Trẻ đi chữa sâu răng: Nuốt luôn kim lấy tủy

Khi cho trẻ lấy tủy răng sâu cho trẻ, do đặc điểm trẻ hay lắc đầu, mỏi miệng nên không kiểm soát được các tình huống có thể dẫn tới việc trẻ nuốt kim lấy tủy.

Theo bác sĩ Phạm Đoàn Tấn Tài – Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, khoa vừa xử lý thành công ca lấy dị vật đường thở trong lúc chữa răng cho bệnh nhi 5 tuổi.

Trẻ đi chữa sâu răng: Nuốt luôn kim lấy tủy - 1

Hình ảnh chiếc kim chọc tủy răng được các bác sĩ gắp ra.

Bé Ng.T.Đ, bé trai 5 tuổi, quê ở huyện Trảng Bàng, Tỉnh Tây Ninh nhập viện với tình trạng đau họng, nôn ói. Qua khai thác bệnh sử được biết, trong lúc bé đang chữa tủy răng ở một phòng nha để chuẩn bị ăn tết thì bất ngờ gặp nạn. Sau khi bị kim lấy tủy răng rơi vào miệng, bé than bị đau họng, nôn ói. Người nhà vội đưa bé đến bệnh viện gần nhà và được chẩn đoán “theo dõi dị vật đường ăn” và bé được khẩn trương chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 để soi gắp dị vật cấp cứu.

Tại khoa Tai Mũi Họng, ghi nhận không thấy xuất hiện Hội chứng xâm nhập, nhưng với các triệu chứng lâm sàng như bé còn nuốt đau, ho nhiều từ khi hóc dị vật, âm phế bào bên phổi trái giảm rõ rệt gợi ý bé có khả năng bị dị vật đường thở, chụp X-quang ngực thẳng thấy xuất hiện dị vật cản quang nằm gọn trong lòng khí quản vị trí Carena, bác sĩ trực Tai Mũi Họng xác định cháu bị dị vật rơi vào đường thở.

Ê kip trực nhanh chóng chuẩn bị đầy đủ điều kiện gây mê cấp cứu, sau gần 20 phút thao tác, bác sĩ đã lấy được dị vật ra khỏi đường thở của bé. Đó là chiếc kim lấy tủy nha khoa từ lòng phế quản góc trái của bệnh nhi. Thủ thuật lấy dị vật sắc nhọn ra khỏi đường thở tiềm tàng nhiều yếu tố nguy cơ như chảy máu, đâm thủng các tạng xung quanh, nguy hiểm hơn nếu kim nhọn kẹt lại tại 2 dây thanh sẽ gây co thắt thanh môn dẫn đến tử vong cho bệnh nhi.

Kết quả phẫu thuật thành công, cháu Đ. khỏe mạnh được xuất viện ngày hôm sau. Bác sĩ Tài cho biết kỹ thuật chữa tủy răng cho bệnh nhi nhỏ tuổi rất khó khăn vì các cháu thường không hợp tác tốt. Tai nạn xảy ra thường do các cháu bất ngờ giãy giụa làm các bác sĩ nha khoa không kịp ứng phó.

Thạc sĩ Chu Nhật Minh - Phó khoa Nội soi, Bệnh viện Việt Đức cho biết khoa cũng gặp nhiều trường hợp bệnh nhi bị nuốt phải kim chọc tủy. Trường hợp của bé B.V.T, trú tại Hòn Gai, Quảng Ninh được người thân đưa ra phòng nha khoa chữa răng sâu. 

Trong lúc các bác sĩ đang lấy tủy răng, bé không hợp tác, ngoáy đầu, mỏi miệng bé ho và nuốt luôn chiếc kim chọc tủy vào đường tiêu hóa. Khi đó, người nhà đưa bé vào bệnh viện tuyến dưới trong tình trạng quấy khóc, nôn ọe. Ở bệnh viện tuyến dưới bác sĩ theo dõi cháu bé để lấy kim nhưng khi thấy tình hình xấu hơn, các bác sĩ dưới Hạ Long đã chuyển bé T. lên thẳng Bệnh viện Việt Đức. 

Bé T được bác sĩ chiếu chụp thì thấy chiếc kim lấy tủy cắm thủng dạ dày gây viêm thành dạ dày. Các bác sĩ đã phải dùng dụng cụ nội soi để lấy chiếc kim ra ngoài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phúc Mai (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN