Phát hiện bỏ "thuốc độc" vào thức ăn

Nhiều trường hợp “bỏ độc” vào thực phẩm đã được cơ quan chức năng phát hiện song lại không có căn cứ để xử.

Sử dụng phụ gia thực phẩm (PGTP) tràn lan, quá mức sẽ gây hại cho sức khỏe, nhưng việc quản lý PGTP lại gặp nhiều khó từ kinh doanh, phân phối tới chế biến, bảo quản, sử dụng.

Lặng lẽ đầu độc

Theo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, PGTP hiện đang được sử dụng rộng rãi với 70% - 90% loại thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, việc sử dụng PGTP không đúng quy định diễn ra ở hầu hết các địa phương với hai nhóm hành vi chủ yếu là sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép (chiếm 50% - 87%) hoặc với hàm lượng vượt quá giới hạn (chiếm 22% - 93%) ở các địa phương trong cả nước.

Kết quả khảo sát các loại thực phẩm lưu thông trên thị trường do Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM thực hiện tại khu vực phía Nam, phát hiện 68,2% mẫu thực phẩm dương tính với hàn the, chủ yếu là mì sợi, thực phẩm chay; 17,2% mẫu dương tính với formol tập trung vào các loại thực phẩm tôm tươi, bún, bánh phở; 74,8% mẫu dương tính với chất tẩy trắng, tập trung vào các mẫu sả bào, hoa chuối, bẹ chuối, măng chua; 53,8% mẫu sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, tập trung vào các mẫu tôm khô, hạt dưa, mứt.

Phát hiện bỏ "thuốc độc" vào thức ăn - 1

PGTP được bày bán tại chợ Kim Biên TP HCM. (Ảnh minh họa)

Một số loại PGTP thuộc danh mục cho phép sử dụng như chất bảo quản Natri benzoate và Kali sorbate nhưng được dùng với hàm lượng vượt quá giới hạn như: Bánh bao (93,3%); phô mai (60%); sữa tươi tiệt trùng (66,7%); thực phẩm chay (55%), tương hột (46,7%), mì ăn liền (33,3%),... Bên cạnh đó, việc sử dụng cùng lúc 2 chất bảo quản trong một sản phẩm ngày càng phổ biến.

Khó xử lý

Theo đánh giá của Đại tá Trần Trọng Bình, đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an, tình hình về tội phạm vi phạm VSATTP ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp “bỏ độc” vào thực phẩm đã được C49 ghi nhận trong thời gian qua. “Các đối tượng vi phạm bỏ formaldehyde vào bánh phở khai. Mỗi tuần tiêu thụ khoảng một can 5 lít hóa chất formaldehyde để bỏ vào bánh phở. Hóa chất vô cùng dễ mua, có thể mua tùy thích tại bất kỳ điểm bán hóa chất nào”, Đại tá Bình cho biết.

Tuy nhiên, hiện nay theo luật định, để khởi tố hình sự đối với hành vi sử dụng các chất độc hại trong thực phẩm thì hành vi này phải gây hậu quả nghiêm trọng, tức phải có người chết hoặc ngộ độc hàng loạt lên đến hàng trăm người. Trong khi đó, những chất tồn dư trong thực phẩm không làm chết người ngay hay gây ngộ độc ngay mà gây tác hại lâu dài, cực kỳ nguy hại đối với sức khỏe con người và ảnh hưởng rộng. Theo C49, cả chục năm nay không có vụ việc vi phạm VSATTP nào bị xử lý hình sự.

“Trong các vụ việc, không có người chết, không có ngộ độc thực phẩm hàng loạt hàng trăm người thì chúng tôi không thể khởi tố hình sự vi phạm VSATTP được”, đại tá Trần Trọng Bình cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngô Đồng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN