Thổi bay bệnh “nóng trong” ở mùa hè

Mùa hè oi bức, nhiều người thường thấy cơ thể mệt mỏi, khó chịu… thậm chí có cảm giác “bốc hỏa” trong người. Theo tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng, uống nước đầy đủ kết hợp ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế đồ chiên xào dầu mỡ và các loại nước ngọt có gas, các chất kích thích như rượu, cafe… là những biện pháp hữu hiệu giúp thổi bay tình trạng trên.

Thổi bay bệnh “nóng trong” ở mùa hè - 1

Các chuyên gia khuyến cáo, để hạn chế bị “nóng trong” nên uống nhiều nước, tích cực ăn nhiều rau xanh và trái cây. Ảnh: Chí Cường

Nói “không” với đồ nóng

Vào hè, chị Nguyễn Ngọc Dung (ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) thường thấy trong người bứt rứt, khó chịu, ăn uống không ngon miệng, thường xuyên mất ngủ về đêm khiến chị luôn trong trạng thái mệt mỏi, dễ cáu gắt. Chị Dung cho biết: “Tôi vốn không chịu được nóng, nên rất dễ “bốc hỏa”. Bạn bè khuyên nên uống nhiều nước và tích cực ăn rau xanh, trái cây. Tôi đang áp dụng và hi vọng sẽ giảm được tình trạng thường xuyên bị nóng bức trong người”.

Chia sẻ về việc ăn uống hợp lý trong mùa hè, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết: Chế độ dinh dưỡng có vai trò đặc biệt trong bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Do đó, mỗi người nên có một chế độ ăn uống điều độ hàng ngày, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, tức là cân đối giữa các nhóm thực phẩm sinh năng lượng, là chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu...), chất béo (dầu mỡ), chất bột đường (cơm, gạo, bún, phở...) và các vi chất (sắt, iốt, kẽm, vitamin).

Đặc biệt, trong những ngày hè nắng nóng, chế độ dinh dưỡng cần có sự điều chỉnh theo hướng tăng nhóm thực phẩm giàu tính mát, đồng thời giảm những nhóm đồ ăn mang nhiều tính nhiệt, tính nóng. Chẳng hạn, với những người bị “nóng trong” với các biểu hiện như: Hay khát nước, lòng bàn tay, bàn chân nóng, táo bón, đi tiểu vàng, nhức đầu, mất ngủ, dễ bị rôm sảy, mụn nhọt… thì không nên ăn nhiều thức ăn nhanh, thức ăn dạng chiên xào vì có nhiều năng lượng, nhiều chất béo sẽ gây ra béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp. Đồng thời, không nên ăn mặn, ăn nhiều đường, hạn chế uống nhiều các loại nước có gas, rượu, cafe…

Ngoài ra, vào mùa nắng nóng, không nên dùng (hoặc hạn chế dùng) các loại trái cây thuộc nhóm dương tính, có tính nóng, ấm, vị ngọt đậm, nhiều đường như: Nhãn, xoài chín, mít, na, vải, sầu riêng, hoặc các trái cây khô. Trẻ nhỏ nếu ăn nhiều trái cây quá ngọt sẽ dễ bị rôm sảy, mụn nhọt, đau mắt đỏ, lở miệng.

Theo BS Ngọc Diệp, với các loại đồ uống trong mùa hè cũng cần phải lưu ý. “Hầu hết những người trẻ thích các loại nước uống có gas vì dễ mua, dễ uống và tiện dụng. Phần lớn, chúng ta sau khi uống nước có gas thường có cảm giác sảng khoái, thậm chí khỏe hơn là do trong các loại thức uống có gas có nhiều đường, hấp thu nhanh làm tăng đường huyết, có một số chất kích thích thần kinh trung ương như cafein làm cơ thể tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng nước ngọt có gas sẽ không tốt cho sức khỏe người dùng”, BS Ngọc Diệp khuyến cáo.

Những thực phẩm “vàng” giải nhiệt mùa hè

Theo Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM, để làm giảm cảm giác “nóng trong”, bên cạnh việc hạn chế các thực phẩm có tính nóng, cần tăng cường các loại thức ăn có tính mát, giúp giải nhiệt cho cơ thể. Trong đó, nhiều loại rau xanh có tính mát như rau đắng, rau má, rau diếp, rau đay, súp lơ, rau dền... là những thực phẩm nên dùng trong thời tiết nắng nóng. Các loại rau này vừa giúp giải nhiệt, vừa cung cấp cho cơ thể nhiều dưỡng chất quan trọng như protein, các vitamin bảo vệ cơ thể, các chất khoáng vi lượng. Đặc biệt, chất xơ trong rau xanh giúp chữa và phòng ngừa táo bón, phòng ngừa tăng lipid máu dẫn đến xơ vữa động mạch, cao huyết áp, béo phì.

Bên cạnh đó, các loại nước uống làm từ đậu xanh, đậu đen, ngó sen, bơ, sắn dây, đậu ván trắng… cũng được coi là thực phẩm bổ dưỡng giúp cơ thể hạ nhiệt. “Sắn dây có vị ngọt, tính mát, tác dụng giải độc, giãn cơ, thông đại tiểu tiện. Thường dùng trong các trường hợp khát nước, cơ thể nóng nực, nôn mửa, mụn nhọt, cảm sốt, nhức đầu, phòng ngừa các loại rôm sảy phát sinh do thời tiết nóng bức. Có thể dùng củ sắn dây tươi, gọt bỏ vỏ ngoài, rửa thật sạch rồi giã nát, vắt lấy nước, hấp chín để uống, hoặc dùng bột sắn dây hòa với nước sôi, uống giải nhiệt ngày hè”, Lương y Đinh Công Bảy phân tích.

Lương y Đinh Công Bảy cho biết thêm, trong các loại trái cây có tính mát, thanh long được xem là loại quả có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Thanh long có vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải khát, làm giảm ho do nhiệt. Đặc biệt, chất nhầy trong quả thanh long giúp làm giảm cholesterol của thức ăn. Do đó, người béo phì, người có hàm lượng cholesterol cao, huyết áp tăng nên ăn thanh long, nhất là trong thời tiết nóng bức. Tuy nhiên, không nên lạm dụng sử dụng thường xuyên những thực phẩm có tính hàn trên mà phải sử dụng luân phiên, không nên sử dụng một loại cho nhiều ngày. Những người có tình trạng lạnh bụng, thường đi tiêu lỏng nên thận trọng khi dùng những loại cây cỏ có tính mát, tính hàn, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, nên hạn chế ăn thịt, tăng cường ăn nghêu, sò, ốc, hến, tôm nước ngọt, cá lóc, cua đồng, cua biển… Đặc biệt, với những người bị “nóng trong”, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nên ăn thịt vịt vì thịt vịt có tính lạnh, giúp “hạ nhiệt” trong cơ thể. Đồng thời, thịt vịt cung cấp hàm lượng protein cao và có khả năng hỗ trợ ngăn ngừa một số bệnh lý.

Bên cạnh việc ăn uống điều độ, ưu tiên các loại thực phẩm có tính mát, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, uống nhiều nước, tập luyện thể thao, ngủ đủ giấc, giảm bớt các hoạt động tĩnh (lướt web, xem tivi, chơi game,...), giữ tinh thần luôn thoải mái, không bị căng thẳng cũng là phương pháp hạn chế tình trạng cơ thể bị mệt mỏi, khó chịu. Trong đó, thường xuyên đi bơi là một trong những biện pháp vừa nâng cao sức khỏe, vừa giúp giải nhiệt hiệu quả trong mùa hè.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM khuyến cáo, trong mùa hè, nhiệt độ, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Đây chính là nguồn gây các bệnh như tiêu chảy cấp, thương hàn, viêm gan, dịch tả... Do đó, cần thận trọng khi sử dụng các loại đồ ăn, thức uống giải nhiệt bày bán tràn lan ngoài vỉa hè. Các thức ăn này nếu được chế biến từ các thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo vệ sinh, hoặc sử dụng quá hàm lượng phụ gia cho phép sẽ dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc mạn tính cho người sử dụng. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất nên chọn các quán ăn sạch sẽ có uy tín, thực phẩm đảm bảo vệ sinh và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Thùy (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN