Có nên dỡ trần lãi suất 0% tiền gửi USD?

Từ 1/6, doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ được phép vay USD rồi bán đi để dùng tiền đồng (VND). Ba lần “đóng” rồi lại “mở” cho vay - bán ngoại tệ (từ 2012 đến nay), doanh nghiệp đang trông đợi một chính sách dài hạn, ổn định. Cùng lúc, có đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên “dỡ” trần lãi suất USD 0%, nâng lãi suất tiền gửi ngoại tệ.

Có nên dỡ trần lãi suất 0% tiền gửi USD? - 1

Cửa vay ngoại tệ mở khiến cầu sẽ tăng mạnh, NHNN có nên tính đến nâng lãi suất tiền gửi USD. Ảnh: Như Ý.

Mở cửa vay - Cơ hội ngắn 

Công ty TNHH Niềm Tin là doanh nghiệp (DN) nhỏ chuyên sản xuất hương xuất khẩu với doanh số xuất khẩu khoảng 3 triệu USD/năm (Hải Dương). Vài ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 07, công ty lập tức đề nghị LienVietPostBank - ngân hàng đang có quan hệ tín dụng mở lại cho vay ngoại tệ. 

Với hạn mức tín dụng 10 tỷ đồng,  quy ra ngoại tệ, tối đa công ty sẽ được vay 500.000 USD.  Tuần này, công ty vừa được giải ngân khoản vay 50.000 USD lãi suất 4,5%/năm. Tất nhiên, đi kèm là yêu cầu phải bán lại ngoại tệ cho ngân hàng ngay khi có dòng tiền về.

Anh Trần Minh Hiển, lãnh đạo Công ty TNHH Niềm tin cho biết, dù cửa vay ngoại tệ chỉ mở từ nay đến hết 31/12/2016, nhưng thực sự cứu cánh và tạo cơ hội ngắn cho DN. Với việc chênh lệch giữa lãi suất USD và VND khoảng 3-3,5%, chi phí giá vốn vay rẻ 3%.

 “Mặt hàng hương bên tôi chủ yếu xuất đi Ấn Độ và Pakistan; đợt rồi cạnh tranh với hàng bên Trung Quốc nhiều cho nên tỷ suất lợi nhuận rất thấp, suýt nữa phải tính đến việc tạm ngừng sản xuất. Nhưng nghĩ đến 200 lao động thường xuyên có thu nhập gần 4 triệu đồng/người nên chúng tôi lại cố gắng cầm cự. May cửa cho vay trở lại được mở kịp thời”, anh Hiển nói.

Tổng giám đốc Công ty Á Châu là một DN trong lĩnh vực xuất khẩu hàng mây tre đan với thị trường chủ yếu Đông Bắc Á, Nhật Bản và Mỹ. Mặt hàng này đang phải cạnh tranh với hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc rất nhiều. Tranh thủ chính sách cho vay lại USD của NHNN, Công ty Á Châu vừa thực hiện khoản vay 100.000 USD với lãi suất  3,5%/năm. Nếu không được vay ngoại tệ, anh Thắng nhẩm tính cuối năm, tỷ suất lợi nhuận cả năm của DN sẽ bớt đi từ 1-1,5% trong khi tổng tỷ suất lợi nhuận chỉ tối đa 6%.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký  Hiệp hội thủy sản Việt Nam cho biết, các DN xuất khẩu thủy sản đánh giá rất cao NHNN đã lắng nghe. Vấn đề theo ông Hoè là, DN có nguồn thu ngoại tệ để tái tạo lại trả nợ vay ngân hàng và điều đó khiến thị trường yên tâm không lo mất cân đối cung- cầu (ít nhất trong số các khoản vay). “Bốn tháng đầu năm, doanh số XNK thủy sản đạt 2,1 tỷ USD và kế hoạch xuất khẩu 7 tỷ USD năm 2016 chắc chắn đạt”, ông Hòe khẳng định.

Nên nâng lãi suất USD lên mức 0,25-0,5%

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay ngoại tệ USD đang ở mức 3,5-5,5%/năm tùy theo từng kỳ hạn. Cá biệt, Vietcombank có nguồn rẻ lãi suất vay USD chỉ 2%/năm cho kỳ hạn ngắn. Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn một ngân hàng thừa nhận, chính sách mới đã khiến các DN xuất khẩu dễ thở.

TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch LienVietPostBank lưu ý: NHNN đang duy trì trần lãi suất huy động USD ở mức 0%, nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, nhưng dù muốn hay không, vẫn cần một lượng cung ngoại tệ ổn định. “Có thể lãi suất USD phải sửa đổi nâng lên trên 0% để lượng USD vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn. Từ đó có cơ hội nới lỏng kinh doanh cho DN”, ông Hưởng đề xuất.

Thời gian qua, trần lãi suất huy động USD áp 0%/năm khiến các khoản tiền gửi ngoại tệ được chuyển về dạng không kỳ hạn, tiền gửi thanh toán. Các ngân hàng cũng vì thế phải “lách” trần huy động hay tìm cách vay từ nước ngoài. 

Việc nâng lãi suất lên trên 0% sẽ tạo động lực kéo nguồn ngoại tệ nhàn rỗi về ngân hàng, giúp DN có cơ hội tiếp cận vốn ngoại tệ. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu gợi ý  NHNN nên xem xét nâng lãi suất huy động USD lên mức như trước khi điều chỉnh là 0,25%- 0,5%/năm thay vì 0%/năm hiện nay. 

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện giá (Học viện Tài chính -Bộ Tài chính) lại quan ngại, nếu “dỡ” trần lãi suất thời điểm này, thị trường sẽ kỳ vọng và lập tức phục hồi tâm lý găm giữ ngoại tệ. Trong khi, nhờ một phần nguồn vốn ngoại tệ rẻ từ huy động trên thị trường mà ngân hàng đang giữ lãi suất cho vay USD rẻ kéo theo lãi suất VND không bị “hành”. 

“Hiện tín dụng ngoại tệ chỉ chiếm 10% còn 90% là tiền đồng. Với nhu cầu 5 triệu tỷ đồng tín dụng mỗi năm chỉ cần hạ được 1% lãi suất, đã tiết kiệm cả trăm ngàn tỷ đồng cho nền kinh tế. Cho nên việc dỡ trần hay không, rất cần sự xem xét thận trọng”, ông Độ  lưu ý.

Tròn 10 ngày sau khi Thông tư 07 Ngân hàng Nhà nước ban hành với điểm nhấn mở lại việc cho vay ngoại tệ với các DN xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ, lập tức các nhà băng đã mở cửa đón tiếp khách hàng. Cùng với việc một lượng lớn ngoại tệ được rót ra, và đón thông tin Cục dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, tỷ giá trên thị trường những ngày đầu tháng 6 “rung lắc” nhẹ. Lập tức, NHNN  bán ròng một lượng ngoại tệ (Từ đầu năm 2016 đến nay, NHNN đã tăng dự trữ ngoại hối khi mua thêm 7 tỷ USD). 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN