Phó Thủ tướng: 19 tỉnh, thành triển khai "2 mũi giáp công" linh hoạt chống dịch COVID-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, sáng 18/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải chia “2 mũi giáp công” linh hoạt trong phòng, chống dịch.

Theo đó, một mũi tập trung lực lượng tại những “vùng đỏ”, có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao. Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp các biện pháp đồng bộ, giữ chặt “vùng xanh” an toàn; cô lập những “vùng vàng”, làm sạch để trở thành “vùng xanh”.

Sẵn sàng cho các tình huống dịch xấu hơn

Liên quan đến vấn đề trang thiết bị phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các địa phương mua sắm theo phương châm “4 tại chỗ” còn chậm; thủ tục, tuy trình mua sắm nhiều bước; khả năng đáp ứng của các đơn vị cung ứng hạn chế; việc sử dụng sinh phẩm chẩn đoán ở mức độ cao hơn…

Hiện độ nhạy của xét nghiệm nhanh tương đương với xét nghiệm mẫu gộp Realtime RT-PCR. Bộ Y tế đã hướng dẫn thực hiện xét nghiệm nhanh mẫu gộp 3 mẫu đơn hoặc 5 mẫu đơn, tiết kiệm sinh phẩm. Với nhu cầu rất lớn về sinh phẩm chẩn đoán trong đợt dịch lần này, Bộ Y tế sẽ đàm phán mua trực tiếp với các nhà sản xuất lớn trên thế giới như Hàn Quốc, châu Âu, Trung Quốc… về xét nghiệm nhanh và với các doanh nghiệp trong nước về xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện nay số lượng máy móc tạm đủ trong tình hình dịch hiện nay. Đáng chú ý, Bộ Y tế sẽ thành lập 25 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 2.000 mẫu đơn Realtime RT-PCR/ngày để hỗ trợ không chỉ cho các địa phương nguy cơ cao mà tiến hành sàng lọc, tầm soát tại những khu vực an toàn.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tính toán nhu cầu các thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch như hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy thở oxy cao áp (HFNC), bơm tiêm điện, máy theo dõi các chức năng sống của bệnh nhân, máy lọc thận chậm…

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đồng tình với phương án Bộ Y tế mua sắm tập trung số lượng lớn sinh phẩm xét nghiệm, máy móc, trang thiết bị y tế… theo Điều 22 về việc chỉ định thầu, Điều 26 về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt của Luật Đấu thầu 2013. Bộ Tài chính sẽ cân đối nguồn kinh phí bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận, giải quyết các thủ tục để khẩn trương mua sắm vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch, đặc biệt sinh phẩm xét nghiệm, máy móc điều trị. Những trang thiết bị, vật tư mà ngân sách Nhà nước có thể bảo đảm được, sẽ thực hiện mua ngay. Những bất cập trong quy định hiện hành sẽ trình Chính phủ để có Nghị quyết phù hợp.

Ban Chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế chỉ đạo, mua đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, phục vụ cho đội ngũ y bác sĩ. Ban Chỉ đạo sẽ có Bộ phận thường trực điều hành từ Hà Nội, kết nối với các bộ phận của Bộ Y tế và một số bộ, ngành, 19 tỉnh, thành phố phía Nam để giải quyết ngay những vướng mắc nảy sinh hàng ngày.

Thống nhất phương án xét nghiệm và thời gian có hiệu lực với lái xe

Về việc đảm bảo luồng xanh cho vận tải, lưu thông hàng hoá, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, một trong những ách tắc nhất liên quan đến yêu cầu lái xe, người đi trên xe phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, mỗi địa phương có yêu cầu loại xét nghiệm khác nhau (xét nghiệm Realtime-RT-PCR hoặc test nhanh), thời gian hiệu lực khác nhau (3, 5 hoặc 7 ngày)… “Bộ Giao thông vận tải đề nghị phải có hướng dẫn thống nhất cho tất cả các địa phương thực hiện”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn kiến nghị.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế chấp nhận kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR và xét nghiệm nhanh, do tất cả các cơ sở y tế từ cấp xã trở và các bệnh viện (cả công và tư nhân) thực hiện và đóng dấu xác nhận. “Các tài xế hoàn toàn được miễn phí khi thực hiện test nhanh tại các điểm này. Kết quả có hiệu lực trong 3 ngày”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Cụ thể, Bộ Y tế hướng dẫn các cơ quan y tế, Bộ Giao thông vận tải kiểm tra dọc các tuyến vận tải; phối hợp với các địa phương, Trung ương Đoàn Thanh niên để có thể bố trí thêm các điểm thực hiện xét nghiệm nhanh (tại các trạm xăng, trạm nghỉ đường dài…), kiên quyết không để ách tắc hàng hóa, giao thông.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo bàn và thống nhất giao Bộ Y tế hướng dẫn việc lưu thông hàng hóa trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 không yêu cầu lái xe, người đi trên trên xe có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các phương tiện phải được khử khuẩn, lái xe phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K, được bố trí chỗ riêng, không tiếp xúc với người khác… Các xe chạy qua lại giữa các địa phương cần có mã QR-Code để đảm bảo thông suốt.

Nguồn: [Link nguồn]

Những chuyến xe thâu đêm, xuyên giông bão đưa ”CÔ VY” đi cách ly

Đêm Sài Gòn, 1 giờ sáng, hàng loạt xe cấp cứu từ các cơ quan y tế và đơn vị tình nguyện vẫn tấp nập đưa đoàn F0 rẽ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Minh ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN