Trị bệnh cho người "chết hụt"

Sự kiện: Bệnh stress

Những người đã từng tìm đến cái chết rất cần được hỗ trợ tâm lý và can thiệp kịp thời.

Ngày chị N.L.Q về thăm các bác sĩ (BS) đã từng giúp đỡ mình, không ai có thể tưởng tượng người phụ nữ tươi trẻ, thành đạt này lại là cô gái đã 6 lần tìm đến cái chết. Mười năm trước, gặp cảnh cha mẹ qua đời vì tai nạn, anh chị tranh giành tài sản, Q. rơi vào trầm cảm kéo dài. Cô nhiều lần lao vào ô tô, xe tải, phóng xe bạt mạng trên đường chỉ mong chết theo cha mẹ.

Bế tắc đến muốn chết

Q. đã điều trị tâm thần tại địa phương một thời gian nhưng rồi cũng bỏ ngang. Thậm chí, cô còn tích lũy số thuốc an thần trong những lần trị bệnh và tự tử một lần bằng 61 viên thuốc. Lần ấy, Q. cũng may mắn được hàng xóm phát hiện sớm, đưa đến bệnh viện. Ý định tự tử chỉ kết thúc khi Q. lên TPHCM làm việc và may mắn gặp một vị BS tâm thần giúp cô đẩy lùi chứng trầm cảm. Q. hồi sinh, trở thành giám đốc một công ty tư nhân, sống hạnh phúc cùng chồng và con trai.

Trị bệnh cho người "chết hụt" - 1

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân ở Bệnh viện Tâm thần TPHCM

Còn nam bệnh nhân T.V.C sau khi rạch tay tự tử không thành đã tiếp tục tìm đến cái chết và được người nhà phát hiện, đưa đến BS tâm thần. Qua thăm khám, BS phát hiện C. bị tâm thần phân liệt nhẹ, thường xuyên nghe tiếng nói trong tai (ảo thanh ra lệnh) thúc giục anh tự làm hại bản thân. Do người nhà nghĩ anh chỉ “hơi khờ” nên chủ quan khiến anh phải vật vã tự đấu tranh và bị ảo thanh nguy hiểm này sai khiến.

Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TPHCM, người tìm đến cái chết nhiều lần thường mắc phải vết thương lòng nào đó không giải quyết được. Bế tắc này còn có thể dẫn đến các vấn đề về rối loạn tâm thần, nhất là trầm cảm; dễ đẩy người bệnh tới chỗ bi quan hoặc không kiểm soát được chính mình. Ngoài ra, ảo thanh ra lệnh trong tâm thần phân liệt (như trường hợp anh C.) cũng là một lý do khiến người bệnh phải ra vào viện nhiều lần vì tự tử.

Giúp người bệnh dứt bỏ quá khứ

Theo BS Quang, không hiếm người sau khi “chết hụt”, không được quan tâm, điều trị lại tìm đến cái chết lần hai. Những trường hợp này hầu hết xảy ra ở người bị trầm cảm kéo dài dẫn đến các rắc rối về tâm lý. “Sai lầm lớn nhất của người nhà là nhắc lại lần tự tử trước với người bệnh. Sau khi cứu sống họ, người nhà cần quan tâm, hỗ trợ về tâm lý và âm thầm tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột đó để giúp họ giải quyết. Còn nếu cứ nhắc đi nhắc lại chuyện buồn, than vãn về hành động tiêu cực đã qua thì người bệnh có thể cảm thấy đau khổ, chán nản và lặp lại hành động tự hủy hoại” - BS Quang nhận định.

Trị bệnh cho người "chết hụt" - 2

Một nguyên nhân khác của chứng tự tử nhiều lần là do bệnh nhân mắc bệnh tâm thần. (Ảnh minh họa)

Nhất là người chịu ảnh hưởng của ảo thanh ra lệnh, không được điều trị kịp thời dẫn đến tái phát bệnh.

BS Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cho rằng cần đặc biệt lưu ý khi người thân, nhất là trẻ em, thanh thiếu niên, có những biểu hiện chán đời như thay đổi theo hướng tiêu cực trong các mối quan hệ; thay đổi hành vi; tách bỏ các hoạt động gia đình, bạn bè, hoạt động xã hội đang có; mất quan tâm, hứng thú; khó ngủ; thường bình luận, đánh giá sai về bản thân; tự nhiên sa đà vào rượu bia, ma túy; mất khoái cảm, buồn bã, thất vọng; tăng kích thích, khó kiểm soát cảm xúc, tăng nguy cơ xung động; quan tâm tới cái chết và những người chết vì tự tử… Khi đó, cần sớm có biện pháp hỗ trợ tâm lý người bệnh, đưa đến BS chuyên khoa nếu có các biểu hiện trầm cảm, ảo thanh và các dạng rối loạn tâm thần khác.

Trị bệnh cho người "chết hụt" - 3

Rất nhiều thanh thiếu niên mắc bệnh trầm cảm trong thời hiện đại. (Ảnh minh họa)

Lưu ý trầm cảm ở thanh thiếu niên

ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang lưu ý trầm cảm ở thanh thiếu niên cũng dễ dẫn đến hành động tự tử do lứa tuổi này hay bị tác động bởi những sự việc tiêu cực trước mắt, mất lòng tin với lối ứng xử của người lớn. Người trẻ in sâu những điều chướng tai gai mắt hơn người lớn tuổi nên dễ gặp căng thẳng (stress) kéo dài. Ngoài ra, do thất vọng và thiếu kỹ năng ứng phó với stress, họ dễ đi đến hành động dại dột là tự hủy hoại chính mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Thơ ([Tên nguồn])
Bệnh stress Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN