Việt Nam hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 1 vắc xin COVID-19
Việt Nam đã hoàn thành 120 mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc-xin Nano Covax cho 60 tình nguyện viên.
Học viện Quân Y vừa thực hiện tiêm mũi 2 vắc xin Nano Covax cho 22 tình nguyện viên cuối cùng, trong đó có 2 tình nguyện của nhóm 1b tiêm liều 50mcg, 20 tình nguyện viên còn lại nhóm 1c tiêm liều 75mcg.
Như vậy đến nay, Việt Nam đã hoàn tất 120/120 mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên 60 tình nguyện viên. Giai đoạn 1, nghiên cứu đánh giá độ an toàn của vắc xin và bước đầu đánh giá đáp ứng sinh miễn dịch trên 3 nhóm liều 25mcg, 50mcg và 75mcg.
Một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.
Bước đầu các chuyên gia đánh giá, vắc-xin Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2, kể cả chủng biến thể. Các tình nguyện viên sau tiêm hầu hết đều có sức khoẻ ổn định, một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1-2 ngày.
Kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 cho thấy, vắc-xin Nano Covax an toàn, sinh miễn dịch tốt.
Học viện Quân y đang tiếp tục tổng hợp dữ liệu để báo cáo Bộ Y tế. Dự kiến ngay sau Tết Nguyên Đán, Hội đồng khoa học và đạo đức y sinh học, Bộ Y tế sẽ họp đánh giá trước khi phê duyệt triển khai tiêm thử nghiệm giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 sẽ thử nghiệm trên 560 tình nguyện viên kéo dài trong 6 tháng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur TP. HCM sẽ cùng tham gia thử nghiệm,
Giai đoạn 3 dự kiến sẽ tiêm trên 10.000 tình nguyện viên, mở rộng tại một số nước có dịch COVID-19 trong cộng đồng, hoàn tất vào đầu năm 2022.
Theo Bộ Y tế, trước khi được đưa ra sử dụng rộng rãi trong cộng đồng, bất kỳ loại vắc xin nào cũng đều phải trải qua quy trình chuẩn gồm 5 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn dự tuyển vắc xin. Giai đoạn này được thực hiện hoàn toàn trong phòng thí nghiệm.
- Giai đoạn 2: Đánh giá tiền lâm sàng trên động vật.
- Giai đoạn 3: Đánh giá lâm sàng qua 3 giai đoạn trên người ở các quy mô khác nhau.
- Giai đoạn 4 và 5: Cấp phép lưu hành vắc xin và theo dõi sau cấp phép. Sau khi vắc xin được cấp phép sử dụng trên người, các nhà nghiên cứu vẫn sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá để giảm bảo rằng, vắc xin đủ an toàn khi sử dụng trên người.
Nguồn: [Link nguồn]
Hôm nay 1/2, Việt Nam đã chính thức phê duyệt có điều kiện vắc xin COVID-19: Vaccine AstraZeneca (AZD1222) cho nhu cầu cấp bách...