Vụ tráo thủy tinh thể: Không thể dùng chung chất nhầy
Chất nhầy này được sử dụng trong phẫu thuật và lau rửa. Trong khi rửa mắt cho bệnh nhân chẳng ai lại hứng lấy chất nhầy rửa trôi kia để sử dụng lại lần nữa.
Vụ việc "đánh tráo" thủy tinh thể ở Bệnh viện Mắt Hà Nội vẫn gây xôn xao dư luận đặc biệt là các bệnh nhân đã từng thay thủy tinh thể ở đây vô cùng lo lắng về chất lương thủy tinh thể mình đã thay sẽ ra sao.
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Anh -khoa chấn thương mắt, Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, việc lo lắng của bệnh nhân hoàn toàn có căn cứ. Tuy nhiên không phải bệnh nhân phẫu thuật thủy tinh thể xong mắt bị mờ là do chất lượng của thủy tinh thể kém.
Theo quy định của Bộ Y tế, thủy tinh thể nhập khẩu vào Việt Nam đều đảm bảo chất lượng. Vụ việc gây xôn xao dư luận vì thủy tinh thể đắt rẻ, chệnh nhau cả triệu đồng là do thương hiệu của thủy tinh thể chứ không phải do chất lượng kém của thủy tinh thể.
Khi rửa mắt cho bệnh nhân chẳng ai lại hứng lấy chất nhầy rửa trôi kia để sử dụng lại lần nữa.
Một số thương hiệu của Mỹ như IQ Alcon thì rất đắt nhưng không phải vì đắt mà thay thủy tinh thể của hãng này người bệnh sẽ nhìn rõ, sáng hơn các hãng khác có giá thành thấp hơn.
Thạc sĩ Quốc Anh cho hay để có thể nhận biết thủy tinh thể của hàng nào thì chỉ cần xem bao bì. Hơn nữa, hiện nay vẫn chưa thể đánh giá được việc đánh tráo thủy tinh thể ảnh hưởng đến độ sáng mắt của bệnh nhân.
Thủy tinh thể cũng giống như đeo kính. Nếu bệnh nhân phải dùng mức độ 20 mà bác sĩ thay mức độ 15 thì bệnh nhân nhìn không rõ, giống như việc sử dụng kính lão vậy, thủy tinh thể cũng có số. Nếu bệnh nhân phải đeo kính lão 1, 5 mà cho đeo kính lão 1 phẩy thì nhìn không rõ là đương nhiên. Điều này cần xem xét việc đo độ sáng khi thay thủy tinh thể của bác sĩ mổ chứ không thể thay thủy tinh thể rẻ tiền là mắt nhìn kém.
Trước nỗi lo của nhiều bệnh nhân sau khi thay thủy tinh thể xong mắt nhìn kém bác sĩ Quốc Anh cho biết bệnh nhân có thể đi kiểm tra lại. Thực ra, nhiều người quan niệm mắt chỉ mổ được một lần, không mổ lại được. Điều đó không đúng vì nếu mổ có sai sót, bệnh nhân vẫn có thể đến viện làm lại. Việc sửa chữa này sẽ không có nhiều khó khăn cho bệnh nhân. BS Quốc Anh trấn an bệnh nhân không nên lo lắng về chất lượng thủy tinh thể dù có sự thật được đánh tráo các hãng khác nhau.
Bàn về chuyện bệnh viện Mắt Hà Nội sử dụng một vài dụng cụ bơm kim tiêm, dụng cụ phẫu thuật hay chất nhầy dùng đi dùng lại cho nhiều bệnh nhân, thạc sĩ Quốc Anh cho rằng khó mà sử dụng chất nhầy cho nhiều bệnh nhân được. Chất nhầy này được sử dụng trong phẫu thuật và lau rửa. Trong khi rửa mắt cho bệnh nhân chẳng ai lại hứng lấy cái chất nhầy rửa trôi kia để sử dụng lại lần nữa.
Còn về dụng cụ y tế sử dụng cho nhiều bệnh nhân, ông Quốc Anh cho rằng cần phân biệt xem đâu là dụng cụ phẫu thuật, đâu là vật tư tiêu hao. Nếu sản phẩm dùng phẫu thuật như dao kéo bằng kim loại, inox, titan thì không thể dùng một lần là bỏ. Nếu dùng một lần là bỏ không những tốn kém mà rác thải y tế còn không có chỗ để. Những sản phẩm này thường được hấp lại để dùng cho nhiều bệnh nhân.
Đối với các dụng cụ tiêu hao như bơm kim tiềm, dây truyền… không được dùng đi dùng lại cho bệnh nhân. Điều này đã được quy định rất rõ trong pháp lệnh y tế.