Vì sao trẻ bị viêm tai giữa hay tái phát?

Các chuyên gia y tế sẽ lý giải vì sao trẻ hay bị viêm tai giữa, viêm mũi họng tái diễn.

Vì sao trẻ bị viêm tai giữa hay tái phát? - 1

Nhiều trẻ nhập viện do viêm tai giữa tái đi tái lại. 

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, “lai nhai như tai mũi họng” quả không sai.

Ông lý giải, bệnh này hay tái phát nếu không điều trị triệt để và tích cực ngay từ giai đoạn cấp tính. Một điều đáng ngại nhất là viêm tai giữa mạn tính không những hay tái phát mà có thể gây biến chứng nguy hiểm. Việc điều trị tùy thuộc vào giai đoạn của viêm tai giữa.

Theo PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, việc trẻ bị viêm tai, mũi, họng tái diễn có thể nguyên nhân do điều trị chưa dứt hẳn đợt viêm mũi họng cấp. Đây là lý do khiến bệnh của trẻ hay bị lặp lại nhiều lần, đồng thời làm cho bệnh dễ trở thành mạn tính hoặc gây ra các biến chứng của viêm mũi họng như viêm tai giữa cấp, viêm xoang, viêm phế quản…

Bác sĩ Dũng cho biết, cách tốt nhất là bố mẹ phải cho trẻ đến tái khám đúng hẹn ở bác sĩ đã khám và kê đơn điều trị cho cháu, để bác sĩ đánh giá xem tình trạng thực tế của mũi họng: niêm mạc đã hết đỏ, hết phù nề, hết mủ… chưa, còn tồn tại những tổn thương mũi họng nào mà đợt thuốc vừa điều trị chưa giải quyết được để tiếp tục xử trí…

PGS. TS Lê Thị Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp cho biết, hầu hết mọi người đều khỏi bệnh nhưng một số người lại bị tái diễn và tình trạng viêm nhiễm nặng, kéo dài bất thường. Nguyên nhân bất thường này do hệ miễn dịch của họ không đảm nhiệm được chức năng bảo vệ cơ thể.

PGS. TS Lê Thị Minh Hương cũng cho biết, có rất nhiều thể suy giảm miễn dịch được biết đến như suy giảm miễn dịch thể dịch (hay gặp nhất, có nghĩa là hệ miễn dịch không có khả năng sản xuất ra kháng thể để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh), suy giảm miễn dịch tế bào, suy giảm chức năng bạch cầu đa nhân, bổ thể…

“Có những thể bệnh rất nặng nguy hiểm đến tính mạng (trẻ thường chết trước 1-2 tuổi), có thể nhẹ nhưng là nguyên nhân rất quan trọng gây lên tình trạng viêm nhiễm trùng tái diễn và diễn biến nặng ở trẻ”, PGS. TS Lê Thị Minh Hương chia sẻ.

Theo các chuyên gia, viêm tai giữa cấp thường được chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn sung huyết, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ. Nếu viêm tai giữa ở giai đoạn sung huyết chỉ cần điều trị nội khoa bằng kháng sinh toàn thân, kết hợp với các thuốc chống viêm, chống phù nề, hạ sốt, giảm đau, đồng thời kết hợp với điều trị mũi họng.

Nếu viêm tai giữa chuyển sang giai đoạn ứ mủ thì việc trích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ được cân nhắc sử dụng đồng thời với các thuốc điều trị toàn thân khác như trong giai đoạn sung huyết.

Nếu viêm tai giữa đi qua hai giai đoạn này, dịch mủ ứ đọng trong tai giữa sẽ tự phá vỡ phần mỏng nhất của màng nhĩ, chảy ra ngoài qua ống tai ngoài. Lúc này, màng nhĩ bị thủng. Giai đoạn này việc điều trị bằng cách làm thuốc tai rất có ý nghĩa. Các thuốc dùng để nhỏ tai trong từng giai đoạn cũng khác nhau.

Trường hợp trẻ viêm tai giữa tái phát nhiều lần, dùng thuốc uống không hiệu quả có thể cần can thiệp thủ thuật. Nên nhớ nhiễm khuẩn mũi họng là yếu tố khởi phát viêm tai giữa nên khi bị bệnh cần điều trị triệt để.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
1001 câu hỏi vì sao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN