TPHCM: Phát hiện ca bệnh suy thận vì bị... chuột cắn

Bệnh nhân N.V.T. (nam, 55 tuổi ở TPHCM) nhập viện vì sốt đã 3 ngày, bị chuột cắn cách đó 15 ngày và đã bị suy thận. Theo kết quả xét nghiệm, bệnh nhân N.V.T. dương tính với loại virus có tên Hantavirus có ở trong chuột.

Bệnh lây từ chuột
 
Chiều ngày 6/11, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết, do khai thác kỹ lâm sàng bệnh nhân nhân N.V.T. nên bệnh viện đã điều trị thành công cho ca bệnh này và bệnh viện cũng đã gửi mẫu cho Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm. Hiện bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng sức khoẻ ổn định.

TPHCM: Phát hiện ca bệnh suy thận vì bị... chuột cắn - 1

Chuột được xem là ổ chứa Hantavirus.

Tuy nhiên, con của bệnh nhân này cũng đang bị phát bệnh do hai cha con cùng bị một con chuột cắn. Nhưng do kháng thể mỗi người khác nhau và thời gian ủ bệnh khác nhau nên người cha phát bệnh đã khỏi thì người con mới phát bệnh.

Được biết, Viện Pasteur TPHCM sẽ đi xuống địa phương nơi gia đình này cư ngụ để có kế hoạch hỗ trợ người dân diệt chuột và phòng ngừa bệnh.

TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, chuyên gia về ký sinh trùng cho biết, Hantavirus là loại virus ARN, thuộc họ Bunyaviridae. Ca đầu tiên bệnh do Hantavirus được ghi nhận tại Hoa Kỳ vào năm 1970. Chuột và loài gặm nhấm được xem là ổ chứa Hantavirus.

Ở loài gặm nhấm nói chung và loài chuột nói riêng, sự lây nhiễm có thể xảy ra theo lối từ con này lây sang con khác. Chúng ta cũng có thể bị nhiễm virus qua vết cắt trên da, vết chuột cắn, qua niêm mạc mắt và miệng, do nước hoặc thức ăn bẩn đã bị nhiễm Hantavirus trước đó. Không có bằng chứng về sự lây từ người này sang người khác.

Nguy cơ tử vong 50%

Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ một đến sáu tuần lễ. Ở người, Hantavirus có thể gây ra 2 nhóm hội chứng: Hội chứng về thận kèm sốt xuất huyết và hội chứng về phổi, Hantavirus pulmonary syndrome (HPS). Hội chứng về thận kèm sốt xuất huyết Bắt đầu bằng các dấu hiệu tương tợ như cảm cúmtrong vòng từ 3 - 6 ngày, mệt mỏi cực độ, sốt, đau nhức các bắp thịt.

Đôi khi có thể nhức đầu, chóng mặt, đau bụng và nôn mửa. Sau đó thận bị tổn thương, suy thận, tăng số tế bào bạch cầu (thrombocytes) trong máu, nổi các nốt đỏ ở da, chảy máu cam và tiểu có máu; Hội chứng về phổi, Hantavirus pulmonary syndrome (HPS): Bắt đầu như cảm cúm kéo theo một thời gian thở khó cấp tính, thở ngắn và ho. Nguy cơ tử vong có thể lên đến 50%.

Theo TS.BS Mạnh Siêu, bệnh do Hantavirus có tử suất cao. Không có thuốc đặc trị, chỉ áp dụng phương pháp điều trị phụ trợ (supportive treament) như cho thở oxy... Một số văcxin đang được Hoa Kỳ và Trung Quốc nghiên cứu. Đặc biệt, loại văcxin làm từ chủng Hantaan hiện nay đã được thấy sử dụng tại Hàn Quốc.

Để phòng ngừa Hantavirus, phải giữ nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp để đừng thu hút chuột bọ và các loài gặm nhấm. Bịt hết các hang hóc, lỗ hổng trong vách nơi chuột có thể vào được, bắt giết chuột. Mang bao tay khi phải sờ mó chuột, chùi rửa, tẩy uế nhà cửa bằng nước javel (pha 3 thìa canh javel cho một lít nước), giặt rửa chăn mền quần áo với nước nóng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bùi Hương (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN