Chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở XH đang gặp khó

Đã 4 tháng chính sách cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm ra đời nhưng đến nay vẫn không biết lấy nguồn tiền ở đâu để triển khai. Trong khi chỉ còn 3 tháng nữa chính sách này hết hiệu lực. Rất có thể, thêm một lần chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội bị đổ bể.

Chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở XH đang gặp khó - 1

Rất có thể, thêm một lần chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội bị đổ bể. Ảnh minh họa

Không bố trí được nguồn vốn

Dù kết quả gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng cho người nghèo, người thu nhập thấp mua nhà không mấy lạc quan nhưng khi gói hỗ trợ này kết thúc, không ít người lo lắng bởi giấc mơ sở hữu nhà tiếp tục trở nên xa vời. Tuy nhiên, một tin mừng đến với người dân khi ngay lập tức có Quyết định 1013/2016 của Chính phủ về mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Theo đó, người thu nhập thấp, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức… mua nhà ở xã hội tại ngân hàng này sẽ chỉ phải chịu mức lãi suất 4,8%/năm. Quyết định này áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016 và có hiệu lực đến hết ngày 31.12.2016. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, chính sách này ra đời đã 4 tháng nhưng cho đến nay vẫn chưa biết nguồn vốn để thực hiện chương trình này sẽ lấy từ đâu. Trong khi đó, ngày 31.12.2016 chính sách này sẽ hết hiệu lực.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành nhận định đây là vấn đề khó khăn và nguồn vốn từ đâu để thực hiện rất khó trả lời. Trong khi chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc chương trình, chính sách sẽ không đi vào thực tiễn.

Theo ông Đực, trước đây nhiều người dân và doanh nghiệp đã đánh cược theo gói 30.000 tỉ đồng, giờ lại thấp thỏm chờ đợi để vay vốn với lãi suất ưu đãi 4,8% khiến cho người dân không có nhà, các dự án bị dang dở.

“Người dân có khó khăn của người dân, doanh nghiệp có cái khó của doanh nghiệp. Trước mắt là doanh nghiệp không bán được hàng, những dự án nhà ở xã hội sau này sẽ không còn người mua bởi những ưu đãi đó không còn. Nhiều dự án đang thi công dở dang mà doanh nghiệp không bán được thì dễ “chết”, có thể gây hoảng loạn cho thị trường bất động sản” – ông Đực nói.

Trong cuộc họp vào tháng 7 vừa rồi, chính Bộ Xây dựng cũng cho rằng việc bố trí nguồn vốn đầu tư công để cấp bù lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội không nằm trong quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng về tiêu chí cũng như hạn mức cấp. 

Đồng thời, ngân sách nhà nước hiện không đủ khả năng cân đối nên đề nghị Chính phủ giao việc lo nguồn vốn ngoài ngân sách thực hiện chương trình cho Bộ Xây dựng và Ngân hàng Chính sách xã hội. Do đó, nguồn vốn cho chương trình này cũng không biết lấy từ đâu.

Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 3923/BKHĐT-KCHTĐT ngày 23.5.2016 nêu lý do "Ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn”. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan có liên quan huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Không có vốn phải hỗ trợ chính sách

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), hiện nay, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội đang bị ách tắc trên thực tế do chưa bố trí được nguồn vốn từ ngân sách do đang có những ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành.

Do vậy, ông Châu đề xuất phương án Chính phủ cần giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét bố trí khoảng từ 500 - 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách trong năm 2016 để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Còn ông Nguyễn Văn Đực cho rằng Nhà nước phải giúp doanh nghiệp làm nhà ở xã hội theo phương thức thương mại. Nhà nước không có tiền thì phải có biện pháp hành chính. Nếu không thì người dân không có nhà, doanh nghiệp muốn làm nhà giá rẻ cũng không được.

Ông Đực đề xuất, có thể cho làm nhà 20-25m2 thay vì 40m2 để người dân mua nhà dễ dàng hơn. Thay vì mua nhà 40m2 được lãi suất thấp thì mua 20-30m2 lãi suất cao cũng được. Chứ mua nhà diện tích cao thì dù lãi suất thấp thì người dân cũng không mua được. 

“Cần phải có một lối ra cho người thu nhập thấp. Việc hỗ trợ lãi suất 4,8% rất khó thực hiện, Nhà nước cũng đóng cửa về thủ tục làm nhà diện tích nhỏ thì người dân khó có thể có nhà. Nếu không hỗ trợ được bằng tài chính thì phải hỗ trợ bằng chính sách để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như người dân” – ông Đực nhấn mạnh. 

Như vậy, nếu không nhanh chóng bố trí nguồn vốn thì chính sách này xem như đổ bể, giấc mơ sở hữu nhà càng trở nên xa vời đối với người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Long (Một thế giới)
Ngừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN