CEO ngân hàng bị bắt gây rúng động phố Wall Trung Quốc

Các nhà phân tích nói với tờ Bloomberg rằng có thể coi sự khủng hoảng của Dân Sinh hiện tại là một cơ hội tốt để tiến hành "thôn tính".

Chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" của ông Tập Cận Bình mới đây đã đặt bước chân đầu tiên nhằm vào Phố Wall Trung Quốc: điều tra cựu CEO của một trong những ngân hàng lớn nhất trong nước.

Hiện giờ, những cổ đông cấp cao của Ngân hàng Dân Sinh Trung Quốc đang bị tạm giam để phục vụ điều tra. Cuối tuần này ngân hàng sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn. Cổ đông lớn nhất - Công ty Bảo hiểm Anbang cho biết họ sẽ không bán bất kỳ cổ phiếu nào, thậm chí còn mua thêm. Tháng trước, tiền vốn của Anbang đã tăng lên 20% và họ cần thêm 5% nữa mới có thể giành quyền tiếp quản ngân hàng.

CEO ngân hàng bị bắt gây rúng động phố Wall Trung Quốc - 1

 Ông Mao Hiểu Phong - cựu giám đốc điều hành của Ngân hàng Dân Sinh- ngân hàng lớn của Trung Quốc

Trước đó, Anbang đã mua lại khách sạn hạng sang nổi tiếng Waldorf Astoria của Hilton. Có thể ví sự tăng trưởng của công ty này như cây cỏ dại khi họ liên tục thu mua các tài sản từ Mỹ đến Bỉ. Anbang được thành lập từ 7 công ty năm 2004, có 2 doanh nghiệp nhà nước lớn, Tập đoàn ô tô Thượng Hải và Tập đoàn Hóa chất và Dầu mỏ Sinopec.

Các nhà phân tích nói với tờ Bloomberg rằng Anbang có thể coi sự khủng hoảng của Dân Sinh hiện tại là một cơ hội tốt để tiến hành "thôn tính".

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, chắc chắn tiếp theo sẽ đến lượt nhiều người khác của Phố Wall Trung Quốc bị bắt giữ. Điều này cũng rất giống với những gì đã xảy ra ở lĩnh vực dầu mỏ của nước này năm ngoái, khi nhiều quan chức cấp cao bị bãi nhiễm vì nhiều vi phạm - nằm trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trong hơn 72 giờ qua, vị CEO ngân hàng trẻ tuổi nhất Trung Quốc đã buộc phải từ chức do liên quan đến chiến dịch bài tham nhũng trên diện rộng của chính phủ. Sự việc này khiến cổ phiếu của công ty giảm hơn 10% trên thị trường chứng khoán Hong Kong.

Giám đốc điều hành Mao Hiểu Phong của Ngân hàng Dân Sinh - doanh nghiệp 3 tỷ USD và được coi là ngân hàng tư nhân đứng đầu Trung Quốc. Ở tuổi 42, ông đã gặt hái nhiều thành công và có mối quan hệ gần gũi với cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Thông qua cơ quan truyền thông quốc gia Tân Hoa Xã, phát ngôn viên của ngân hàng đã thừa nhận về sự vắng mặt của ông Mao và tuyên bố ngân hàng không liên quan đến vụ việc này: “Ngân hàng Dân Sinh Trung Quốc đã nhận được thông báo từ phía truyền thông những tin tức liên quan đến Chủ tịch Mao Hiểu Phong. Theo những gì chúng tôi biết, đây là vấn đề cá nhân và không liên quan đến hoạt động của ngân hàng”.

Theo đó, tạp chí tin tức tài chính Tài chính Kinh tế (Trung Quốc) đưa tin rằng ông Mao đã hợp tác cùng ông Lệnh Kế Hoạch - nguyên Chánh văn phòng Trung ương Đảng, thân tín của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Ông Lệnh bị cáo buộc là đứng đầu một tổ chức mà theo cách gọi của các quan chức chống tham nhũng là “Sơn Tây Hội” - nhóm các chính trị gia siêu tham nhũng của tỉnh phía bắc này.

Ông Mao bị cáo buộc cung cấp chức vụ giả trong Ngân hàng Dân Sinh cho vợ của hai lãnh đạo đảng bị cách chức và đang trong quá trình điều tra. Một người là vợ của ông Lệnh Kế Hoạch còn người kia là vợ của phó chủ tịch của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Tô Vinh. Cả ông Lệnh và ông Tô đều có quan hệ mật thiết với cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Tạp chí này cũng cho biết, chính quyền đã “tóm” ông Mao ngày 27/1, đó cũng là lúc ông này ngừng liên lạc với các nhà báo.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huỳnh Linh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN