Sợ khám sức khỏe trước khi kết hôn: Cổ hủ

Nhiều đôi bạn trẻ trước khi kết hôn không đủ can đảm đi khám sức khỏe vì sợ nhiều cái… nhỡ. Tuy nhiên, quan niệm sợ sệt này là rất cổ hủ.

“Nhỡ anh ấy bỏ tôi thì sao?”

Nhiều bạn gái đã khóc sướt mướt khi chồng tương lai đưa ra đề nghị cả hai cùng đi khám sức khỏe trước khi đi đến kết hôn. L. bạn gái Phong là một trong những cô gái như vậy.
 
Cô ấy cho rằng vì Phong không tin tưởng mình, và nhỡ sau khi khám sức khoẻ L. có vấn đề bệnh tật gì ảnh hưởng đến việc sinh nở sau này thì Phong sẽ bỏ cô thì sao?

Băn khoăn này không chỉ đến từ phía các bạn nữ mà còn có ở cả các bạn trai. Mặc dù N. có một thân hình cao to lực lưỡng, hình thức khá điển trai nhưng cậu lại luôn thiếu tự tin về kích thước “cậu nhỏ” của mình. Từ nhỏ đến giờ cậu chưa đi khám sức khỏe bao giờ cả,  chính vì thế N. cứ băn khoăn liệu kích thước “cậu nhỏ” khiêm tốn như vậy có mang lại hạnh phúc cho người mình yêu không, có ảnh hưởng gì đến chuyện có con sau này.

Hiện rất nhiều đôi vợ chồng trẻ mới cưới đã trục trặc chuyện “phòng the”. Họ vô tình mắc phải một loại bệnh tại cơ quan sinh dục mà không biết, cũng có thể dẫn đến nghi kỵ lẫn nhau.

Chị Hương và anh Bình đã lấy nhau một thời gian dài mà không thể có con. Cả hai anh chị đi khám bác sỹ thì hóa ra do chị Hương bị nhiễm Chlmaydia.

Sợ khám sức khỏe trước khi kết hôn: Cổ hủ - 1

Nhiều phụ nữ bị vô sinh do nhiễm Chlmaydia. (Ảnh minh họa)

Theo các bác sỹ chuyên khoa chỉ có một số ít phụ nữ khi nhiễm Chlmaydia có tiết dịch âm đạo bất thường, tiểu buốt hoặc đau bụng dưới, còn đa số không có biểu hiện gì. Chính vì thế chị Hương không biết mình bị bệnh, không điều trị nên đến lúc phát hiện thì đã bị tắc ống dẫn trứng.

Anh Bình thấy vợ có bệnh phụ khoa thì lại nghi ngờ chị, cho rằng chắc trước đây chị “chơi bời” nhiều quá, bỏ mặc chị thật tội nghiệp. Chị một mình vượt qua sự buồn tủi này tự đi chữa trị bệnh. Sau khi chữa lành chị đã sung sướng được làm mẹ khi kết hôn với một người đàn ông khác. Chị chỉ tiếc giá mình đi khám sức khoẻ trước khi kết hôn thì có lẽ đã không đổ vỡ một lần.

Theo các bác sỹ, tuy quan hệ tình dục không an toàn thường dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: giang mai, lậu và chlamydia, mụn rộp sinh dục, virus papilloma, trùng roi (trichomonas) … nhưng cũng có rất nhiều người vô tình mắc phải bệnh ở cơ quan sinh sản do một đường lây khác, hoặc do thói quen vệ sinh không đúng cách.   

Sợ khám sức khỏe trước khi kết hôn: Cổ hủ - 2

Quan hệ tình dục không an toàn thường dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ảnh minh họa

Sợ khám sức khỏe trước khi kết hôn là cổ hủ

Không chỉ các bệnh nam khoa hay phụ khoa, hiện nhiều loại bệnh truyền nhiễm rất dễ mắc phải như viêm gan siêu vi B, lao, tim mạch, huyết áp  hay tiền sử một bệnh di truyền nào mà nhiều bạn trẻ chưa phát hiện ra, chỉ đến sau khi đã kết hôn, mang thai mới đi khám thì không may đã sinh ra đứa trẻ thiếu khoẻ mạnh. Điều này rất đáng tiếc, trong khi chúng ta có thể điều trị chữa khỏi trước khi quyết định kết hôn và sinh con.
 
Bác sỹ Phạm Thị Ánh Tuyết, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) chia sẻ, việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản, khám bệnh phụ khoa, nam khoa định kỳ là rất cần thiết, kể cả với những bạn trẻ chưa lập gia đình.Ở nước ngoài đây là một việc làm thường quy nhưng ở Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến. Quan niệm thái độ lo sợ phải khám sức khoẻ trước khi kết hôn của các bạn trẻ trước khi kết hôn là một quan niệm cổ hủ.

Các bạn trẻ cần chủ động chuẩn bị hành trang kiến thức về sức khoẻ, về an toàn tình dục trước khi kết hôn và quyết định sinh con. Nếu có bệnh thì chữa lành kịp thời trước khi kết hôn. Có như vậy mới mong có được một đời sống hôn nhân hạnh phúc, sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây vô sinh và lây sang con

Trùng roi (trichomonas):

Khi nhiễm loại ký sinh trùng này, nam giới thường không có triệu chứng, chỉ một số ít người thấy dương vật tiết mủ, tiểu buốt. Bệnh ở nam giới thường tự hết mà không cần chữa trị, nhưng cũng có một số trường hợp trùng roi lan truyền sang tuyến tiền liệt, thậm chí gây vô sinh.

Đa số phụ nữ khi nhiễm trùng roi thì dịch âm đạo ra nhiều, màu vàng xanh, hôi, ngứa âm đạo, một số người còn đau khi tiểu tiện, giao hợp. Cũng có người mang trùng roi mà không có triệu chứng gì. Phụ nữ mang thai nhiễm trùng roi dễ đẻ non hoặc đẻ con thiếu cân.

Lậu và chlmaydia:

Thường nhiễm vào cổ tử cung phụ nữ và đường tiết niệu nam giới, ngoài ra cũng có thể có ở trực tràng (bên trong hậu môn) và cổ họng. Đa số nam giới nhiễm các bệnh này đều có hiện tượng ra mủ ở dương vật, tiểu buốt. Nữ giới chỉ có một số ít phụ nữ tiết dịch âm đạo bất thường, tiểu buốt hoặc đau bụng dưới, còn đa số không có biểu hiện gì nên không biết mình bị bệnh.

Cả hai bệnh đều có thể gây ra những hậu quả tai ác. Nữ giới nhiều người vì không biết, không điều trị mà bị viêm phần phụ, đến lúc phát hiện thì đã bị tắc ống dẫn trứng, chửa ngoài tử cung.

Nếu đang mang thai mà nhiễm các bệnh này có thể lây sang bé khi bạn sinh. Cả hai bệnh đều có thể làm cho bé bị đau mắt, mù mắt nếu không điều trị kịp thời. Chlmaydia còn có thể làm cho bé bị viêm phổi. Nam giới bị một trong hai bệnh này nếu không điều trị sớm thì có thể viêm ống dẫn tinh và mào tinh, có khi dẫn đến vô sinh.

Giang mai: 

Là bệnh lây qua đường tình dục nguy hiểm. Ngoài đường lây chính là đường tình dục, giang mai còn có thể lây từ mẹ sang con trong khi mang thai và sinh nở, có thể dẫn đến thai chết lưu, trẻ bị dị tật bẩm sinh hoặc chết sau khi đẻ.

Mụn rộp sinh dục:

Đây là bệnh do virus Herpes gây ra. Herpes có nhiều chủng, gây bệnh ở nhiều nơi trên cơ thể, như trên môi, trong miệng, ở các khe. Riêng chủng HSV-2 thường nhiễm vào cơ quan sinh dục.

Đa số người nhiễm không có biểu hiện gì, chỉ một số bệnh nhân có triệu chứng. Triệu chứng khi mới nhiễm là sốt, đau đầu, mệt mỏi, tiểu đau, âm đạo hay đường tiết niệu tiết dịch nhiều, sưng hạch ở háng, cơ quan sinh dục và hậu môn nổi lên các nốt mụn rộp, rất ngứa và rát.

Sau đó, các triệu chứng tự mất đi, các nốt mụn tự lành, nhưng virus còn tồn tại trong cơ thể bạn suốt đời. Thỉnh thoảng, bạn lên mụn rộp, sau đó lành, rồi một thời gian lại xuất hiện mụn mới.

Khi bạn làm việc quá căng thẳng, suy nghĩ nhiều, ốm đau, virus có thể bị kích thích mà tái hoạt động, làm phát sinh các mụn rộp. Virus ở cơ thể bạn có thể lây sang người khác khi bạn đang có mụn và trong thời gian một, hai ngày trước và sau khi có mụn.

Ở nam giới, bệnh này chỉ khó chịu chứ không gây tác hại lớn. Nhưng ở nữ giới, bệnh có thể truyền cho con khi bạn mang thai, sinh đẻ, có thể gây đẻ non. Đứa trẻ sinh ra sẽ yếu hoặc nhiễm bệnh nặng nguy hiểm đến tính mạng, bị các dị tật thần kinh bẩm sinh.

Virus papilloma:

Đây là một loại virus thường gặp. Một số chủng papilloma gây mụn cơm ở tay, chân, một số chủng khác lây qua đường tình dục. Nhiều người nhiễm mà không có biểu hiện gì, nhưng cũng có nhiều người (cả nam và nữ) phát bệnh sùi mào gà. Khoảng 1-6 tháng sau khi nhiễm virus, ở cơ quan sinh dục xuất hiện các nốt sùi, nếu lớn thì trông như mào gà.

Phụ nữ mang thai nếu có sùi trong âm đạo thì việc sinh nở có thể rất khó khăn vì các nốt sùi cản đường ra của bé, đồng thời bé có thể nhiễm virus của bạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Minh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN