Trục trặc... “ngân hàng giống”

Khỏe mạnh, “máy móc” cân đối, sức lực sung mãn, nhưng nhiều cặp vợ chồng trẻ vẫn mỏi mắt trông chờ một đứa con. Những trục trặc về “ngân hàng giống” đôi khi đến từ những căn bệnh thường tình nhưng lại khó nói và khó phát hiện.

“Quýt làm cam chịu”

Cùng vợ đến BV Nam khoa và hiếm muộn Hà Nội, Lê Đức Chính (Ba Đình) vẫn giữ bộ mặt “sưng sỉa”. Chính tâm sự, mình là một người cực kỳ khỏe trong chuyện giường chiếu. Thời sinh viên, Chính cũng “xông pha, chinh chiến” trong tình trường. Mỗi năm, Chính thay người yêu mấy lần, chưa kể đến những cuộc vui chớp nhoáng sau những cơn say, thậm chí, còn tặc lưỡi đi mua dâm để thỏa mãn cơn “khát” tức thì.

Nhiều bạn gái của Chính cũng từng phải đi “điều hòa kinh nguyệt”. Vì thế, 5 năm sau khi lấy vợ vẫn không có con, Chính nhất định đổ tại vợ. Vợ Chính đau khổ, nhưng cô đi khám, bác sĩ bảo sức khỏe bình thường, nhưng khi cô đề nghị chồng đi khám, Chính còn mắng vợ té tát. Thậm chí, cả bố mẹ chồng cô đều hùa vào chê bai con dâu “không biết làm đàn bà”.

Trục trặc... “ngân hàng giống” - 1

TS-BS Lê Vương Văn Vệ đang tư vấn cho một ca hiếm muộn

Vợ năn nỉ, khóc lóc mãi, Chính cũng đi khám, mục đích chỉ để vợ “trắng mắt ra”. Nhưng sự thật, bác sĩ kết luận, Chính bị giang mai “mãn”, gây ra tình trạng tắc ống dẫn tinh. Cho dù máy móc hoạt động vẫn tốt nhưng con giống lại không thể “lên đường”, vì thế, dẫn đến vô sinh. Chính nghĩ lại thời “oanh liệt”, chót qua đêm với những cô gái làng chơi. Sau đó, Chính cũng thấy có các hiện tượng như tiểu buốt, đau rát “thằng nhỏ”, ra mủ. Bác sĩ cũng đã chẩn đoán bị giang mai, nhưng chỉ uống thuốc qua quýt một thời gian, thấy các hiện tượng giảm bớt nên Chính tưởng đã khỏi bệnh. Nào ngờ, bệnh chuyển thành mãn tính… Điều đáng tiếc nhất, hiện vợ Chính cũng đang bị giang mai và cần phải điều trị.

TS-BS. Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị cho khoảng 30-60 cặp vợ chồng hiếm muộn. Có nhiều nguyên nhân gây vô sinh “bẩm sinh” do dị tật của các chức năng sinh sản của cả vợ và chồng, do lối sống không lành mạnh (bia rượu, thuốc lá, chất kích thích) hoặc môi trường làm việc ô nhiễm khiến cho tinh trùng bị yếu. Tuy nhiên, có nhiều cặp đến khám rất khỏe mạnh, nhưng lại gặp những trục trặc viêm nhiễm, tắc ống dẫn trứng, tắc ống dẫn tinh, viêm tinh hoàn… do bị bệnh lây truyền qua đường tình dục lâu ngày mà không điều trị.

“Có nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục chỉ có những biểu hiện viêm nhiễm ở thời gian đầu, sau đó chuyển sang thể mãn, đàn ông không để ý. Nhưng sức phá hủy của nó rất tai hại. Đối với đàn ông có thể gây viêm tinh hoàn, tắc ống dẫn tinh, ống mào tinh, tổn hại sức khỏe “con giống”. Còn khi lây sang bạn tình nữ cũng để lại hậu quả vô sinh như dính - tắc ống dẫn trứng, tổn thương niêm mạc tử cung…” - BS Vệ cho biết.

Hậu quả khôn lường

GS-BS Đỗ Trọng Hiếu - Phòng khám Nam khoa Viện chăm sóc và phát triển sức khỏe cộng đồng cho biết: một trong những kẻ thù thầm lặng nguy hiểm nhất của bệnh vô sinh chính là nhiễm trùng Chlamydia. Nếu như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, sùi mào gà, nấm… có nhiều dấu hiệu dễ nhận biết như sưng, đái rắt, đái buốt, ra máu, mủ, khí hư thì nhiễm trùng Chlamydia hầu như không có dấu hiệu đặc trưng hoặc mỗi người có một dấu hiệu.

Có người thì đau khi quan hệ tình dục, xuất tinh đau, viêm tiền liệt tuyến, đau tầng sinh môn, có người chỉ đau lưng, đau xung quanh xương chậu, đau ở sống lưng, có người bị đái buốt, đái rắt… Phụ nữ thì có thể có khí hư, viêm cổ tử cung, tắc ống dẫn trứng. Nhiễm trùng Chlamydia cần phải thực hiện xét nghiệm mới biết được. “Chính vì chỉ đau vu vơ, viêm qua quýt nên mọi người thường chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu, không đi khám hoặc điều trị nửa chừng” - bác sĩ Hiếu cho biết.

Chị Đào Hồng Ngát (Đông Anh) sửng sốt khi bác sĩ Hiếu cho biết chị bị dính vòi trứng do nhiễm trùng Chlamidya. Chị cho biết, trước đây chị cũng từng làm chuyện bồng bột với một người. Nhưng chỉ có duy nhất một lần. Còn giờ chị đã cưới được 3 năm nhưng chưa có con. Chị Ngát lo lắng không rõ mình bị nhiễm bệnh từ chồng hay từ người yêu. Vì chị rất sợ chồng chị “đánh giá tư cách”.

Theo bác sĩ Hiếu, thời hiện đại, mỗi người đều có hơn một người yêu rồi mới kết hôn, khi yêu lại quan hệ tình dục, người nọ “bắc cầu” qua người kia, nên khó mà biết được “nguồn gốc” bệnh tình. Tuy nhiên, là bệnh lây truyền qua đường tình dục thì chỉ cần quan hệ tình dục một lần là bị bệnh. Thậm chí, có người dùng bao sao su nhưng lúc quan hệ đường miệng vẫn “đi trần” thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh “qua đường miệng”.

Bác sĩ Hiếu khuyên rằng, để tránh những hậu quả lâu dài của bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạn trẻ nên quan hệ chung thủy, khi quan hệ tình dục “ngoài luồng” thì nên dùng bao cao su để hạn chế mắc bệnh. Nếu thấy có hiện tượng đau lưng, đái buốt, ra khí hư… “bất thường” thì nên đi khám và điều trị đúng đơn, đúng thuốc của bác sĩ. Đồng thời, nên đi khám phụ khoa, nam khoa định kỳ để biết chắc về sức khỏe của mình.

“Việc điều trị hiếm muộn cần phải có sự phối hợp đầy cảm thông và yêu thương giữa hai vợ chồng. Những căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình điều trị vô sinh có thể là con dao hai lưỡi, khiến cho cả nam và nữ khó thụ thai. Nam giới dẫn đến “liệt” tạm thời, còn nữ giới cũng “ung trứng”. Tuy nhiên, càng đi khám sớm, điều trị sớm thì cơ hội có được hạnh phúc làm cha mẹ càng lớn” - TS-BS Lê Vương Văn Vệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Thư (Người lao động)
Sức khỏe sinh sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN