Thuốc kháng sinh đang bị lạm dụng?

“Kháng sinh được coi như là giải pháp hiệu quả đối với các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, thói quen lạm dụng kháng sinh trên thế giới và cả Việt Nam đang khiến “nhiều người bi quan về một viễn cảnh u tối khi vi khuẩn ngày càng nguy hiểm, kháng thuốc nhưng không còn thuốc trị!” ThS. BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận định.

Lạm dụng kháng sinh -  thói quen tưởng chừng “vô hại” 

Năm 2014, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh báo Việt Nam có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao. Đi vào “mổ xẻ” nguyên nhân, có thể thấy việc tuỳ tiện, lạm dụng trong dùng kháng sinh thể hiện qua những thói quen tưởng chừng như vô hại: tự mua kháng sinh; tự điều trị không cần toa thuốc. Ngay cả khi được khám và kê đơn, nhiều người lại không tuân thủ liệu trình điều trị. Thấy bệnh không giảm thì tự ý đổi thuốc, hoặc ngưng giữa chừng khi sức khỏe dần dần cải thiện…

Việc mua kháng sinh trong cộng đồng cũng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Với hệ thống nhà thuốc rộng rãi, mặc dù đã có qui định về kê đơn và bán thuốc theo đơn, rất nhiều nhà thuốc vẫn bán kháng sinh và nhiều loại thuốc cho người bệnh mà không cần toa thuốc. 

Thuốc kháng sinh đang bị lạm dụng? - 1

Từ kinh nghiệm của mình, ThS. BS Trần Anh Tuấn chỉ ra các nguyên nhân khiến việc lạm dụng kháng sinh trở nên ngày càng phổ biến:

- Ngại đưa người thân đi khám bệnh (phải chờ đợi lâu khi đi khám, bận rộn, mất phí…)

- Chưa hiểu biết đúng về bệnh, nóng ruột muốn mau khỏi bệnh và nghĩ rằng kháng sinh sẽ giúp mau khỏe hơn.

- Chưa hiểu biết đầy đủ về tác hại của việc sử dụng kháng sinh không đúng. Tình trạng khuyên người khác dùng kháng sinh từ “kinh nghiệm” cá biệt, riêng lẻ của cá nhân mình

Và đề kháng kháng sinh - hệ quả mang tính toàn cầu

Tác hại của lạm dụng kháng sinh có thể kể đến trước tiên là tốn kém. Bệnh không hết hẳn, dễ tái phát khiến người bệnh đáp ứng với điều trị kém hơn, tăng thể bệnh nặng và dễ có biến chứng. Từ đó, chi phí bỏ ra tốn kém hơn do phải điều trị, nhập viện, và phải đổi sang kháng sinh khác thường là đắt tiền hơn.

Thuốc kháng sinh đang bị lạm dụng? - 2

Đề kháng kháng sinh đang là vấn đề mang tính toàn cầu

“Người lạm dụng thuốc có thể có tác dụng phụ như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, dị ứng, thậm chí độc tính trên gan, thận, xương khớp, máu… Nhưng hậu quả trầm trọng nhất là khi vi khuẩn đề kháng kháng sinh hay còn gọi là lờn thuốc. Đây là vấn đề quan trọng lâu dài có tính toàn cầu, đặc biệt ở Việt Nam. Trên thế giới số loại kháng sinh mới được phát triển, đưa vào sử dụng ngày càng ít, trong khi vi khuẩn kháng thuốc càng đáng ngại: tăng cả về chiều rộng tại nhiều quốc gia, nhiều vùng; lẫn bề sâu như kháng nhiều loại thuốc, mức độ kháng cao.” ThS. BS Trần Anh Tuấn, nhận định.

Kháng sinh liệu trình điều trị ngắn ngày có phải là giải pháp?

Để sử dụng kháng sinh một cách an toàn, các chuyên gia y tế khẳng định rằng tuân thủ nghiêm ngặt liệu trình điều trị của bác sĩ là nguyên tắc quan trọng nhất. Bên cạnh đó, khi chọn mua thuốc, cần lưu ý đặc điểm như số lần dùng trong ngày ít (ví dụ 1 lần/ngày); thời gian điều trị ngắn (3 ngày – 5 ngày)…

Ngoài ra, khi sử dụng kháng sinh, người bệnh cần tuân thủ “4 không” sau đây:

- Không tự ý kê toa, tự mua kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Không dùng lại kháng sinh thừa từ các đợt kê toa trước.

- Không chỉ người khác dùng kháng sinh khi thấy triệu chứng bệnh giống mình.

- Không tự ý ngưng dùng kháng sinh khi thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm.

ThS. BS Trần Anh Tuấn chia sẻ, trong nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, khảo sát cho thấy có 30% - 60% người bệnh không tuân thủ điều trị đúng liệu trình kháng sinh, nhất là khi thời gian điều trị trên 7 ngày. Lượng thuốc đã uống như vậy chỉ có thể tiêu diệt một số vi khuẩn chứ không đủ để diệt hết, khiến bệnh dễ tái phát, những vi khuẩn còn sống sót trở nên đề kháng và dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Nhiều loại kháng sinh có liệu trình điều trị ngắn (3 - 5 ngày) vẫn đủ khả năng điều trị hiệu quả các chứng bệnh nhiễm khuẩn so với liệu trình dài ngày.                                                 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Lan ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN