Dè dặt bơm vốn cho ĐBSCL
Mặc dù được hàng loạt ngân hàng tăng nguồn vốn cho vay nhưng nhiều mặt hàng chủ lực của ĐBSCL vẫn khó cạnh tranh trên thị trường.
Tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng khu vực ĐBSCL tính đến ngày 30-9 đạt 305.330 tỉ đồng (tăng 11,05% so với thời điểm ngày 31-12-2012), chiếm 9,24% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ở nhiều lĩnh vực, dư nợ cho vay tại khu vực ĐBSCL luôn đạt cao, như thu mua lúa gạo (đạt 21.667 tỉ đồng), thủy sản (36.526 tỉ đồng)… Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết tổng dư nợ của BIDV tại ĐBSCL tính đến hết quý III đạt hơn 25.000 tỉ đồng, chiếm 6,6% tổng dư nợ của BIDV. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), tổng dư nợ cho vay tại khu vực này đạt 80.818 tỉ đồng. Còn theo ông Nguyễn Văn Du, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank): “Tính đến ngày 31-10, dư nợ của VietinBank tại ĐBSCL là 35.000 tỉ đồng. VietinBank đã triển khai nhiều chương trình cho vay các lĩnh vực phát triển với lãi suất giảm từ 1%-4,5%/năm”.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho rằng lãi suất cho vay ở ĐBSCL đã về mặt bằng thời điểm năm 2005, 2006, giúp doanh nghiệp (DN) có chi phí vốn rẻ hơn để lập kế hoạch kinh doanh ổn định.
Ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra luôn được các ngân hàng ưu tiên cho vay vốn nhưng cũng lắm rủi ro.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, phản ánh: Lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái là thế mạnh của ĐBSCL và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước. Nhưng các sản phẩm này luôn đối mặt với rủi ro khi tình trạng được mùa mất giá thường xuyên xảy ra; nông dân và DN lại thiếu liên kết. Ngoài ra, chi phí đầu vào tăng cao, sản xuất kinh doanh thiếu quy hoạch đồng bộ, cạnh tranh không lành mạnh… đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN cũng như uy tín của ngân hàng. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Du nêu khó khăn: “Việc quy hoạch đầu tư phát triển từng vật nuôi, cây trồng tại khu vực này còn bất cập. Chưa có kế hoạch đầu tư dài hạn, DN chỉ chú trọng lợi nhuận trước mắt trong khi năng lực tài chính còn nhiều yếu kém, báo cáo tài chính chưa minh bạch nên không dễ tiếp cận vốn từ các ngân hàng”.
Trước những khó khăn trên, NHNN đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, triển khai chính sách khuyến khích đầu tư, tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. “Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần quy hoạch lại việc nuôi trồng, chế biến, phân loại DN thủy sản có uy tín và năng lực nhằm giúp các ngân hàng điều chỉnh nguồn vốn chảy vào các DN nói trên, bảo đảm phát triển ngành thủy sản có trọng tâm, hạn chế rủi ro tín dụng cho ngân hàng” - ông Trần Bắc Hà kiến nghị.
Cho vay các dự án lớn Theo NHNN, nhiều dự án lớn tại ĐBSCL được các ngân hàng tích cực cho vay như Nhà máy Đạm Cà Mau có tổng mức đầu tư 900,2 triệu USD, trong đó vốn vay là 630 triệu USD (vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam 180 triệu USD, vay VietinBank 220 triệu USD, vay tín dụng xuất khẩu 230 triệu USD). VietinBank còn đầu tư khoảng 500 dự án với tổng vốn 10.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ngành ngân hàng tiếp tục tham gia đầu tư vào các dự án về giao thông trọng điểm và cơ sở hạ tầng của các địa phương trong vùng ĐBSCL. |