muốn có đất ở phải nộp thêm 300 triệu đồng. Thử hỏi người dân lấy đâu ra 300 triệu để nộp? Chúng ta đừng để người dân bị bần cùng hóa, đang có nhà bỗng dưng mất nhà!”, đại biểu Vinh nói.
Chúng ta chưa thừa nhận tư nhân hóa đất đai thì cũng phải tôn trọng quyền sử dụng của người dân. Hiện có tình trạng nhà nước thu hồi đất nhiều, nhưng không ít trường hợp cũng chưa biết để làm gì, gây lãng phí, bức xúc trong nhân dân. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình)
Cùng quan điểm trên, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, vấn đề sở hữu đất đai không thể xem nhẹ và quy định thiếu rõ ràng được. Luật quy định đất đai đã có chủ sở hữu thì không thể có đại diện được. Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) cũng nêu quan điểm, đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì mọi người phải có quyền tham gia định đoạt, nhà nước chỉ nên thu hồi đất vì an ninh, quốc phòng. Còn nếu quy định thêm thu hồi vì phát triển kinh tế cần phải quy định cụ thể, tránh tình trạng lạm dụng, trục lợi từ quy định này. Tốt nhất là chỉ áp dụng thu hồi đối với trường hợp vi phạm về đất đai. Các trường hợp còn lại nên trưng mua, trưng dụng.
Đại biểu Lê Trọng Sang (Tp.HCM) nói, việc thu hồi đất cần phải trên cơ sở bảo tồn tài sản, sinh kế tương đương của người dân. Do đó, việc ấn định giá đất nên chỉ là một phần trong toàn bộ thu hồi đất, quan trọng là phải làm sao để người hiến đất có một cuộc sống tương đương hoặc cao hơn nơi ở cũ. Nếu chúng ta dùng khái niệm hỗ trợ cho người dân thì cũng gần như là ban ơn cho họ.
Bên cạnh đó, đại biểu Sang đề nghị, cần sớm ban hành luật trưng thu, trưng mua vì giá đất thực tế hiện nay chênh lệch quá lớn với khung giá đất, trong khi nhà nước lại dùng khung giá này để bồi thường cho người dân nên dẫn đến khiếu kiện.
Đại biểu này kiến nghị, giá bồi thường phải là giá khi dự án được thực hiện chứ không phải là giá tại thời điểm có quyết định thu hồi đất.
Một số đại biểu khác cũng thống nhất nhìn nhận, dự thảo vẫn chưa tạo được bước đột phá, nhiều khái niệm vẫn chưa được làm rõ, chưa lý giải được căn cứ cho các quy định, cơ chế để thực hiện quyền sở hữu toàn dân như thế nào...
Thậm chí có đại biểu cho rằng, trong dự thảo, quan điểm sở hữu toàn dân, thuộc về nhân dân chưa được thể hiện rõ mà thay vào đó là thấy rõ quyền của nhà nước, của Chính phủ.
“Chúng ta chưa thừa nhận tư nhân hóa đất đai thì cũng phải tôn trọng quyền sử dụng của người dân. Hiện có tình trạng nhà nước thu hồi đất nhiều, nhưng không ít trường hợp cũng chưa biết để làm gì, gây lãng phí, bức xúc trong nhân dân” Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phát biểu. |
“Phù hợp” là quá mù mờ
Liên quan đến nội dung định giá đất khi đền bù cho người dân, nhiều đại biểu bày tỏ không thấy thuyết phục với việc sửa đổi quy định “giá đất sát giá thị trường” thành quy định “phù hợp với giá thị trường” trong dự thảo.
Theo các đại biểu, khái niệm “phù hợp” và “sát” trên thực tế cũng không khác nhau nhiều, vẫn là mơ hồ và khó xác định.
Hai đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) và Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) có chung nhìn nhận, thực tế hiện nay, người dân dù chỉ có quyền sử dụng đất đai nhưng họ luôn ngầm hiểu là chủ sở hữu. Do đó, luật pháp cần phải thừa nhận những quyền của người sử dụng đất như là quyền tài sản của họ. Nếu chúng ta không công nhận những quyền đó, có nghĩa là vẫn tồn tại một tình trạng “không chính danh”, mà theo đại biểu, đã là không chính danh thì dễ nảy sinh nhiều tiêu cực, bất minh.
Đặc biệt, theo đại biểu Lai, việc dự thảo đề cập giá đất do nhà nước quy định, phù hợp với giá thị trường là một quy định mâu thuẫn. Bởi lẽ, giá đất do nhà nước quy định là giá áp đặt chủ quan, trong khi giá thị trường là do thị trường quyết định. Đại biểu này cho rằng, “nhà nước không thể sống chung với thị trường, đã nhà nước thì thị trường vô nghĩa”.
Cùng suy nghĩ đó, đại biểu Lê Trọng Sang cho rằng, thay đổi từ “sát giá thị trường” sang “phù hợp với thị trường” cũng không sáng sủa gì hơn, tiếp tục tạo một sự mơ hồ mới.
Liên quan đến nội dung định giá đất khi đền bù cho người dân, nhiều đại biểu bày tỏ không thấy thuyết phục với việc sửa đổi quy định “giá đất sát giá thị trường” thành quy định “phù hợp với giá thị trường” trong dự thảo. |
Dẫn chứng được đại biểu này đưa ra là lâu nay, bảng giá đất được công bố chỉ bằng 30 - 60% giá thị trường. Hà Nội và Tp.HCM áp mức cao nhất trong bảng giá là 81 triệu đồng/m2, trong khi giá đất chuyển nhượng trên thực tế cao gấp 7 - 8 lần.
“Việc quy định như vậy khiến nhà nước thất thu còn người dân thì bị thiệt thòi quá mức, dẫn đến các phản ứng và khiếu kiện. Nguyên tắc mơ hồ này cũng là lý do dẫn đến quốc nạn tham nhũng”, đại biểu Sang nói.
Đại biểu này cũng đề xuất phải có sự phân biệt giá đất trước và sau khi có quy hoạch dự án bởi giá cả khác xa nhau. Ngoài ra, các tỉnh thành cũng cần chủ động trong vấn đề xác định giá đất thông qua việc cập nhật giá từng thửa đất căn cứ vào các giao dịch thực tế hàng năm, sau đó công bố công khai cho dân địa phương và báo cáo lên chính quyền cấp trên.
"Chênh lệch giữa giá thị trường trong điều kiện bình thường và giá mới sau quy hoạch là địa tô phát sinh. Nếu những khoản này minh bạch và thu về ngân sách thay vì rơi vào túi cá nhân thì dân sẽ ủng hộ", đại biểu Sang nói.