Doanh nghiệp tư nhân mong nhất là được bình đẳng

Được coi là một tiếng nói kiên trì cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian dài, nguyên Thống đốc ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm chia sẻ với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về cảm nhận của ông trước thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông nói, được bình đẳng là nguyện vọng lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân.

Thưa ông, trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thời gian tới phải tập trung giải quyết hai vấn đề quan trọng là thực hiện giá thị trường đối với hàng hoá, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, xóa bỏ tình trạng độc quyền. Cảm nhận của ông?

Khi theo cơ chế kinh tế thị trường thì phải dứt khoát xoá bỏ độc quyền. Vừa qua chúng ta đã hội nhập vào thị trường nhưng sự thực vẫn làm theo kiểu hành chính, thậm chí có tính chất mệnh lệnh. Trong kinh doanh, có doanh nghiệp được ưu tiên, có doanh nghiệp không được, có doanh nghiệp độc quyền nên không thể bình ổn giá được. Đã độc quyền thì không cạnh tranh được, có doanh nghiệp đưa ra bao nhiêu tự quyết định bấy nhiêu, không có ai đối trọng để làm mất vị trí doanh nghiệp đó. Những việc như vậy dứt khoát ảnh hưởng tới nền kinh tế, làm kinh tế chậm lại.

Doanh nghiệp tư nhân mong nhất là được bình đẳng - 1

Giá điện tăng luôn gây ra lo ngại cho người dân. Ảnh: fica.vn

Chúng ta dù muốn hay không cũng hội nhập rồi, phải đi với thế giới. Nếu ta không theo thị trường thì không cạnh tranh được. Chúng ta tự đứng ra ngoài, một phía, không ai chơi với ta nữa.

Cần phải làm gì để hiện thực điều đó thưa ông?

Tôi cho là có ba việc cần làm ngay. Một là tất cả các quy chế, hướng dẫn, luật lệ văn bản để điều hành kinh tế phải theo nguyên tắc thị trường, để cung cầu điều hoà với nhau, với thị trường. Khi ra chính sách, cơ chế, chủ trương điều hành phải tôn trọng điều này, và đây là yếu tố quyết định.

Thứ hai, nói kinh tế thị trường thì phải có phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, trong chính sách tài khoá, tiền tệ, thương mại, đầu tư… thành một dàn, một trận địa, thành hệ thống chứ một anh làm một anh không thì mâu thuẫn, vênh nhau.

Thứ ba là Nhà nước không can thiệp, muốn chỉ đạo phải thông qua luật lệ, qua các quy chế, cơ chế, điều kiện pháp lý, chứ không phải làm cái này, cái kia, quyết nâng giá, hạ giá…

Thị trường là cung cầu điều tiết, để hình thành giá cả, thành ra sức cạnh tranh, thành chất lượng, thành yêu cầu của người tiêu dùng. Họ chấp nhận thị trường đo, lỗ lãi do thị trường đo, phát triển hay thu hẹp, hay phá sản là thị trường đo, cái đấy phải được tôn trọng.

Tuy nhiên, thị trường cũng cần có quản lý của Nhà nước theo pháp luật, có kiểm tra, kiểm soát thường xuyên. Anh nào làm đúng hay làm sai đều lấy pháp luật soi vào. Ai làm không đúng, vi phạm, luồn lách thì phải xử lý nghiêm, như thế cung cầu mới được đảm bảo vững chắc.

Nói vậy nhưng các tập đoàn nhà nước vẫn có ưu thế, thưa ông?

Chúng ta chống độc quyền là tạo cạnh tranh làm mạnh, tức là không để ai được chi phối mặt hàng hoặc thời kỳ nào đó. Họ tự tung tự tác, tự đưa ra giá mà không có ai cạnh tranh. Muốn giải quyết vấn đề này thì phải phát triển sản xuất kinh doanh rộng rãi, đồng bộ. Xăng dầu mà một anh kinh doanh thì dứt khoát độc quyền, nhưng nếu có 10 – 20 anh, anh nào làm tốt thì người ta theo. Điện, ximăng… cũng thế, các hàng hoá khác đều thế cả. Phải phát triển tự do, phát triển các thành phần, khơi dậy cho người ta bình đẳng, cùng điểm xuất phát.

Là một người đồng hành với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông mong muốn gì cho năm mới?

Tôi mong họ được bình đẳng, các doanh nghiệp tư nhân là những doanh nghiệp bị yếu thế. Trong khi những doanh nghiệp lớn hơn thì được ưu tiên, từ đất đai, tín dụng, thuế má, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm…

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng mong muốn có thay đổi cơ bản hệ thống thể chế hiện nay. Đặc biệt, các giải pháp đưa ra cần phải cụ thể hoá rất nhanh, trên cơ sở đánh giá thực tiễn, đưa ra cơ chế chính sách điều hành hợp với yêu cầu mà người ta chấp nhận được.

Trong lúc khó khăn, Nhà nước cần có hỗ trợ nhất định vào những chỗ, nhất là không phải do chủ quan người ta gây nên, như thiên tai, dịch bệnh, điều kiện…Thậm chí do sai của chính sách điều hành. Góp phần hỗ trợ một phần, giảm thuế, lãi suất tín dụng thấp hơn… để họ được tiếp sức, phấn đấu ngang bằng với doanh nghiệp khác, để vượt qua khó khăn và có cơ hội phát triển.

So với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân muốn có cạnh tranh lành mạnh, có cùng một điều kiện. Chẳng hạn như không phải doanh nghiệp nhà nước mới được tiếp cận vốn ODA, mặt bằng sản xuất…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Anh (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN