Các NH phản ứng về bảng xếp hạng của CRV
Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank – MSB) là nhà băng mới nhất đưa ra quan điểm chính thức về thông tin xếp hạng chỉ số tín nhiệm của Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm Doanh nghiệp Việt Nam (CRV) công bố cuối tuần qua.
Theo lãnh đạo MSB, việc xếp hạng chỉ số tín nhiệm doanh nghiệp là một công cụ cần thiết, giúp minh bạch thông tin đối với các khách hàng. Tuy nhiên, chỉ số này chỉ đáng tin cậy khi tổ chức đánh giá là một đơn vị có uy tín, đủ nghiệp vụ và chức năng, đủ thông tin và đưa ra được các tiêu chí toàn diện và phù hợp.
Nếu không hội tụ đủ các yếu tố này, chỉ số được đưa ra có thể sai lệch, không trung thực, làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng tới tâm lý của khách hàng cũng như quyền lợi của những doanh nghiệp được đánh giá.
MSB cho rằng, bảng xếp hạng của CRV thiếu sót đáng kể ở ngay cơ cấu các ngân hàng có mặt. Cụ thể, chỉ có 32 ngân hàng được xếp hạng, thiếu vắng rất nhiều nhà băng như SCB, TienPhong Bank, LienVietPostBank, TrustBank, G.P Bank… Thậm chí, không hiểu vì lý do gì, CRV bỏ qua cả một “ông lớn” là Agribank.
“Các tiêu chí đưa ra xếp hạng căn cứ trên số liệu từ nguồn nào, có đáng tin cậy và đã được kiểm soát bởi các cơ quan chức năng chưa? Nếu so sánh bảng xếp hạng lần này với bảng xếp hạng tín dụng của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước hồi đầu năm thì quá khác biệt”, một lãnh đạo CRV đặt câu hỏi và bình luận thêm, uy tín của bản thân doanh nghiệp đứng ra xếp hạng là CRV đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Theo MSB, các chỉ tiêu hoạt động của Ngân hàng trên thực tế luôn được Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao. Ngân hàng thuộc nhóm G12, nhóm các ngân hàng lớn chi phối 85% thị phần cả nước và cũng được xếp nhóm các ngân hàng được cấp hạng mức tín dụng cao nhất trong năm 2012. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tháng 7/2012 của MSB là 12,9%, tạm tính của tháng 8 là 12,41% (so với yêu cầu 9% của Ngân hàng Nhà nước).
Trước đó, nhiều ngân hàng bị xếp hạng có năng lực cạnh tranh thấp (C và D) đã lên tiếng phản ứng kết quả xếp hạng của CRV, với lý do kết quả không xác thực và đơn vị xếp hạng đã không hề liên lạc, tiếp xúc hay phỏng vấn họ trước đó. Điều này khác với cách làm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thị trường như như Moody's, khi các tổ chức này thường làm việc rất kỹ lưỡng, chi tiết với tổ chức tín dụng trước khi công bố kết quả.
Lãnh đạo một ngân hàng khác cũng chỉ ra sự “vênh” nhau giữa kết quả xếp hạng của CRV với kết quả phân nhóm ngân hàng để giao chỉ tiêu tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã công bố. Nhiều ngân hàng được giao chỉ tiêu tín dụng cao nhất (thuộc nhóm 1) thì chỉ thuộc hạng C (gần thấp nhất) trong bảng xếp hạng của CRV. Điều này, theo lãnh đạo các ngân hàng, là bởi tiêu chí xếp hạng của CRV chưa rõ ràng, cách làm chưa khoa học, dẫn đến kết quả không khách quan, khó thuyết phục được các ngân hàng.
Được biết, một số ngân hàng sẽ chính thức có ý kiến với đơn vị xếp hạng và gửi công văn lên Ngân hàng Nhà nước về kết quả xếp hạng này.
Trong một diễn biến khác, đại diện Hội đồng khoa học Công ty CRV cũng đã thừa nhận, các tác giả của báo cáo này không liên hệ, tiếp xúc với các ngân hàng trong suốt quá trình nghiên cứu. Theo đó, số liệu được sử dụng trong bản báo cáo được lấy từ báo cáo tài chính công khai của các ngân hàng, và vị này cũng cho rằng đây là một báo cáo độc lập, chỉ mang tính một tài liệu tham khảo.
Bức thư ngỏ của lãnh đạo Công ty CRV gửi độc giả cũng thừa nhận, báo cáo xếp hạng “còn có những điểm chưa hoàn thiện và chưa phản ánh đúng tình hình thực tế về năng lực cạnh tranh của các ngân hàng".
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng biên soạn cho biết, các tác giả “đã áp dụng những phương pháp đánh giá của thế giới vào điều kiện Việt Nam mà chưa tính đến đặc thù của thị trường tài chính ngân hàng trong nước".
Bình luận về bảng xếp hạng của CRV và phản ứng của các nhà băng, một chuyên gia cho rằng, hoạt động ngân hàng thương mại là một hoạt động kinh doanh có điều kiện đã được pháp luật quy định. Nếu để đánh giá chính xác về sức khỏe của các ngân hàng, hiện chỉ có Cơ quan thanh tra - giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện, vì họ có đầy đủ chức năng và thông tin, số liệu chính xác về hoạt động của từng ngân hàng. Tuy vậy, cái khó là hiện cũng không có quy định nào cấm các tổ chức độc lập công bố xếp hạng.
“Vì thế, khi đánh giá, xếp hạng một lĩnh vực nhạy cảm, có ảnh hưởng quan trọng đến nền kinh tế như hoạt động ngân hàng, các tổ chức độc lập rất cần nâng cao trách nhiệm, có sự giải trình, phân tích rõ ràng, khách quan, đặc biệt là phải có sự so sánh, đối chiếu với các thông số chính thức từ cơ quan quản lý để tăng tính thuyết phục, tránh những tác động không mong muốn”, vị này bình luận.
Đến trưa nay (11/9), Ngân hàng Nhà nước chưa có thông điệp chính thức nào về bản xếp hạng này.
Ngày 8/9, lễ công bố báo cáo thường niên chỉ số tín nhiệm Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. Đây là báo cáo thường niên (đã tiến hành sang năm thứ 3) do Công ty cổ phần xếp hạng tín nhiệm Việt Nam (CRV) thực hiện. Báo cáo năm 2012 có một chương hoàn toàn mới là kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh của 32 ngân hàng thương mại. Theo đó, CRV xếp hạng các nhà băng theo 4 hạng: A (hạng cao nhất - với chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhất), B, C, D. Nhóm A gồm những ngân hàng có năng lực cạnh tranh cao. Thường các ngân hàng này là các tổ chức với sức mạnh thị trường lớn, năng lực tài chính ổn định, hoạt động kinh doanh hiệu quả và tiềm năng phát triển dài hạn. Hạng B gồm ngân hàng có khả năng cạnh tranh khá. Thường các ngân hàng này là những tổ chức có sức mạnh thị trường tốt, có năng lực tài chính hợp lý và hoạt động kinh doanh ổn định với niềm năng phát triển tốt. Hạng C là những ngân hàng có năng lực cạnh tranh trung bình. Thường các ngân hàng này có sức mạnh thị trường hạn chế nhưng đem lại giá trị cho ngân hàng. Ngân hàng có năng lực tài chính chấp nhận được và hoạt động kinh doanh ổn định, hoặc có năng lực tài chính tốt với hoạt động kinh doanh kém ổn định hơn. Hạng D là ngân hàng có năng lực cạnh tranh hạn chế. Những ngân hàng này thường bị hạn chế bởi một hoặc nhiều hơn những yếu tố sau: Mạng lưới kinh doanh yếu, sức mạnh thị trường yếu, năng lực tài chính chấp nhận được và hoạt động kinh doanh kém ổn định. |