Bốc hơi gần 34 nghìn tỷ đồng vì tin đồn

Tin đồn thất thiệt Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt khiến thị trường chứng khoán ngày 21-2 rơi vào hoảng loạn. Theo tính toán của các chuyên gia thì chỉ trong một ngày thị trường đã bốc hơi gần 34.000 tỷ đồng…

Thiệt hại đổ lên đầu nhà đầu tư nhỏ lẻ

Sau khi tin đồn được lan truyền, thị trường chứng khoán ngay lập tức có những phản ứng tiêu cực. Nhiều nhà đầu tư đặt lệnh bán tháo đẩy thị trường lao dốc không phanh, chỉ số Vn-Index giảm 18 điểm, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ 21-8-2012. Tiêu cực hơn, HNX-Index giảm dần dần kể từ đầu phiên và tăng tốc mạnh trong phiên chiều 21-2. Đóng cửa, chỉ số này cũng có mức giảm mạnh nhất trong 3 năm qua với mức giảm 3,66 điểm (5,3%) xuống 63,45 điểm.

Chị Lê Minh Tâm - một nhà đầu tư trên sàn FPTS cho biết, khi tin đồn lan nhanh trong chiều 21-2 thì nhà đầu tư chỉ còn cách đặt lệnh bán ra để giảm tỷ trọng sử dụng đòn bẩy tài chính. Kể từ thời điểm cuối năm 2012 khi thị trường khởi sắc trở lại thì việc các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cũng tăng lên. “Chưa biết thực hư nhưng nhìn cảnh các nhà đầu tư đua nhau bán tháo khiến thị trường hoảng loạn, để phòng ngừa rủi ro tôi cũng đưa lệnh chốt bán ở mức giá sàn. Tuy nhiên, khi tỉnh táo nhìn lại có thể thấy nhiều “tay to”, các quỹ, tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài lại mua vào rất mạnh”, chị Tâm chia sẻ.

Bốc hơi gần 34 nghìn tỷ đồng vì tin đồn - 1

Một nhà đầu tư tiếc nuối sau khi vội bán quá nhiều cổ phiếu vì chạy theo tin đồn (ảnh chụp tại một quán cà phê trên đường Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội chiều 22-2)

Theo các chuyên gia phân tích, mức độ ảnh hưởng của tin đồn trong phiên giao dịch ngày 21-2 là rất lớn. Cụ thể là thiệt hại đối với từng nhà đầu tư do sự thay đổi giá trong cùng một phiên, từ giá trần xuống giá sàn. Thống kê dữ liệu từ 2 sở giao dịch cho thấy tổng giá trị vốn hoá thị trường (HOSE và HNX) trong phiên giao dịch ngày 21-2 đã “bốc hơi” tổng cộng 33.789 tỷ đồng, tương đương 1.6 tỷ USD so với ngày hôm trước (trong đó HOSE là 28.916 tỷ đồng). Trong khi nhà đầu tư chịu thiệt hại tới 20% thì những người tung tin đồn thu lợi cũng chính bằng mức đó. Không chỉ gây thiệt hại lớn về mặt tài chính, những tin đồn nguy hại sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới tâm lý của các nhà đầu tư và thị trường khó có thể lấy lại những gì đã mất trong một vài phiên giao dịch.

Củng cố niềm tin

Sau khi những thông báo chính thức từ phía BIDV và các cơ quan chức năng được phát đi, phiên giao dịch hôm qua (22-2), nhà đầu tư đã trấn tĩnh trở lại, phản ứng tích cực này đã giúp thị trường mua bán sôi động và thanh khoản đạt mức cao.

Trong phiên giao dịch buổi sáng, thị trường bật tăng trong khoảng thời gian từ khi mở cửa tới 10h, tuy nhiên sau đó thị trường lại bất ngờ quay đầu giảm điểm. Đây là hệ quả của tâm lý hoài nghi, chốt lời. Chỉ số VN-Index đóng cửa giờ sáng ở mức 474,66 điểm, giảm 2,07 điểm so với cuối ngày giao dịch hôm trước, tổng giá trị giao dịch phiên sáng đạt 1.155 tỷ đồng. Trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,44 điểm về mức 63,01 điểm, với 704 tỷ đồng giá trị chứng khoán được chuyển nhượng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22-2, chỉ số Vn-Index tăng 0,2% lên mức 477,69 điểm, giá trị khớp lệnh đạt hơn 1.447 tỷ đồng, nhà đầu tư đã mạnh dạn hơn trong mua vào, dù lượng bán ra vẫn còn lớn. Trên HNX, chỉ số HNX-Index đóng cửa ngày ở mức 61,12 điểm, tăng 1,06%, với tổng giá trị khớp lệnh 938 tỷ đồng.

Chuyên viên phân tích Công ty CP Chứng khoán Vn-Direct nhận định, tâm lý thị trường đã phần nào ổn định, hai chỉ số Vn-Index và HNX-Index vẫn có khả năng tăng điểm. Tuy nhiên mức độ tăng trong giai đoạn này sẽ kém hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Phiên giao dịch ngày 21-2 cho thấy thị trường phản ánh rất nhạy cảm với thông tin và niềm tin trong thị trường hiện tại khá mong manh. Khuyến nghị được đưa ra dành cho khách hàng trong giai đoạn này là không nên sử dụng đòn bẩy. Với những nhà đầu tư thận trọng thì có thể giữ tỷ lệ cổ phiếu thấp còn đối với những nhà đầu tư muốn mua vào trong giai đoạn này nên chọn những mã có tính chất “phòng thủ”.

Xu hướng của thị trường chưa thực sự rõ ràng mặc dù các tin đồn đã được khẳng định là sai sự thật. Nhận định của Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng, song song với bộ phận nhà đầu tư đã mạnh dạn bắt đáy thì vẫn có nhiều người tỏ ra phân vân, thận trọng với xu thế tiếp theo của thị trường trong ngắn hạn. Giao dịch mặc dù sôi động song tâm lý hoài nghi cùng với sự nhạy cảm với tin đồn thất thiệt đã khiến cho thị trường liên tục biến động trong biên độ lớn mà không có một xu hướng rõ ràng nào được thể hiện. Ngoài những thông tin phủ định các tin đồn đã ảnh hưởng đến thị trường trong phiên giao dịch trước thì vẫn chưa xuất hiện thông tin tích cực đủ mạnh để có thể giúp nhà đầu tư nhanh chóng ổn định tâm lý.

Yêu cầu rà soát toàn bộ giao dịch

Ngay trong ngày hôm qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát đi công văn đề nghị các Sở giao dịch chứng khoán phối hợp với Trung tâm lưu ký Chứng khoán rà soát toàn bộ các giao dịch trong thời gian gần đây. Đặc biệt là phiên giao dịch ngày 21-2, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các hành vi tung tin đồn, đầu cơ trục lợi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hùng Anh (Anh ninh Thủ đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN