Số người mắc sốt xuất huyết tăng nhanh: Những dấu hiệu nào đe dọa tính mạng?

Trong 3 ngày đầu tiên bệnh nhân sốt cao, đau đầu, đau mỏi người... giống như các sốt virus thông thường khác.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đến nay 12 tỉnh, thành phố gồm: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, TP.Hồ Chí Minh và TP Hà Nội liên tục ghi nhận số mắc sốt xuất huyết hàng tuần.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính tới đầu tháng 7, toàn thành phố có 634 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện. (Ảnh minh họa).

Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện. (Ảnh minh họa).

BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, các dấu hiệu của sốt xuất huyết thường là sốt cao liên tục từ 2 – 4 ngày; có biểu hiện xuất huyết như chấm hoặc mảng xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, tiêu phân đen.

Các dấu hiệu nguy hiểm bao gồm: Chảy máu, xuất hiện các chấm hay đốm màu đỏ trên da, chảy máu mũi, lợi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo, nôn liên tục; Đau bụng dữ dội; Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm; Khó thở…

Một số có biểu hiện truỵ tim mạch xảy ra từ ngày thứ 4 đến hết ngày thứ 6 của bệnh khi người bệnh đã hết sốt và có biểu hiện li bì hoặc bứt rứt, đau bụng; tay chân lạnh, vã mồ hôi, mạch nhanh nhẹ, khó bắt; tụt huyết áp hoặc huyết áp không đo được.

Giai đoạn phát triển của bệnh sốt xuất huyết:

Trong 3 ngày đầu tiên bệnh nhân sốt cao, đau đầu, đau mỏi người... giống như các sốt virus thông thường khác.

Từ cuối ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7, bệnh nhân lui sốt nhưng có thể xuất hiện các biến chứng như: hạ tiểu cầu máu ngoại biên và tăng tính thấm thành mạch gây cô đặc máu. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện như các chấm nốt xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc xét nghiệm thấy tiểu cầu trong máu hạ, máu bị cô đặc.

Từ ngày thứ 7 trở đi, các rối loạn này sẽ tự hồi phục dần. Tuy nhiên, người bệnh sẽ còn cảm giác mệt mỏi trong 1 đến 2 tuần tiếp theo.

Khi người bệnh có biểu hiện sốt trước tiên nên đi khám để xác định nguyên nhân do sốt xuất huyết hay nguyên nhân khác để được xử lý theo đúng căn nguyên gây bệnh.

Các ca bệnh sốt xuất huyết đa phần là nhẹ, nhưng luôn luôn có tỉ lệ nhất định các bệnh nhân có diễn biến rất nặng. Ngoài ra, những ca có tình trạng cảnh báo nặng mà không được xử trí kịp thời do bệnh nhân đến muộn thì cũng có nguy cơ diễn biến nặng.

Cũng theo BS Cấp, các biến chứng nặng sẽ xuất hiện chủ yếu trong giai đoạn từ ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh. Và trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể đã lui sốt nên đôi khi người bệnh chủ quan cho rằng bệnh đã khỏi.

Đến nay chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết. Chủ yếu điều trị bằng cách bù nước, giải nhiệt, hạ sốt, truyền dịch và điều trị co giật khi cần thiết.

Bác sĩ khuyến cáo không sử dụng thuốc kháng sinh, tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng cách bổ sung các loại thực phẩm đa dạng, đặc biệt là những trái cây giàu vitamin C, không tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà vì có thể làm bệnh nặng thêm.

Hiện nay, một số người thường ngộ nhận rằng bệnh sốt xuất chỉ xảy ra ở trẻ tuổi đi học, người lớn. Tuy nhiên, theo chuyên gia, trẻ sơ sinh đến người lớn, đều có thể bị sốt xuất huyết.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết

Hiện nay, thời tiết miền Bắc đang vào mùa hè, nắng nóng và mưa nhiều sẽ là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN