Vì sao quả quất ngày Tết có thể trở thành độc dược?

Quả quất là một vị thuốc đông y có tác dụng chữa ho, chữa viêm hô hấp, tiêu hóa thức ăn...nhưng quả quất trong ngày Tết thường được bác sĩ khuyên không nên dùng.

Cả nhà tiêu chảy vì quất ngâm đường 

Anh Nguyễn Văn Cảnh trú tại Đông Hưng, Thái Bình kể, vào các dịp Tết vợ anh thường đi buôn quất cảnh. Có những năm bị ế nên anh phải cắt bỏ quả rồi mang cây về trồng. Mỗi lần cắt được cả rổ to quả quất tươi ngon, gia đình anh tiếc của lại lấy ngâm đường để mùa hè uống. 

Năm đó, mùa hè đến vợ anh mang hũ quất ngâm từ tết ra để gia đình thưởng thức. Pha nước đá uống xong được 1 – 2 tiếng sau thì các thành viên trong gia đình lần lượt bị đau bụng và tiêu chảy. Lúc đó, anh Cảnh không nghĩ ra buổi trưa ăn gì. Sau hồi suy tính, anh Cảnh chỉ thấy cả nhà uống nước quất ngâm từ Tết.

Sau này, anh đi nhập hàng, với tay hái quả quất ăn thì bị nhà vườn khuyên đừng ăn vì quất đã được phun thuốc đậu quả, lâu héo. Lúc này, anh Cảnh ngớ người ra nhớ lại vụ ăn quất ngâm của cả nhà.

Tại Hà Nội, cứ sau Tết nhiều người thường bỏ cây quất sai quả ra thùng rác và những người bán hàng ăn lại tranh thủ hái về để cho khách dùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ăn như thế rất nguy hiểm có thể gây ngộ độc thức ăn vì quất cảnh được phun rất nhiều hóa chất bảo quản.

TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) khuyên người tiêu dùng không nên sử dụng quất cảnh làm thực phẩm. Bởi lâu nay người ta chú ý nhu cầu quất làm cảnh, không giải quyết làm thực phẩm nên người trồng có thể cho những hoá chất để giữ tươi lâu, đẹp lâu.

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, người ta hiện ít quan tâm đến các hoá chất giữ cho cây cảnh, hoa được bền lâu vì nó không phải là thực phẩm. Các loại hoa như hoa ly cũng được cho hoá chất để có đủ màu, tươi lâu, đẹp bền. Người dân mua về trưng đẹp rồi vứt đi. Vì thế, không nên sử dụng các loại cây cảnh làm thực phẩm. Nếu muốn ăn quất thay chanh, nên mua từ khi cây đang được trồng tỉa. 

Không nên dùng quất cảnh

Theo lương y Hoàng Gia Trí – Phòng chẩn trị y học cổ truyền số 2 B Thể Giao, Hà Nội cho biết vỏ quất trong đông y có tác dụng như trần bì có tác dụng kiện tì, tiêu thực, hành khí trong hệ tiêu hóa, nó rất tốt. Những lúc thời tiết rét, ăn uống nhiều thứ lạnh nên vắt chanh, vắt quất. Nếu bụng đầy đâu lấy quả quất rửa sạch đi ngâm với đường phèn, mật ong ăn để tránh ho, làm ấm người lên. Đây là vị thuốc rất tốt trong hệ tiêu hóa của con người. 

Trong đông y có vị thuốc trần bì, trần bì là vỏ cam, vỏ quýt nhưng nhiều khi không có vỏ cam, vỏ quýt người ta có thể thay thế bằng vỏ quất. 

Ngoài tác dụng về tiêu hóa, quả quất còn có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiểu đường . Chất xơ có thể giúp tối ưu cân bằng insulin và glucose trong cơ thể, do đó ngăn cản sự phát triển của bệnh này.

Quả quất cũng chứa nhiều vitamin C. Vitamin C giúp kích thích sự tăng trưởng của các tế bào mới và làm tăng hoạt động của hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể tránh được nhiễm trùng, vi khuẩn và nấm.

Với quả quất hầu như ai cũng dùng được nhưng theo lương y Trí những người bị đau dạ dày nên dùng có mức độ, có giới hạn, không thể dùng bừa bãi được. Trong đông y có câu nó thái quá bất cập, cái gì nhiều quá cũng không có lợi, làm bất kể cái gì cũng phải đúng theo nhu cầu, không nên lạm dụng.

Tuy nhiên, theo lương y Trí không nên dùng quả quất chín vào dịp Tết bởi quả quất lúc này không còn là thần dược mà trở thành độc dược, gây ngộ độc thực phẩm vì nó ngậm quá chất quá nhiều.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thúy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN