Sửa Luật Đất đai gây nhiều tranh cãi
Dự thảo luật đất đai sửa đổi đã gây nhiều tranh cãi khi được các đại biểu Quốc hội thảo luận cả ngày hôm qua (19-11).
Sở hữu toàn dân còn khiếm khuyết
Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng, Điều 14 tại dự thảo quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu là “phù hợp” với Hiến pháp và Nghị quyết 19 của Hội nghị trung ương 6 vừa qua về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai nhằm hiện đại hoá đất nước vào năm 2020.
Tuy vậy, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) muốn làm rõ hơn về chế độ sở hữu đất đai như trên vốn gây nhiều tranh cãi trong suốt những thập kỷ qua.
Ông Vẻ nói: “Quy định như vậy thì cũng chưa thực sự cụ thể, chưa có bước đột phá về việc gắn quyền lợi và trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng đất, đặc biệt là đất ở”.
Đại biểu này cho rằng, trên thực tế người sử dụng đất ở chưa được pháp luật công nhận dù họ có đầy đủ các quyền và chế độ sở hữu, một khi còn áp dụng khái nhiệm đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Ông đề nghị: “Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội có thể cân nhắc thêm, bổ sung thêm vào Điều 14 là đất ở thuộc sở hữu tư nhân, các loại đất khác thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu".
Luật đất đai có giải quyết được mâu thuẫn giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong quá trình phát triển.
Bảo vệ lợi ích người dân
Luật Đất đai sửa đổi là một trong mối bận tâm nhất của xã hội khi Việt Nam đang tăng cường thu hồi đất đai để phục vụ tiến trình công nghiệp hóa đất nước.
Do giá đền bù thấp và đời sống của người dân sa sút sau khi bị thu hồi đất,khiến số vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai ngày càng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, lên tới trên 70% tổng số vụ khiếu kiện trên toàn quốc.
Tuy nhiên, quy định về giá đất của dự thảo lần này chưa giải quyết được mâu thuẫn này khi nêu: “Giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường”.
Sửa đổi như trên, theo các vị đại biểu Quốc hội, không khác nhiều so với quy định trong luật hiện tại, rằng giá đất đền bù cho dân phải “sát với giá thị trường”.
Đại biểu Lê Trọng Sang (TPHCM) cho rằng, quy định mới có thể tiếp tục tạo ra sự mơ hồ cho chính quyền, doanh nghiệp, và người dân có đất bị thu hồi.
Ông đặt câu hỏi: "Phù hợp giá thị trường có gì khác với sát giá thị trường? Thế nào là phù hợp giá thị trường? Giá thị trường là thị trường ở thời điểm nào?".
Ông Sang nhận xét, theo quy định hiện hành, giá đất do Nhà nước quy định sát với giá thị trường, nhưng trên thực tế bảng giá đất công bố tại các địa phương chỉ bằng 30-60% giá thị trường.
Chẳng hạn, mức cao nhất trong bảng giá đất Hà Nội và TPHCM chỉ là 81 triệu đồng/m2, cũng là mức tối đa trong khung giá đất của Chính phủ. Trong khi đó, giá chuyển nhượng trên thị trường là vài trăm triệu đồng/m2.
Ông nói: “Sự chênh lệch ấy cho thấy ngân sách Nhà nước đã thất thu và tạo ra cảm nhận cho người bị thu hồi đất một sự thiệt thòi quá mức”.
Không thể quên quyền lợi nhà đầu tư
Trong khi đó, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) kiến nghị cần quan tâm đền quyền lợi của các chủ đầu tư. Ông trích dẫn Điều 55, Điểm h của dự thảo luật quy định về quyền thu hồi đất và không trả lại chi phí đã bỏ ra với đất mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.
Đại biểu này cho rằng, thu hồi đất mà không trả lại chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra “không phải là cách tốt nhất”.
Ông nói: “Hãy hình dung điều luật này được thông qua và có hiệu lực tại một thời điểm trong tương lai tương tự như thời điểm chúng ta đang ngồi đây thì việc gì sẽ xảy ra. Hàng ngàn dự án trên cả nước bị buộc phải thu hồi đất và không được bồi hoàn gì cả dù các chủ đầu tư gặp vô vàn khó khăn khách quan, không phải hoàn toàn do lỗi của họ gây ra. Chúng ta có nên làm tình hình phức tạp thêm như vậy không, mỗi dự án sử dụng đất đều có những thuận lợi, khó khăn riêng mà chúng ta không lường trước được".
Ông cho rằng, giúp một dự án vượt qua những khó khăn khách quan sẽ hiệu quả hơn là thu hồi không bồi hoàn và để lại nhiều hậu quả.
Đại biểu nói: “Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo luật đưa ra một giải pháp hợp lý hơn. Hầu hết các nước chống đầu cơ và lãng phí đất bằng thuế đất cao và phạt sai tiến độ, chứ không áp dụng biện pháp thu hồi đất không bồi hoàn, trừ những trường hợp đặc biệt. Chúng ta cũng có thể làm như vậy”.