“Sao cứ bắt buộc toàn dân tham gia bảo hiểm y tế"?

“Sao có thể cứ bắt buộc toàn dân phải tham gia bảo hiểm y tế trong khi công tác này còn nhiều bất cập lớn...”

Không còn “lựa chọn ngược”

Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận về dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đa số Đại biểu tán thành với quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) cho rằng, việc quy định không bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế như hiện nay tạo nên sự “lựa chọn ngược”.

Nhiều nhóm đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao, kinh tế ổn định nhưng không tham gia bảo hiểm y tế. Thay vào đó, người có nguy cơ mắc bệnh cao hoặc đã mắc bệnh nặng, hiểm nghèo phải chữa trị dài hạn mới tham gia.

“Thực tế cho thấy, nhiều người khi phát hiện mắc bệnh nặng, hiểm nghèo, muốn tham gia bảo hiểm y tế nhưng không được nữa. Dẫn đến nhiều gia đình không đủ khả năng tài chính phải chữa trị cầm chừng, thậm chí vì hoàn cảnh gia đình mà họ phải buông xuôi với bệnh tật”, ĐB nói.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cũng đồng tình với quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định chặt chẽ hơn để xử lý trường hợp trốn tránh trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế.

Ví dụ người không tham gia bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập phải thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo giá dịch vụ, tính đủ cho các chi phí cần thiết không phải theo giá vẫn còn bao cấp hiện nay.

“Sao cứ bắt buộc toàn dân tham gia bảo hiểm y tế"? - 1

ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông)

Bên cạnh đó cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục mua bảo hiểm y tế như các loại hình bảo hiểm thương mại khác, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế...

Theo Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), quy định bảo hiểm y tế là hình thức bắt buộc nhằm đề cao tính pháp lý, trách nhiệm của mọi người dân tham gia bảo hiểm y tế, thể hiện sự quan tâm bảo vệ cộng đồng.

Tuy nhiên để được tăng số lượng người dân tham gia bảo hiểm y tế, nhà nước cần có những chính sách, biện pháp cụ thể như vừa đề cao trách nhiệm công dân, vừa giúp đỡ hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Luật sẽ có những chế tài đủ mạnh cho những tổ chức doanh nghiệp có điều kiện kinh tế không tham gia bảo hiểm y tế cho người lao động.

“Chẳng ai muốn vượt tuyến, trái tuyến làm gì”

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) bày tỏ sự đồng tình với quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế, nhưng băn khoăn về tính khả thi, thuyết phục của quy định.

“Sao có thể cứ bắt buộc toàn dân phải tham gia bảo hiểm y tế trong khi công tác này còn nhiều bất cập lớn, chưa đưa ra được giải quyết có tính chiến lược, dứt điểm để tạo điều kiện tiền đề cho bảo hiểm y tế toàn dân”, Đại biểu nói.

Theo bà, số đông người bệnh khi phải đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến vì nhiều lý do, trong đó có lý do chính đáng như chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong khi đó, dự án luật sửa đổi vẫn giữ quy định với các trường hợp không phải cấp cứu thì sẽ “theo tuyến chuyên môn kỹ thuật y tế từ thấp đến cao”.

Đại biểu nói: “Khi chất lượng của việc khám, chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới đáp ứng được yêu cầu chẳng ai muốn vượt tuyến, trái tuyến làm gì, trừ khi bệnh viện chuyển tuyến”.

Theo Đại biểu, cần khắc phục tnhững bất cập về chất lượng khám, chữa bệnh quá tải ở các bệnh viện tuyến trên trước khi bắt buộc mọi người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) nhất trí với quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế. Song để đảm bảo tính khả thi, Đại biểu đề nghị nhà nước cần chuẩn bị nguồn lực như con người, ngân sách để đảm bảo đóng đúng, đủ, kịp thời bảo hiểm y tế cho các đối tượng được nhà nước hỗ trợ và do ngân sách nhà nước đóng.

Đồng thời, hạn chế tối đa các thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho người dân khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Nâng cao y đức, trình độ chuyên môn và chất lượng khám, chữa bệnh của đội ngũ y, bác sỹ, không để xảy ra tình trạng bức xúc của người dân khi đi khám, chữa bệnh như trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) cho rằng, ngành y tế đã có rất nhiều giải pháp cố gắng trong việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp và y đức. Nhưng vì tồn tại nhiều năm nên “còn nhiều vấn đề”.

Bà đề nghị ngành y tế nên thúc đẩy và có những giải pháp hữu hiệu hơn để nâng cao y đức và đạo đức nghề nghiệp, lấy việc chăm sóc, phục vụ sức khỏe của dân là mục tiêu của ngành. Đồng thời, có những giải pháp giám sát, xử lý nghiêm những hành vi thiếu đạo đức trong ngành y.

“Làm sao cho mọi người dân hăng hái tham gia bảo hiểm y tế và rất tự hào, công khai cầm bảo hiểm y tế khoe với mọi người ngay từ khi đến cổng bệnh viện, không phải giấu đi như hiện nay nhiều người làm”, Bà nói.

Cùng ngày, Bộ Y tế tổ chức họp báo chia sẻ thông tin về Luật bảo hiểm y tế sửa đổi. Có nhiều ý kiến cho rằng, không công bằng khi bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế trong khi chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh còn nhiều rắc rối, thủ tục hành chính phiền hà.

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế lý giải, chất lượng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe là một vấn đề quan trọng nhưng là vấn đề tách biệt đối với việc mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm y tế thông qua tham gia bảo hiểm y tế vẫn bắt buộc.

Bà Hương khẳng định, Bộ Y tế đã cam kết thực hiện những nỗ lực cần thiết để cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

“Bộ Y tế cũng cam kết sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính và giảm thời gian chờ đợi của người tham gia bảo hiểm y tế khi người dân đến khám chữa bệnh”, bà Hương nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN