Thời tiết "ẩm ương", cẩn trọng với cúm, sốt vi rút

Sự kiện: Sống khỏe

Thời tiết mưa gió thất thường, cộng thêm nhiệt độ cao khiến người già và trẻ nhỏ đổ bệnh hàng loạt, trong đó sốt vi rút là dạng bệnh nhiều gia đình mắc phải nhất.

Cả nhà cùng ốm 

Gia đình chị Nguyễn Thị Bích trú tại Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ chỉ có 1 tuần nay mà cả nhà chị 4 người đều ốm. Đầu tiên là cậu con trai 7 tuổi bị sốt vi rút điều trị 4, 5 ngày chưa khỏi thì đến lượt cô em và vợ chồng chị cũng bị sốt.

Bé gái nhà chị Bích không bị sốt vi rút nhưng cháu có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi. Chị Bích mua thuốc cho con uống không đỡ đưa cháu vào viện kiểm tra thì cháu đã bị biến chứng vào viêm phổi do cúm mùa.

Những ngày này, cả gia đình chị quay cuồng con lớn sốt, con nhỏ cúm mùa biến chứng. Bản thân vợ chồng chị cũng bị sốt vi rút.

Thời tiết "ẩm ương", cẩn trọng với cúm, sốt vi rút - 1

Trường hợp như gia đình chị Bích không phải hiếm do thời tiết mùa đông xuân ẩm mốc, mưa nắng thất thường nên trẻ ốm nhiều hơn.

Chị Thu Hà, Hoàng Văn Thái, Hà Nội than thở vừa chăm sóc con ốm do sốt vi rút được 2 ngày thì chị cũng bị ốm phải đi bệnh viện khám. May chỉ là sốt vi rút nhưng chị xin nghỉ ở nhà để không lây cho người khác.

Hay như bé Nguyễn Minh Vũ 4 tuổi, con chị Hoàng Thu Hương trú tại Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội sau 1 tuần hắt hơi, chảy nước mũi. Chị Hương mua thuốc ở nhà thuốc cho con uống không khỏi thì hai hôm nay bé chuyển sang sốt, ngủ li bì. Chị Hương cho con đến bác sĩ, bác sĩ chẩn đoán bé viêm hô hấp trên nếu không điều trị kịp thời có thể gây viêm phổi.

PGS TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết những ngày này trẻ bị ốm tăng lên do sốt vi rút, viêm mũi họng, viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi. Đặc biệt là trẻ bị sốt vi rút.

Thời tiết "ẩm ương", cẩn trọng với cúm, sốt vi rút - 2

Những dấu hiệu trẻ bị ốm cần nhận biết rõ để điều trị kịp thời 

Dấu hiệu trẻ bị sốt virus thường là sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, đi kèm một số dấu hiệu khác như:

Đau cơ bắp: Khi sốt virus, một số trẻ bị đau nhức khắp mình mẩy, cơ bắp; ở trẻ nhỏ thì hay quấy khóc, đau đầu; tuy nhiên, một số trường hợp bé bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, chơi nghịch được. Ở một số bé thường bị nổi ban sau 2 - 3 ngày bị sốt (khi xuất hiện ban thì bé đỡ sốt hơn). Kèm theo các dấu hiệu khác như trẻ bị chảy nước mắt, kết mạc mắt có thể đỏ, có dử mắt,... khiến khi nhìn mọi vật bị mờ đi.

Một số trẻ nhỏ bị sốt cao còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở. Những trường hợp này trẻ cần được theo dõi sát sao và cho uống hạ sốt theo chỉ định có thể sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol cho trẻ uống theo giờ 4 tiếng một lần. Cho trẻ ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hoá.

Với sốt vi rút nếu điều trị hạ sốt thì khoảng 4 – 5 ngày trẻ sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn có biến chứng đặc biệt là biến chứng viêm phổi. Đây là biến chứng nặng thường gặp, có thể bùng phát thành dịch với diễn biến phức tạp và nguy hiểm.

Biến chứng viêm tiểu phế quản: Hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, đây cũng là biến chứng rất nặng có thể xảy ra với trẻ nhỏ. Viêm thanh quản khiến trẻ khó thở, thở rít.

Ngoài ra, nếu trẻ hết sốt nhưng vẫn không chịu chơi, li bì, thở gấp thì cha mẹ cần cho con đi kiểm tra có thể biến chứng viêm cơ tim…

Cẩn trọng cúm mùa

TS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết mùa đông xuân này cúm mùa cũng không thể xem thường. Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên.

Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

TS Lâm cho biết ở trẻ em hoặc người lớn, khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh), các triệu chứng ban đầu có thế là:

– Những cơn sốt bắt đầu xuất hiện

– Có cảm giác ớn lạnh

– Nhức đầu

– Đau nhức cơ bắp

– Chóng mặt

– Ăn không ngon

– Mệt mỏi

– Ho

– Đau họng

– Chảy nước mũi

– Buồn nôn

– Cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực

– Đau tai

– Có thế xuất hiện triệu chứng tiêu chảy

Khi có dấu hiệu biểu hiện của cúm cần cho trẻ đến cơ sở y tế bởi vì cúm có thể gây biến chứng nguy hiểm. Việc điều trị phải sử dụng thuốc kháng vi rút. Để phòng bệnh không nên cho trẻ đến những nơi đông người, quản lý việc khạc nhổ, vệ sinh tay chân sạch sẽ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN