Tổ yến vô hiệu hóa sự lây nhiễm virus cúm?

Chim yến không chia sẻ không gian bay hoặc làm tổ với các loài chim khác, nên cơ hội tiếp xúc với nguồn bệnh rất ít ngoại trừ nguồn nước.

PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Thu - nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học động vật, Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - là một trong những người Việt Nam đầu tiên có những công trình khoa học về chim yến.

Theo PGS Thu “cần phải bình tĩnh để tránh gây thiệt hại cho người nuôi yến và nghề nuôi yến tại Việt Nam” trước thông tin chim yến có thể bị nhiễm cúm gia cầm.

- Trước đây vẫn có những thông tin cho rằng chim yến không thể nhiễm cúm gia cầm, vậy sao bây giờ có trường hợp chim yến chết vì căn bệnh này?

- Cho đến đầu tháng 4.2013, theo dõi liên tục thông tin của các nước quanh vùng, tôi chưa thấy trường hợp nào công bố chim yến bị nhiễm virus H5N1. Tuy vậy, để phòng bệnh họ cũng đặt ra các quy định khá chặt chẽ về vùng phát triển nuôi yến và các tiêu chuẩn vệ sinh nhà yến...

Trong các tư liệu đều nói chim yến là loài chim suốt ngày bay trong không trung để kiếm mồi, do chân yếu ớt, không bao giờ đậu ngoại trừ ở những nơi làm tổ, vào thời gian chim nghỉ ngơi ấp trứng. Chim yến không chia sẻ không gian bay hoặc làm tổ với các loài chim khác, nên cơ hội tiếp xúc với nguồn bệnh rất ít- ngoại trừ nguồn nước. Chim hoang dã và vịt gà bị nhiễm virus cúm có thể truyền virus sang chim yến thông qua lông, phân, xác chết... của chúng rơi xuống ao, hồ, nguồn nước mà chim yến uống.

Khi phát hiện có hiện tượng chim yến chết hàng loạt, ngoài kiểm tra mầm bệnh còn cần phải xem xét thêm đến môi trường, môi trường tự nhiên ngoài thiên nhiên và môi trường trong nhà yến và để có đầy đủ thông tin nên đồng thời xét nghiệm mẫu tại một số phòng thí nghiệm và trên nhiều vật phẩm khác nhau. Bởi vì, có thể một số chim yến có tồn tại mầm virus H5N1, nhưng cũng có thể một số chim khác chết vì điều kiện môi trường quá khắc nghiệt, nhất là nhiệt độ.

Miền Trung Việt Nam vừa qua lên đến 38-39 độ C, khô hạn kéo dài, nguồn nước cạn kiệt, chim yến lại rất cần nước ngọt mỗi buổi chiều, có thể uống phải nguồn nước xấu có độc tố.

- Liệu chim yến chết như vừa qua có gây thiệt hại cho người nuôi yến?

- Cho đến nay có không ít nhà đầu tư đã tốn nhiều tiền của vào nuôi chim yến, nhưng chưa thu hồi được vốn. Bây giờ nếu căn bệnh H5N1 xuất hiện sẽ gây thiệt hại kép, không nhỏ cho người nuôi yến và nghề yến còn non trẻ của Việt Nam, thể hiện ở chỗ giá yến có thể thay đổi vì người tiêu dùng đắn đo, trong tương lai ít người dám đầu tư vào nghề này và một số sẽ dừng lại.

- Làm thế nào để phòng dịch cúm gia cầm đối với chim yến, thưa bà?

- Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus H5N1 gây ra, nó nguy hiểm vì có thể làm cho gia cầm chết đột ngột, hàng loạt và lây lan nhanh. Gà, vịt, ngan, ngỗng, chim nuôi, chim hoang dã... đều có thể mắc bệnh.

Sự lây nhiễm cúm qua hai con đường: Lây trực tiếp thông qua tiếp xúc với gia cầm, chim hoang dã đã mắc bệnh; lây gián tiếp qua tiếp xúc trực tiếp với phân, lông... bị nhiễm virus. Để bảo vệ an toàn đàn chim phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang các nhà yến khác, trước mắt cần thực hành những thói quen tốt sau đây:

Khi có chim yến bị chết ở khu vực nuôi, cần đeo khẩu trang và găng tay để cho chim vào túi nylon, rửa tay bằng xàphòng sau khi tiếp xúc với chim chết, đồng thời báo cho cán bộ thú y biết. Rửa tay bằng nước sạch với xàphòng, thay quần áo sau khi ra khỏi nhà yến. Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, đeo khẩu trang, găng tay, mặc quần áo bảo hộ khi tiếp xúc với chim.

Hằng ngày vệ sinh nhà yến và khu vực nuôi có chim bệnh (quét dọn phân, lông, chất thải...), sau đó đem đốt hoặc chôn. Hằng tuần rửa sạch và khử trùng dụng cụ chăn nuôi...; vệ sinh sạch sẽ giày, dép, dụng cụ chăn nuôi, lốp xe, bánh xe khi ra khỏi nơi nuôi chim. Khử trùng chuồng trại bằng vôi bột, chloramin B...

- Bà có lời khuyên nào cho những người đang và sẽ đầu tư nuôi yến lấy tổ không?

- Tôi nghĩ là những người nuôi chim cần bình tĩnh, không hoang mang. Một mặt làm cho môi trường nhà yến tốt hơn theo các chuẩn đã đặt ra về độ ẩm, nhiệt độ, độ thông thoáng, bảo đảm vệ sinh môi trường thật tốt mà chim yến yêu cầu. Tổ chức nuôi dưỡng chim tốt hơn, như nuôi thêm côn trùng cho chim ăn, làm máng phun nước trong khu vực nuôi yến để chim uống. Một mặt cần theo dõi biến động của đàn chim qua camera, nên nhớ trạng thái của đàn chim khỏe mạnh hoàn toàn khác với đàn chim bị bệnh, cần giảm bớt vào nhà chim, khi vào cần đi ủng, giẫm qua nước sát trùng để không đem mầm bệnh vào nhà yến.

Tổ yến vô hiệu hóa sự lây nhiễm virus cúm? - 1

Dịch chiết xuất của tổ yến có thể ức chế sự nhiễm virus cúm

Qua sự nhiễm bệnh H5N1 của các đối tượng gia cầm khác, có sự lo lắng tổ chim được làm từ nước bọt có thể làm tăng nguy cơ truyền bệnh. Tuy nhiên, một nghiên cứu khoa học vào năm 2006 đã chứng minh tổ yến là một nguồn tự nhiên, an toàn và hợp lệ cho công tác phòng, chống virus cúm vì dịch chiết xuất tổ yến có thể ức chế sự nhiễm virus cúm. Hơn nữa, tổ yến có thể vô hiệu hóa sự lây nhiễm các tế bào MDCK virus cúm và ức chế Hemagglutin của virus cúm hồng cầu. Tổ chim yến có chứa hàm lượng axit sialic cao khoảng 9%, axit này điều hành hệ thống miễn dịch, qua ảnh hưởng đến sức đề kháng của dòng chất nhầy và nhờ đó lần lượt đẩy lùi vi khuẩn, virus và các vi khuẩn có hại khác. Nó cũng làm giảm LDL (một loại cholesteron xấu), ngăn ngừa cúm chủng A và B và kiểm soát đông máu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRUNG BẢO (Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN