Rớt nước mắt nhìn trẻ nhiễm HIV bị kỳ thị

“Mỗi ngày cháu chuẩn bị bài và làm bài đầy đủ nhưng cô giáo bắt cháu ngồi ở cuối lớp và chẳng bao giờ gọi dù cháu có xung phong lên bảng. Các bạn xa lánh, trêu chọc cháu”.

Cháu Đỗ Hà M, 11 tuổi (Lê Chân, Hải Phòng) lây căn bệnh thế kỷ từ bố mẹ. Hiện tại, M đang sống với người hàng xóm. Dù em vẫn đi học nhưng bị bạn bè xa lánh, không ai chơi đùa. Sự kỳ thị của xã hội đã vô tình đẩy M vào con đường cùng, em mất cơ hội đến trường.

Không chỉ bạn bè mà ngay cả hàng xóm cũng có thái độ kỳ thị với M. “Cha mẹ cháu đều bị bệnh AIDS rồi mất. Mấy người hàng xóm biết cha mẹ nó bị bệnh nên giờ chẳng ai mua đồ ở quán nhà tôi nữa. Chúng tôi chẳng có tiền ăn”. Câu chuyện được bà Th. (bà của bé Hà M chia sẻ tại "Hội thảo Phòng tránh HIV cho trẻ em" diễn ra ngày hôm qua 17/12.

Rớt nước mắt nhìn trẻ nhiễm HIV bị kỳ thị - 1

Bị xã hội kỳ thị, tương lai của M sẽ đi đến đâu?

Chị H. 40 tuổi, (ở Ngô Quyền, Hải Phòng) bị lây HIV từ người chồng nghiện ngập. Sau khi chồng mất, chị một mình nuôi hai đứa con nhỏ, cháu thứ hai cũng bị nhiễm. Chị phải kiếm tiền bằng cách làm bánh ở nhà rồi mang đi bán. Con gái thường xuyên ốm đau nên chị ko thể đi làm mà phải kiếm sống bằng cách làm bánh ở nhà rồi mang đi bán. Cuộc sống của gia đình chị còn trở nên khó khăn hơn sau khi một tổ chức từ thiện đến quay và đưa thước phim đó lên truyền hình kêu gọi sự hỗ trợ. Nhưng trớ trêu thay, đoạn phim đó lại khiến hàng xóm biết được tình trạng nhiễm HIV của chị. Thay vì nhận đc sự giúp đỡ của mọi người, những khách hàng quen thuộc lại lảng tránh, ko mua bánh của chị nữa. Như vậy, sự kỳ thị và phân biệt đối xử này đã vô tình đẩy gia đình chị rơi vào nghèo đói.

Vì bị kỳ thị nên những người nhiễm HIV ngại giao tiếp với mọi người hoặc cố giấu giếm căn bệnh của mình.

Trường hợp của gia đình bà B, con trai bà đã ra đi vì bệnh AIDS. Anh để lại đứa con gái mới 17 tháng tuổi cho bà nuôi nấng. Hơn ai hết, bà hiểu nỗi đau của những nạn nhân mắc căn bệnh thế kỷ này. Bà B ở nhà làm nội trợ còn chồng làm xe ôm. Với số tiền ít ỏi mà hai vợ chồng kiếm được đã cùng nhau nuôi nấng cô cháu gái suốt mười mấy năm qua. Bà Bông kể: “Tôi không cho nó ra ngoài đường. Tôi rất sợ hàng xóm láng giềng bàn tán, tội nghiệp nó lắm”.

Bà Nguyễn Thị Bích, Giám đốc Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam cho rằng, một trong những rào cản lớn nhất đối với người bệnh HIV/AIDS là sự phân biệt, kỳ thị từ xã hội. Những người nhiễm HIV không được xã hội tạo môi trường thuận lợi nên họ giấu giếm, lẩn trốn khỏi cộng đồng. Và hậu quả của kỳ thị, phân biệt đối xử là sự xa lánh, ruồng bỏ. Họ dễ bị tổn thương, không muốn tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị. Điều này sẽ là lý do làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Đồng quan điểm với bà Bích, ông Chu Quốc Ân, Cục phó Cục AIDS, Bộ Y tế cũng khẳng định, những lo lắng bị kỳ thị cũng khiến các gia đình có người nhiễm HIV ngại chia sẻ thông tin. Thực tế này làm giảm hiệu quả điều trị bệnh và tăng nguy cơ lây nhiễm.

Ông Ân còn cho biết, trong số những người bị lây nhiễm HIV thường phụ nữ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nhiều hơn nam giới. Ông lý giải, lây nhiễm HIV/AIDS chủ yếu vẫn qua đường tiêm chích ma tuý và hành nghề mại dâm. Nên những phụ nữ nhiễm HIV/AIDS thường bị coi là có hành vi đạo đức không lành mạnh. Trong số này, nhiều phụ nữ là nạn nhân do nhiễm từ chồng, từ người yêu của mình. Hơn nữa, người phụ nữ mặc dù nhiễm HIV vẫn phải lo toan, lao động kiếm sống nuôi bản thân, gia đình và chăm sóc chồng con. Chính vì vậy, sự kỳ thị, phân biệt đối xử đã đẩy họ và gia đình suy sụp nhanh hơn.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay số người nhiễm HIV tại Việt Nam là 204.019 người, số bệnh nhân AIDS là 59.569 người và số người nhiễm HIV đã tử vong là 61.856 người.

Phải khẳng định rằng, những người bị nhiễm HIV bị phân biệt đối xử là do cộng đồng thiếu hiểu biết về bệnh. Nhiều người không hiểu về con đường lây nhiễm nên đã vô tình đẩy những nạn nhân xấu số này vào con đường cùng.

PGS.TS. Trịnh Thị Ngọc, Nguyên Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, không ít người sợ tiếp xúc với người nhiễm HIV. Mặc dù nhiều người có thể nói rõ 3 con đường lây nhiễm HIV nhưng sự hiểu đó cũng chỉ ở mức độ chung chung. Hơn nữa, chính sự kỳ thị này khiến người nhiễm sợ tiết lộ thông tin về sức khỏe của mình; người có nguy cơ nhiễm HIV không dám xét nghiệm; người nhiễm không dám áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người khác.

Rớt nước mắt nhìn trẻ nhiễm HIV bị kỳ thị - 2

Kỳ thị của xã hội với những người nhiễm HIV sẽ làm gia tăng lây lan trong cộng đồng

Sự kỳ thị của xã hội đối với những nạn nhân của HIV sẽ làm giảm cơ hội đến trường của các em. Lớn lên các em sẽ lo sợ mình không được là một công dân bình thường của cộng đồng, xã hội. Đến bao giờ những nỗi đau này sẽ trở thành ký ức xa xôi ở mỗi nạn nhân.

Sẽ xử phạt hành vi kỳ thị người nhiễm HIV

Tại Việt Nam, tình trạng kỳ thị những người có HIV/AIDS còn rất phổ biến. Vì thế Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã được ban hành, đưa ra quy định chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định ban hành những văn bản hướng dẫn thi hành luật về chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Theo đó, kỳ thị, phân biệt người có HIV/AIDS sẽ bị xử phạt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN