Thủ phạm khiến nhiều người trẻ bị viêm loét dạ dày

Sự kiện: Bệnh về dạ dày

Theo GS Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, viêm loét dạ dày là bệnh phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới; có 3 nhóm nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng.

Cứ stress là đau dạ dày

Chị Vũ Hồng Hạnh (31 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) tâm sự chị làm kế toán và hầu như năm nào về dịp cuối năm là khổ vì đau dạ dày. Chị Hạnh cho biết công việc nhiều áp lực khiến chị cảm thấy stress, cộng thêm nhiều việc gia đình nên bệnh viêm dạ dày tái phát nhiều lần khiến chị thêm mệt mỏi.

Theo chia sẻ của GS Long, ông gặp rất nhiều bệnh nhân là người trẻ tuổi nhưng bị viêm loét dạ dày rất nặng, trong đó đa số là nhân viên văn phòng. Loét dạ dày tá tràng là tình trạng hoại tử bề mặt niêm mạc dạ dày xuyên qua lớp cơ niêm, thường là do tác động của acid và pepsin trong dịch vị. Đây là một bệnh phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 500.000 trường hợp mới mắc với số bệnh nhân trên 4 triệu người và tỉ lệ mắc trong dân số là 1,5%. Ở châu Âu, tỉ lệ mắc khác nhau giữa các nước từ 4 - 6 lần. Ở Thụy Điển, tỉ lệ này là 4,1% trong khi ở Anh chỉ là 0,12%. Ở châu Á là nơi có tỉ lệ mắc bệnh khá cao, tuy nhiên hiện chưa có số liệu thống kê chính thức. Tỉ lệ mắc bệnh có liên quan chặt chẽ với tỉ lệ nhiễm H.p và tình trạng sử dụng thuốc kháng viêm không steroid, aspirin, và các yếu tố như địa lý, chủng tộc.

Loét hành tá tràng thường gặp ở tuổi 30 - 50 và nam nhiều hơn; còn loét dạ dày thường gặp ở tuổi trên 60 và nữ nhiều hơn. Tỉ lệ mắc bệnh ở người trẻ có khuynh hướng giảm, trong khi đó ở người lớn tuổi nhất là người sử dụng các thuốc điều trị khớp, bệnh mạch vành và rối loạn tuần hoàn não có khuynh hướng tăng.

Thủ phạm khiến nhiều người trẻ bị viêm loét dạ dày - 1

Ảnh minh họa

Các nguyên nhân

Theo GS Long, có 3 nhóm nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng. Nhóm thứ nhất là các nguyên nhân đã xác định được cơ chế gây loét. Nhóm thứ hai là nhóm không rõ nguyên nhân. Nhóm thứ ba là nhóm loét có liên quan đến các bệnh lý mạn tính hoặc suy đa phủ tạng cấp.

Nhóm nguyên nhân thứ nhất đã xác định được cơ chế gây loét bao gồm các nguyên nhân do nhiễm khuẩn, trong đó chủ yếu do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (Hp dương tính). Nhóm nguyên nhân thứ hai loét không rõ nguyên nhân bao gồm tăng bài tiết dạ dày không rõ nguyên nhân (Hp âm tính). Loét mang tính chất gia đình, loét không do sử dụng thuốc không steroid.

Nhóm nguyên nhân thứ ba có liên quan đến các bệnh lý mạn tính hoặc suy đa phủ tạng bao gồm loét do stress, loét dạ dày tá tràng ở người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan, suy thận và ghép tạng. Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch cũng có thể bị loét dạ dày tá tràng.

Với áp lực công việc hiện nay cộng thêm với lối sống thuốc lá, uống rượu, yếu tố các yếu tố nguy cơ gây loét dạ dày tá tràng phổ biến nhất.

Các nghiên cứu chỉ ra thuốc lá đóng vai trò trong việc xuất hiện, tồn tại và biến chứng của loét do Hp. Thuốc lá ức chế quá trình liền sẹo, kích thích sự tái phát và làm tăng các biến chứng phải phẫu thuật của loét dạ dày tá tràng.

Rượu: nồng độ rượu cao làm hư hại hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày và dễ gây tổn thương cấp tính như chảy máu niêm mạc.

Yếu tố gia đình: Trong gia đình có quan hệ trực hệ có bệnh loét dạ dày tá tràng thì những người thân trong gia đình của họ có nguy cơ bị loét dạ dày tá tràng gấp 3 lần người bình thường.

Theo GS Long, biến chứng viêm loét dạ dày gây ra xuất huyết tiêu hóa, thủng ổ loét, hẹp môn vị và ung thư hóa.

Trong 3 thập kỷ gần đây, người ta đã chứng kiến những tiến bộ rất lớn về điều trị căn bệnh loét dạ dày tá tràng. Những tiến bộ về nội soi dạ dày và can thiệp qua nội soi, cập nhật các phác đồ điều trị diệt Hp đã làm giảm các biến chứng, giảm thời gian phải nằm viện, giảm đáng kể tỉ lệ loét dạ dày tá tràng phải phẫu thuật ngoại khoa. Từ một bệnh điều trị chủ yếu là ngoại khoa, giờ đây phẫu thuật được chỉ định trong rất ít các trường hợp có biến chứng nặng.

Chuyên gia tiêu hóa chỉ ra thủ phạm chính gây loét dạ dày

Loét dạ dày tá tràng là tình trạng hoại tử bề mặt niêm mạc dạ dày xuyên qua lớp cơ niêm, thường là do tác động của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo K.Chi ([Tên nguồn])
Bệnh về dạ dày Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN