Phát hiện chuột cống mang virút gây bệnh

“Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy có ba con chuột cống ở TP.HCM mang virút Hanta”.

Đây là thông tin do bác sĩ Lý Huỳnh Kim Khánh, phụ trách khoa động vật côn trùng y học Viện Pasteur TP.HCM, cho biết vào ngày 19-11.

Sau khi xác định một bệnh nhân có kết quả dương tính với virút Hanta, từ ngày 5 đến 8-11, Viện Pasteur TP.HCM đã bắt ngẫu nhiên 25 con chuột cống và chuột nhắt sống tại khu vực xung quanh nhà bệnh nhân để kiểm tra các mầm bệnh có thể gây hại cho người.

Sốt xuất huyết kèm suy thận

Bệnh nhân có kết quả dương tính với virút Hanta trước đó là ông N.V.T., 55 tuổi, ở P.9, Q.3, TP.HCM. Ngày 17-10, ông T. nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng sốt cao, ho, giảm tiểu cầu và nổi mẩn qua da, sau đó có biểu hiện suy thận. Lúc đầu các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sốt xuất huyết, nhưng sau khi điều trị thấy bệnh không bớt nên đã gửi mẫu qua Viện Pasteur kiểm nghiệm virút Hanta.

Bác sĩ Võ Minh Quang, Phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết virút Hanta có trong chất bài tiết của chuột bị nhiễm bệnh như nước tiểu, phân, nước bọt. Khi hít những chất bài tiết này vào đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp vào vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc mắt, mũi, miệng, người hít hoặc tiếp xúc sẽ mắc bệnh. Một số trường hợp nhiễm bệnh trực tiếp do bị chuột mắc bệnh cắn.

Phát hiện chuột cống mang virút gây bệnh - 1

Chuột chạy rông trong một khu chợ sầm uất tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Virút Hanta có thể gây hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận (hemorrhagic fever with renal syndrome -HFRS) và  hội chứng phổi do Hanta (Hantavirus pulmonary syndrome - HPS).

Tại VN mới ghi nhận virút Hanta gây hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận (HFRS), chưa ghi nhận virút Hanta gây hội chứng phổi. Hội chứng này thường xuất hiện trong vòng một đến hai tuần sau khi phơi nhiễm (đã ghi nhận trường hợp kéo dài đến tám tuần). Triệu chứng gồm nhức đầu, đau lưng, đau bụng, sốt, lạnh run, nôn ói. Có thể có tình trạng mặt ửng đỏ, viêm đỏ kết mạc mắt, phát ban ngoài da. Sau đó bệnh nhân có thể bị huyết áp thấp, sốc, thoát huyết tương (tương tự sốt xuất huyết dengue), đồng thời xuất hiện suy thận cấp. Tỉ lệ tử vong khoảng 1-15% trường hợp mắc HFRS. Đa số bệnh tự hồi phục hoàn toàn sau vài tuần đến vài tháng. Năm 2009, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Nhân Dân 115 đã có hai ca bị nhiễm bệnh và cả hai đều được cứu sống. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do nhiễm virút Hanta.

Tránh tiếp xúc với chuột

Cho đến nay nhiễm virút Hanta chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ cân bằng thể tích tuần hoàn, cân bằng các chất điện giải, duy trì huyết áp, lọc thận đối với trường hợp suy thận nặng, thở máy hồi sức hô hấp đối với trường hợp tổn thương phổi... Tương tự các bệnh do virút khác, nếu bệnh nhân vượt qua được giai đoạn nguy kịch sẽ hồi phục dần dần và hoàn toàn. Hiện tại chưa có văcxin dự phòng đối với virút Hanta.

Bác sĩ Lý Huỳnh Kim Khánh khuyên người dân cần tránh xa nguồn lây virút Hanta bằng cách loại trừ và không để chuột vào nhà, không cho chuột tiếp xúc với thức ăn. Khử khuẩn các vùng có chuột nhiễm bệnh, không quét và hút bụi ở nơi có chuột mà dùng khăn ẩm có hóa chất diệt khuẩn để lau, hạn chế đến mức tối thiểu tiếp xúc với chuột và các chất thải của chúng. Khi phát hiện xác chuột phải báo ngay cho y tế địa phương, không nên bỏ vào thùng rác hay vứt ra đường. Tất cả xác chuột đều phải đốt hoặc chôn ở độ sâu 0,5-1m. Nếu tiếp xúc với bẫy chuột phải mang găng tay và rửa sạch bằng xà phòng sau đó.

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, The Hantaviruses là một nhóm nhiều loại virút thuộc họ Bunyaviridae, được đặt tên theo nơi lần đầu tiên phát hiện tại sông Hantaan Hàn Quốc vào năm 1978. Hantavirus được mang và lây truyền bởi loài gặm nhấm. Mỗi loại Hantavirus thích ứng với một loài gặm nhấm và phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, ví dụ như virút Hanta có ký chủ là loài chuột đồng Apodemus agrarius hiện diện ở vùng Viễn Đông, Bắc Á, Nga, Balkans, virút Seoul có ký chủ là loài chuột nhà Rattus norvegicus hiện diện ở khắp nơi trên thế giới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo THÙY DƯƠNG (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN