Phòng bệnh tiêu chảy trong dịp Tết

Thức ăn dù đã nấu chín nhưng nếu để lâu trong nhiệt độ phòng lại là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vì thế ngộ độc thức ăn và tiêu chảy cấp là những bệnh rất thường gặp trong mùa Tết.

Tại sao Tết dễ bị tiêu chảy?

Trong mỗi dịp Tết đến, thói quen ăn uống thường ngày của nhân dân ta bị thay đổi hẳn. Các món ăn nhiều chất đạm như giò,chả, nem hoặc chỉ ăn toàn bột đường như mứt, kẹo. Giờ ăn cũng không cố định, ghé thăm nhà này ăn một chút, đến nhà khác bạn lại được mời ăn. Dạ dày làm việc quá sức và khó tránh khỏi những rối loạn tiêu hóa đặc biệt là tiêu chảy cấp.

Vào dịp Tết, các gia đình thường chế biến sẵn thức ăn dự trữ và dùng trong vài ngày. Thức ăn dù đã nấu chín nhưng nếu để lâu trong nhiệt độ phòng lại là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vì thế ngộ độc thức ăn và tiêu chảy cấp là những bệnh rất thường gặp trong mùa Tết.

Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn nhiều hay tiêu chảy nhiều hơn. Sau khi ăn từ 1 giờ trở đi, người bệnh sẽ có những triệu chứng rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, bụng đau quặn từng cơn sau đó bị tiêu chảy, có thể kèm theo sốt, môi khô, lưỡi bẩn.

Nếu bị ngộ độc thức ăn, bạn hãy tìm cách nôn ra hết số thực phẩm đó. Cần uống oresol để bù lại lượng nước và muối đã mất. Nếu thấy tình trạng nặng thì phải đi cấp cứu ngay, tuyệt đối không được dùng thuốc cầm tiêu chảy như viên rửa, sái thuốc phiện… vì cơ thể cần thải ra các chất độc đã xâm nhập.

Biện pháp phòng bệnh

Trong ngày Tết luôn phải thực hiện “ăn chín, uống sôi”, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh. Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, gián, bụi bặm. Xử lý phân, chất thải đảm bảo vệ sinh chung.

Thức ăn dù đã nấu chín nhưng nếu để lâu trong nhiệt độ phòng lại là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vì thế ngộ độc thức ăn và tiêu chảy cấp là những bệnh rất thường gặp trong mùa Tết

Để phòng chứng khó tiêu đầy bụng, nên ăn chậm, nhai kỹ, tránh dùng các thực phẩm khó tiêu như thức ăn rán quá nhiều dầu mỡ; không lạm dụng rượu, cà phê, thuốc lá, gia vị gây kích thích quá đáng; nên dùng gừng giã nhỏ hòa với nước ấm uống. Có thể dùng các thuốc như maalox, simelox, phosphalugel, gasvicon khi bị chứng khó tiêu đầy bụng do thừa axít dịch vị. Các men tiêu hóa neopeptine, pancrélase, alipase cũng có thể dùng để giúp sự tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.

Phòng bệnh tiêu chảy trong dịp Tết - 1

Trong ngày Tết luôn phải thực hiện “ăn chín, uống sôi”, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống

Với trẻ em, giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh. Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.Các bà mẹ phải rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi thay tã lót hoặc làm vệ sinh cho trẻ. Không để trẻ bò lê la trên sàn nhà hoặc ngậm tay, ngậm đồ chơi.Nếu gia đình có điều kiện, cho trẻ uống vaccin phòng Rotavirus.

Những ngày Tết, hầu hết các hiệu thuốc đều đóng cửa vì vậy để phòng bệnh tiêu chảy, chứng khó tiêu, đầy bụng, hãy chuẩn bị một số thuốc sẵn sàng trong tủ thuốc gia đình của bạn: vài gói oresol hoặc viên hydrite dùng để bù nước trong trường hợp nôn, tiêu chảy; motilum dùng trong trường hợp đầy hơi, khó tiêu, smecta dùng khi tiêu chảy , trà gừng để chữa buồn nôn, chậm tiêu...

Xử trí khi bị tiêu chảy

Xử trí tiêu chảy cấp do vi khuẩn: Nếu chỉ nôn ít và tiêu chảy dưới 6 lần trong ngày, có thể bù dịch bằng oresol, uống chậm từng thìa, ăn những thức ăn nhẹ, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp. Không uống nước có gas vì thức uống này chứa nhiều đường sẽ làm nặng thêm tình trạng mất nước. Quan trọng trong điều trị tiêu chảy là bồi phụ muối và nước. Bệnh nhân mất nước nặng hay những bệnh nhân nôn nhiều, không uống được phải đến cơ sở y tế để truyền dịch.

Một số thuốc kháng sinh thường được dùng trong tiêu chảy cấp do vi khuẩn là: co-trimoxazol (còn có tên khác là trimazol, biseptol, bactrim).

Xử trí tiêu chảy do virut: Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh rất thường gặp ở trẻ em và cũng có thể xảy ra ở người lớn nhưng thường nhẹ hơn. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông và mùa xuân trong dịp Tết . Triệu chứng chủ yếu là nôn và tiêu chảy. Nôn xuất hiện trước tiêu chảy 6 - 12 giờ. Thường nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu tiêu chảy, phân lỏng toàn nước, không có máu. Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Ở thể nhẹ, không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3 - 7 ngày. Việc điều trị bệnh chủ yếu là bù nước và điện giải.

Đối với người bị bệnh nhẹ, có thể điều trị ở nhà. Chú ý uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng không có gas hoặc uống oresol. Cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường. Theo dõi số lần đi ngoài, tính chất phân, các dấu hiệu mất nước. Không dùng thuốc cầm tiêu chảy vì các thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài, ứ đọng lại trong ruột gây trướng bụng, thủng ruột, tắc ruột… Tránh kiêng khem quá mức như chỉ ăn cháo trắng với muối sẽ khiến người bệnh bị nặng hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Sáng (Sức khỏe & Đời sống)
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN