Thai phụ rước họa vì tự làm bác sĩ

Phụ nữ mang thai cần thận trọng với cả các loại thuốc không cần kê đơn, thuốc bổ, thực phẩm chức năng…, đặc biệt là trong 12 tuần đầu mang thai.

Tại đơn vị kế hoạch hóa gia đình của một bệnh viện (BV) phụ sản, chị Ng.T.T.L chia sẻ: “Tôi đang “kế hoạch” bằng thuốc tránh thai nhưng dạo này công việc bề bộn quá, quên vài lần. Rồi cách đây mấy tuần bị đau bao tử nặng, uống mấy thứ kháng sinh... Đến khi biết được có thai thì em bé đã 5 tuần tuổi. Nghe nói mấy loại thuốc chống chỉ định cho thai phụ này nếu lỡ uống thì con sinh ra sẽ dị dạng nên tôi đành bàn với chồng đi bỏ thai” - chị L. ngậm ngùi.

Thuốc bổ cũng phải dè chừng

Bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, cho biết ông cũng gặp khá nhiều trường hợp tương tự. Người phụ nữ không nghĩ mình có thai vì chỉ sơ suất “vỡ kế hoạch” hoặc vừa mới có thai và chưa kịp biết, vô tình bị bệnh và “lỡ” phải uống một số thuốc điều trị thuộc nhóm có ảnh hưởng đến thai nhi.

Trong khi đó, 12 tuần đầu thai kỳ lại là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm, khi thai mới hình thành, phát triển và dần hoàn thiện các cơ quan, em bé mong manh và dễ bị tác động bởi các yếu tố lý hóa (sang chấn, thức ăn, dược phẩm…). Một số thai phụ khác thì biết mình mang thai nhưng thiếu kiến thức, tự ý đi mua thuốc về dùng hoặc đi khám BS mà không thông báo tình trạng có thai, trong khi BS khó lòng đoán biết phụ nữ đó đang có thai với cái bụng vẫn phẳng lì của vài tháng đầu thai kỳ! Và kết cục xấu nhất của sự “lỡ” này là nhiều thai phụ phải ngậm ngùi bỏ thai.

Thai phụ rước họa vì tự làm bác sĩ - 1

Tư vấn cho một thai phụ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM

TS-BS Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng Khoa Sản A - BV Từ Dũ, cho rằng việc “tự làm BS” là một suy nghĩ sai lầm. “Bất kỳ loại thuốc men, hóa chất gì, ngay cả thuốc bổ, thai phụ cũng nên sử dụng theo chỉ định của BS. Với thực phẩm chức năng thì càng nên thận trọng bởi ranh giới thuốc - thực phẩm chức năng rất mong manh. Có nhiều loại trước đây người ta cho là thuốc nhưng sau này lại nằm trong nhóm thực phẩm chức năng, như MamaNatal chẳng hạn. Vì vậy, nếu có ý định sử dụng thuốc bổ, thực phẩm chức năng cũng phải tham khảo ý kiến BS” - TS-BS Hà nhấn mạnh.

BS Thông lưu ý thêm: Dù chỉ bị cảm, sốt thông thường thì cũng phải nên dè dặt với thuốc. Một số thuốc thuộc nhóm giảm đau, kháng dị ứng, chống co thắt… có thể ảnh hưởng đến thai, trong đó có nhiều loại thuộc nhóm bán không cần kê toa. Và nên hiểu “không cần toa” chỉ nên áp dụng với người bình thường, không mang thai. Các bài thuốc Bắc, thuốc Nam cũng cần có ý kiến của thầy thuốc chuyên ngành, không nên tự ý sử dụng những loại không rõ nguồn gốc, thành phần, công dụng. Thuốc bổ, viên đa sinh tố, vitamin… để bổ sung trong thai kỳ cần được BS cho với hàm lượng, thành phần… phù hợp với từng bà bầu, nếu không sẽ lợi bất cập hại.

Xử trí: Không nên vội vàng

Theo BS-TS Hà, một số thai phụ khi biết mình dùng một loại thuốc không tốt cho thai, sợ con sinh ra bị dị tật nên vội vàng đi phá thai, điều đó cũng không nên. “Một số nhóm thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thai nhưng chưa có bằng chứng khẳng định chắc chắn gây bất thường thì rất nên cân nhắc vì việc phá thai không tốt cho tâm lý sản phụ, cũng như có thể ảnh hưởng đến tương lai sản khoa” - TS-BS Hà cho biết.

BS Thông khuyến cáo: Sau 12 tuần đầu, tác dụng của thuốc đến thai thường ít trầm trọng hơn nhưng không có nghĩa là an toàn cho nên vẫn phải tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc men khi mang thai. Trong trường hợp lỡ uống thuốc thuộc những nhóm không tốt cho thai kỳ, thai phụ cũng nên tìm đến BS để được tư vấn thêm, chứ không hẳn trường hợp nào cũng cần phải phá thai. Bên cạnh đó, nếu giữ thai thì cần thường xuyên thăm khám, tầm soát để kịp thời phát hiện những bất thường.

Theo TS-BS Hà, với các thai phụ bị một số bệnh mãn tính như thiếu máu, đái tháo đường, cường giáp, cao huyết áp…, cần phải khám và điều trị ổn định trước khi mang thai; đặc biệt phải tiêm ngừa một số bệnh như Rubella, viêm gan siêu vi B, thủy đậu.

Lưu ý hướng dẫn sử dụng thuốc

Theo TS-BS Lê Thị Thu Hà, thai phụ nên lưu ý những ghi chú trên bao bì và tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc để biết được mức độ ảnh hưởng đến thai của thuốc. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), thuốc thường được phân loại theo các nhóm: A - đã có bằng chứng tin cậy rằng không tăng nguy cơ gây bất thường thai; B - nghiên cứu trên động vật cho thấy không có hại cho thai nhưng chưa có bằng chứng tin cậy ở người; C - nghiên cứu trên động vật cho thấy có tác dụng phụ hoặc chưa nghiên cứu trên động vật nhưng cũng chưa có bằng chứng đáng tin cậy về tác hại ở phụ nữ có thai; D - đã có một số nghiên cứu quan sát cho thấy có nguy cơ cho thai nhưng được chỉ định khi thầy thuốc cân nhắc lợi ích cho thai phụ lớn hơn nguy cơ cho thai; X - đã có nghiên cứu đáng tin cậy cho thấy rằng thuốc có gây bất thường có thai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo ANH THƯ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN