Tại sao nhiều người lúc nào cũng uể oải, mệt mỏi dù ngủ đủ giấc?
Rất nhiều người lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi dù ngủ đủ giấc.
Lý giải tình trạng này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến người lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi dù ngủ đủ giấc.
Bác sĩ Cấp cho biết, sau ốm, do dùng thuốc, trầm cảm, suy nhược thần kinh, hoặc sau đợt lao động thể lực kéo dài. Ngoài ra, một số bệnh nhân có hội chứng mệt mỏi mạn tính vô căn (không rõ nguyên nhân).
Dù ngủ đủ giấc nhưng nhiều người vẫn thấy mệt mỏi.
1. Sau ốm
Đối với người sau ốm, sau khi phẫu thuật, tai nạn, sinh con hay sau những biến cố gia đình… luôn ở trạng thái mất cân bằng và sau một thời gian ngắn cơ thể trở nên suy nhược nếu không biết cách điều chỉnh.
2. Trầm cảm
Stress sẽ làm cho cơ thể bạn sản xuất ra các chất gây căng thẳng thần kinh, ảnh hưởng tiêu cực hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, thần kinh, cơ xương và lâu ngày bạn sẽ bị suy nhược cơ thể.
Đôi khi trầm cảm hoặc căng thẳng chúng ta không nhận ra mà chỉ thấy được những dấu hiệu của nó như cảm giác mỏi mệt, thiếu cảm hứng và không có động lực.
3. Suy nhược thần kinh
Suy nhược thần kinh do ăn uống không khoa học, ăn thiếu chất, làm việc quá nhiều, quá sức hay rối loạn tâm lý khiến cho bạn mệt mỏi, giờ giấc ăn uống bị đảo lộn, ngủ không đủ giấc, đầu óc căng thẳng, mất sức và lâu ngày bạn sẽ bị suy nhược cơ thể.
4. Rối loạn tâm lý
Dẫn đến biếng ăn, mất ngủ, mệt mỏi, dễ cáu gắt, lo âu, công việc và học tập giảm sút… Nặng hơn, một số trường hợp còn có các biểu hiện như nói năng lung tung, khóc cười vô cớ, dễ hoảng sợ, ngại tiếp xúc với người khác, lâu dần dẫn đến cơ thể bị suy nhược.
5. Dùng thuốc
Người mắc các bệnh mạn tính thường không kiểm soát được sức khỏe của mình, tinh thần luôn lo lắng, ăn uống không ngon miệng kết hợp với tác dụng phụ của thuốc điều trị dẫn đến cơ thể mệt mỏi.
Để khắc phục tình trạng mệt mỏi dù ngủ đủ giấc, bác sĩ Cấp khuyến cáo mọi người có lối sống lành mạnh song song với chế độ ăn uống cân bằng, khoa học và cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết.
Thực đơn ăn uống cần đảm bảo 4 thành phần: chất đạm, chất béo, tinh bột, đường và vitamin, hạn chế lao động quá sức, làm việc vừa phải, tránh lao lực. Mỗi ngày nên cố gắng dành khoảng 30 phút để ngủ trưa và ít nhất 7 đến 8 tiếng cho giấc ngủ ban đêm, để cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi sau 1 ngày mệt mỏi, luôn giành thời gian để nghỉ ngơi đến khi cơ thể hồi phục hoàn toàn.
Ngoài ra, mọi người cố gắng tập thể dục đều đặn, nên duy trì hoạt động này thường xuyên và không nên cố tập quá lâu hoặc quá sức.
Ai cũng biết, uống cà phê, trà trước khi ngủ sẽ gây cảm giác trằn trọc, thao thức nhưng còn rất nhiều lý do bất ngờ...