Viêm núi đôi vì miếng dán silicon

Miếng dán ngực silicon ngày càng được ưa chuộng vì nó giúp chị em tự tin khi mặc đầm hoặc váy áo cổ rộng, hở lưng... Tuy nhiên, nhiều chị em vì quá lạm dụng miếng dán này nên đã bị viêm da, căng tức, xệ bầu ngực.

Đẹp gợi cảm

Miếng dán ngực bằng silicon được chị em sử dụng bởi sự tiện lợi và khả năng tạo hình cho bầu ngực đẹp gợi cảm. Thậm chí, đối với người ngực nhỏ, miếng dán này còn được dùng như một công cụ để "độn" ngực, mặc bên trong áo chip giúp bầu ngực to hơn một cách tự nhiên với cảm giác mềm mại.

Chị Nguyễn Hoà Thanh (167 Thanh Nhàn, Hà Nội) đã trở thành một tín đồ của miếng dán silicon. Chị thường dùng miếng dán này để định hình lại dáng ngực, kéo bầu ngực cao lên và cố định vị trí. Khi khóa hai cúp ngực lại, hai miếng dán này còn làm cho hai bầu ngực xích lại gần nhau, trông đầy đặn hơn và tạo thành khe ngực rất gợi cảm.

Chị Trần Lệ Thu (B10A Nam Trung Yên, Hà Nội) lại chọn miếng dán silicon cho những trang phục hở lưng, cổ khoét sâu, hoặc áo váy quây. Miếng dán này có loại dày, mỏng, ôm cả bầu ngực thay cho cúp áo chip, hoặc chỉ là miếng dán nhỏ đầu nhũ hoa. Vì vậy, chị Thu có thể tùy từng trang phục để lựa chọn loại phù hợp.

Chị Nguyễn Thị Hương, một chủ hàng chuyên bán đồ lót trên phố Gia Ngư (Hà Nội), cho biết: "Những người ngực to, đẹp rồi thì khi mặc áo bó chỉ cần dán đầu nhũ hoa thôi, còn không thì lấy loại có "quả" vừa tạo dáng đẩy, vừa trông tự nhiên, không cần đến áo chip cho đỡ bị lằn lưng, vai do dây áo". Miếng silicon dán đầu nhũ hoa có giá khoảng 40.000 - 65.000đ/hộp 2 miếng, trong khi áo dán ngực silicon có giá khoảng 80.000 - 120.000đ/bộ, tùy loại dày mỏng.

Viêm núi đôi vì miếng dán silicon - 1

Miếng dán ngực silicon không phải là sản phẩm thay thế áo chip mặc hằng ngày.

Ngứa và căng tức ngực

Mỗi ngày dán ngực suốt 10 tiếng đồng hồ, đi làm về chị Nguyễn Hòa Thanh phải vội vàng tháo bỏ miếng dán cho "dễ thở". "Muốn đẹp thì phải chịu, chứ suốt cả ngày bầu ngực bị co kéo, căng tức, rất khó chịu. Đấy là còn chưa kể những ngày phải đi ra ngoài nhiều, không được ngồi mát ở văn phòng thì nóng nực không chịu được, cảm giác rất bí", chị Thanh cho biết.

Cũng giống như chị Thanh, chị Trần Lệ Thu đành phải "chia tay" với miếng dán ngực vì bị viêm da dị ứng. "Dùng miếng dán liên tục khiến chỗ dán lúc nào cũng bị bí, gặp ngày nóng bức mà lại dán lâu mồ hôi không thoát được. Cả vùng da ngực ngứa đỏ lên, tôi đành phải tháo ngay miếng dán ra để ngực thoáng". Bây giờ chị Thu chỉ dám dùng miếng dán này những khi đi chơi chốc lát, cần diện váy áo điệu đà một chút, chứ tuyệt đối không dám dán cả ngày như trước nữa.

Theo ThS Mai Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Vật liệu, Viện Hóa học Công nghiệp, chất dính trên bề mặt miếng dán này cũng có thể cùng chất liệu silicon hoặc một loại nhựa nền có tác dụng kết dính. Tuy nhiên, đối với mỗi sản phẩm, trong quá trình sản xuất đều cần bổ sung những phụ gia khác nhau. Nếu là sản phẩm của các hãng sản xuất uy tín thì có thể yên tâm về chất lượng, còn đối với các sản phẩm trôi nổi thì phải qua kiểm định mới xác định được các chất có độc hại hay không.

ThS.BS Cao Hồng Chi, Trung tâm Tư vấn Sức khoẻ sinh sản - Sức khoẻ cộng đồng, Hội Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, bản thân các miếng dán silicon không gây tác hại gì, nhưng vấn đề lại nằm ở người dùng. Vì lợi ích làm đẹp mà miếng dán này mang lại, nhiều chị em đã lạm dụng nó quá mức. Sử dụng miếng dán thường xuyên, trong thời gian dài có thể gây bí, viêm tắc lỗ chân lông, viêm da, hay thậm chí đối với người đang cho con bú có thể gây viêm nhiễm, tắc tuyến sữa, viêm nứt đầu vú.

Ngoài ra, miếng dán có thể dùng đi dùng lại nhiều lần cũng là nơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn từ các tế bào da chết, gây nguy cơ gây viêm da.

Miếng dính định hình ngực không phải là sản phẩm thay thế áo chip mặc hằng ngày. Bởi việc sử dụng các miếng dính này trong thời gian dài sẽ gây căng tức bầu ngực, thậm chí càng khiến cho ngực bị nhão, xệ do co kéo quá nhiều. Ngoài ra, một số người cũng có thể gặp nguy cơ dị ứng với chất dính của miếng dán này, hoặc có triệu chứng viêm da do ngực bị bịt kín trong điều kiện nóng ẩm. Khi đó cần dừng ngay việc sử dụng miếng dán và thăm khám bác sĩ nếu có biểu hiện tăng nặng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Na (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN